Bên trong Nhà hát Steve Jobs - nơi diễn ra sự kiện Apple - một tuyệt tác như chính chiếc iPhone vậy
Có lẽ chúng ta đã quá mải chú ý đến chiếc iPhone X mới ra mắt, mà quên mất một điều rằng tại hôm sự kiện vừa rồi, Apple còn giới thiệu tới công chúng một kiệt tác thiết kế khác - đó chính là Steve Jobs Theater.
Giờ đây tại Steve Jobs Theater đã không còn bóng người nào nữa.
Chỉ vài ngày trước đây thôi, đâu đâu trong căn khán phòng này cũng tràn ngập người: nhân viên của Apple, báo chí, các nhà phân tích, cũng như những vị khách đặc biệt. Tất cả mọi người đều tụ tập ở đây, mong muốn có thể chạm tay vào những sản phẩm mới nhất của Apple.
Khi khán phòng này không còn một ai, những tiếng bước chân cứ thế vang vọng trong không gian.
Thế nhưng, vào hôm sự kiện diễn ra, tuyệt nhiên không có bất kỳ một tiếng vọng nào vang lên cả. Theo lý giảo của Apple, chính những người có mặt tại sự kiện đã trở thành bức tường cách âm ngăn không cho tiếng ồn vang vọng trong không gian.
Và đó mới chỉ là một trong số rất nhiều bí mật thú vị khác ẩn đằng sau Steve Jobs Theater.
Dây rợ đâu hết cả rồi?
Một trong những điểm ấn tượng nhất của Steve Jobs Theater chính là phần không gian mở nằm trên mặt đất. Phần không gian này, cũng như toàn bộ khán phòng, được thiết kế bởi các chuyên gia kiến trúc đến từ Foster Partner - dựa theo ý tưởng ban đầu của Steve Jobs. Toàn bộ tòa khán phòng này được xây dựng với mục tiêu thể hiện được chính xác nguyên lý thiết kế của iPhone: sở hữu một vẻ ngoài đơn giản nhưng lại mang trong mình những tính năng tân tiến phức tạp.
Và kết quả, bọn họ đã thành công. Đứng từ ngoài nhìn vào bên trong Steve Jobs Theater, chúng ta có thể thấy rõ sự đơn giản đến mức tuyệt đối này. Toàn bộ bề nổi của khán phòng không hề để lộ khung, ống, dây điện, hay thậm chí cả loa phát thanh. Sự thật là chúng vẫn tồn tại, chỉ là không ai thấy được chúng mà thôi.
Phần mái vòm bằng sợi Carbon được đỡ bởi chính những cửa kính xung quanh căn phòng. Phần khớp nối các tấm cửa kính này chính là nơi đặt ống dẫn nước cho hệ thống cứu hỏa, cũng như các loại dây điện, dây mạng và dây âm thanh. Còn những chiếc loa phát thanh thì được đặt ở bên trong của mái vòm.
Sở dĩ Steve Jobs Theater có thể đạt đến sự tối giản gần như tuyệt đối đến như vậy, là bởi tại đây không hề tồn tại bất cứ khoảng không gian thừa nào cả. Mọi thứ của khán phòng này đều có chức năng riêng của nó, chẳng hạn như những thanh xà màu đen ở trên mái vòm không phải dùng để trang trí, mà đảm nhận chức năng của ăng ten cho hệ thống liên lạc nội bộ. Ý tưởng này có lẽ được Foster Partner lấy từ chính phần ăng ten trên những chiếc iPhone.
Vững như bàn thạch
Có lẽ những căn nhà kính luôn gợi cho chúng ta cảm giác mong manh, thế nhưng xét về khả năng chống chọi thì Steve Jobs Theater chẳng thua kém những căn nhà bê tông cốt thép chút nào.
Theo lời của Apple thì căn khán phòng này có thể chống chịu được những trận động đất khoảng 8 độ richter. Toàn bộ phần tiền sảnh, cũng như cửa kính của khán phòng, đều được đặt trên những bộ cách ly động, cho phép toàn bộ khán phòng đứng im kể cả khi mặt đất rung chuyển. Vậy nên cho dù có động đất xảy ra, khán phòng vẫn sẽ đứng yên như thế.
Nếu như một hoặc một vài tấm kính bị vỡ thì cũng đừng lo, Steve Job Theater cũng không sụp đổ được đâu. Theo lời Apple thì kể cả khi chỉ còn một tấm kính còn nguyên vẹn (trên tổng số 44 tấm kính), thì mái vòm của Steve Jobs Theater cũng vẫn sẽ không bị sụp đổ.
Đơn giản là nhất
Mặc dù toàn bộ ý tưởng ban đầu là do Steve Jobs nghĩ ra, nhưng người phát triển những ý tưởng đó trở thành như bây giờ lại là Jony Ive. Ông chính là trưởng bộ phận thiết kế của Apple hiện tại, và là người làm việc nhiều nhất với Foster Partners trong quá trình xây dựng công viên Apple.
Những đường cong này chính là phong cách thiết kế quen thuộc của Jony Ive
Một trong những điểm thể hiện tính tối giản của thiết kế tại khán phòng nằm ở chính chiếc thang máy vận chuyển du khách. Do đặc điểm cửa vào ở tầng trên và cửa ra ở tầng dưới nằm về hai phía đối lập nhau, nên thang máy sẽ từ từ quay trong quá trình di chuyển, để tránh việc phải làm hai cửa ra vào cho thang.
Vô cùng rộng lớn
Toàn bộ diện tích của Steve Jobs Theater là khoảng 15,500 mét vuông, trong đó những khu vực như phòng trưng bày hay hội trường nằm sâu phía dưới mặt đất. Ở lối vào là bức tường đá vôi của Ý, trên đó có khắc dòng chữ 'Steve Jobs Theater'. Đây cũng là vị trí duy nhất của khán phòng có khắc tên vị CEO quá cố của Apple.
Nhìn không gian của khu vực hội trường, ít người nghĩ rằng nơi đây có sức chứa gần 1000 chỗ ngồi. Rất nhiều người khi tới đây cảm thấy khó có thể tin được điều này, và thực tế những người tới tham dự sự kiện của Apple hôm vừa rồi đã mất không ít thời gian tranh cãi xem sức chứa chính khác của khu hội trường là bao nhiêu người. Đây có lẽ là một thành công khác của Foster Partners, khi đã tạo ra một không gian lớn nhưng không gây ra cảm giác trống trải cho những người tới đây.
Con số chính xác là 921 chỗ ngồi, nhưng kể cả vậy thì sức chứa của hội trường này vẫn gấp 3 lần hội trường cũ của Apple.
Suy cho cùng, những gì Apple, Jony Ive, Steve Jobs, cũng như Foster Partners muốn tạo ra là một khán phòng trông đơn giản hết mức có thể, kể cả khi họ biết rằng để tạo được một nơi như vậy cần phải bỏ một lượng khổng lồ thời gian công sức.
Tham khảo Mashable
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android