Bí ẩn tốc độ suy nghĩ con người: Chậm như mạng dial-up, kém Wi-Fi 5 triệu lần nhưng vì sao vẫn đủ để sinh tồn?

    Anh Việt,  

    Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tốc độ này hoàn toàn phù hợp với môi trường sống của chúng ta.

    Một nghiên cứu mới đây từ Viện Công nghệ California (Caltech) đã tiết lộ một sự thật gây sốc về bộ não con người: tốc độ suy nghĩ của chúng ta chỉ đạt 10 bit mỗi giây, thấp hơn rất nhiều so với khả năng xử lý hàng tỷ bit mỗi giây của các giác quan. Phát hiện này, được công bố trên tạp chí Neuron , đang thách thức những giả định lâu nay về khả năng nhận thức của con người.

    Dẫn đầu nghiên cứu này là Markus Meister, Giáo sư Khoa học Sinh học tại Caltech, cùng nghiên cứu sinh Jieyu Zheng. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật lý thuyết thông tin để phân tích một loạt hành vi của con người như đọc, viết, chơi game và giải khối Rubik. Kết quả cho thấy tốc độ xử lý 10 bit mỗi giây mà họ mô tả là "cực kỳ chậm."

    Để dễ hình dung, tốc độ này tương đương với việc gửi một tin nhắn văn bản qua mạng dial-up, trong khi một kết nối Wi-Fi hiện đại có thể xử lý tới 50 triệu bit mỗi giây. Sự chậm chạp này đặt ra một câu hỏi lớn: làm thế nào bộ não con người có thể lọc được khối lượng thông tin khổng lồ mà chúng ta tiếp nhận từ môi trường xung quanh?

    Bí ẩn tốc độ suy nghĩ con người: Chậm như mạng dial-up, kém Wi-Fi 5 triệu lần nhưng vì sao vẫn đủ để sinh tồn?- Ảnh 1.

    Mặc dù bộ não có hơn 85 tỷ tế bào thần kinh và một phần ba trong số đó được dành riêng cho tư duy cao cấp, tốc độ tổng thể của quá trình suy nghĩ lại chậm đáng kể. Một tế bào thần kinh đơn lẻ có thể truyền hơn 10 bit mỗi giây, nhưng khả năng xử lý tổng thể lại bị giới hạn. Điều này tạo nên một nghịch lý mà các nhà thần kinh học vẫn đang cố gắng giải đáp.

    Bên cạnh đó, nghiên cứu còn nhấn mạnh một hạn chế đặc biệt trong tư duy của con người: chúng ta chỉ có thể xử lý một ý nghĩ tại một thời điểm, không thể hoạt động song song như các giác quan. Ví dụ, trong cờ vua, người chơi chỉ có thể hình dung một chuỗi nước đi duy nhất thay vì cân nhắc đồng thời nhiều chiến lược.

    Zheng và Meister cho rằng sự hạn chế này bắt nguồn từ lịch sử tiến hóa của loài người. Họ lý giải rằng tổ tiên của chúng ta, những sinh vật sơ khai với hệ thần kinh đơn giản, chủ yếu sử dụng bộ não để định hướng – tìm kiếm thức ăn và tránh kẻ săn mồi. Nếu bộ não phức tạp ngày nay được phát triển từ những hệ thống đơn giản như vậy, thì không khó hiểu khi chúng ta có xu hướng chỉ theo một "lối mòn" tư duy tại mỗi thời điểm.

    Phát hiện này không chỉ có ý nghĩa với khoa học mà còn đặt dấu hỏi lớn về các viễn cảnh tương lai đầy tham vọng của công nghệ. Chẳng hạn, ý tưởng kết nối trực tiếp não người với máy tính để tăng tốc độ giao tiếp có thể không khả thi như mong đợi. Dù sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, tốc độ suy nghĩ của con người vẫn bị giới hạn ở mức 10 bit mỗi giây.

    Tuy vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tốc độ này hoàn toàn phù hợp với môi trường sống của chúng ta. "Tổ tiên loài người đã chọn một ngách sinh thái nơi thế giới thay đổi đủ chậm để đảm bảo khả năng sinh tồn," nhóm nghiên cứu nhận định. Họ bổ sung rằng, thực tế tốc độ 10 bit mỗi giây chỉ cần thiết trong những tình huống khẩn cấp, trong khi hầu hết các thay đổi môi trường diễn ra chậm hơn nhiều.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày