Kim cương đã mê hoặc nhân loại trong nhiều thế kỷ, và không có gì đáng ngạc nhiên khi tồn tại lời đồn về những điều tốt và điều xui xẻo liên quan đến chúng.
Một trong những viên đá quý ngoạn mục nhất thế giới là viên kim cương Hope (Hy vọng). Đó là viên kim cương màu xanh tuyệt đẹp nặng hơn 45 carat. Với kích thước tương tự như một quả óc chó, viên kim cương được ước tính trị giá một phần tư tỷ USD. Tuy nhiên, có nhiều người sẽ nghĩ hai lần về việc mua nó cho dù họ vô cùng giàu có, vì Hope được cho là đã bị nguyền rủa.
Viên kim cương Hope (Hy vọng). Ảnh: Getty
Tác giả Karl Shuker trong cuốn sách "The Unexplained" đã viết về nguồn gốc của viên đá nguy hiểm này: "Nó lấp lánh trên trán của một tượng thần ở đền thờ Ấn Độ - cho đến khi bị một linh mục Ấn giáo đánh cắp, mà hình phạt cho hành động vô đạo đức này là cái chết chậm chạp và đau đớn. Hope dường như được khai quật ở mỏ Golconda bên sông Kistna, Tây Nam Ấn Độ, và xuất hiện lần đầu tại châu Âu vào năm 1642, khi nó được mua bởi một thương gia người Pháp - người đã bán nó cho Vua Louis XIV vì lợi nhuận cực lớn. Tuy nhiên, ông này sau đó lại bị một bầy chó hoang giết chết".
Viên kim cương bị đánh cắp khỏi Hoàng gia vào năm 1792 trong Cách mạng Pháp. Vua Louis XIV và Nữ hoàng Marie Antoinette đều bị chặt đầu và họ cũng thường được coi là nạn nhân của lời nguyền kim cương. Viên kim cương đã mất tích trong vài thập kỷ trước khi tái xuất dưới hình dáng một viên đá quý nhỏ hơn. Có những báo cáo chưa được xác nhận rằng nó thuộc về Vua George IV của Anh, người đã bị buộc bán đi để trả những khoản nợ khổng lồ của mình. Năm 1839, viên kim cương đã được nghị sĩ Henry Thomas Hope mua lại và có cái tên Hope kể từ đó. Ông Hope cũng qua đời sau đó không lâu, viên kim cương tiếp tục qua tay một số chủ sở hữu khác.
Nỗi bất hạnh được gán cho viên kim cương Hy vọng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Có những câu chuyện về các chủ sở hữu tự sát, bị sát hại và không còn một xu dính túi thông qua các khoản đầu tư tệ hại. Những người tiếp xúc với viên kim cương đã trải qua những cuộc hôn nhân thất bại, những đứa trẻ chết yểu, nghiện ma túy, điên rồ.
Viên kim cương Hope là viên kim cương bị nguyền rủa nổi tiếng nhất thế giới, nhưng nó chỉ là một trong số rất nhiều. Trong thực tế có vô số viên kim cương khác nữa. Theo "Cuốn sách mê tín khổng lồ" của tác giả Claudia de Lys, "sự mê tín liên quan tới kim cương hiện được ghi nhận ở khắp mọi nơi trên thế giới".
"Niềm tin điển hình của phương Đông là việc sở hữu những viên kim cương cực lớn luôn mang đến bất hạnh. Lịch sử lâu dài về máu, trộm cắp, mưu mô, mất đế chế, mất mạng và các thảm họa khác thuộc về mỗi viên kim cương nổi tiếng nhất, và phần lớn các câu chuyện đều đúng trong lịch sử. Thực tế này chỉ củng cố niềm tin vào suy nghĩ của những người mê tín rằng những viên kim cương lớn là nguyên nhân gây ra sự bất hạnh cho chủ nhân của chúng".
Lời nguyền kim cương cho rằng những người sở hữu đều chết thảm hoặc gặp bất hạnh. Ảnh: Getty
Lời nguyền Hope lan rộng vì các cây bút đã thêu dệt thêm, tạo nên một câu chuyện giật gân vào cuối những năm 1800. Trong khi một số chủ sở hữu được biết là thực sự đã chết đau đớn (Nữ hoàng Marie Antoinette bị chặt đầu bởi máy chém là một ví dụ điển hình), nhiều thảm kịch khác được cho là có thể không liên quan.
Nếu lời nguyền chỉ đơn giản là bất cứ ai sở hữu nó sẽ sớm chết một cái chết thê thảm, điều đó sẽ vừa đáng sợ vừa siêu nhiên. Tuy nhiên, lời nguyền kim cương Hy vọng trở nên ít bí ẩn hơn khi chúng ta nhận ra rằng đó không chỉ là cái chết mà là vô số sự bất hạnh tồn tại trên đời: vỡ nợ, tự tử, bị chặt đầu và bị chó hoang ăn thịt. Với một nhóm lớn hàng trăm người sở hữu, không phải ai cũng trải qua thảm kịch như thế.
Câu chuyện về lời nguyền kim cương Hy vọng bằng một cách nào đó là câu chuyện ngụ ngôn về đạo đức và tội lỗi của lòng tham. Kẻ trộm ban đầu, theo truyền thuyết, đã chết một cái chết chậm chạp và đau đớn, trong khi những người chủ sau đó, không biết gì về lời nguyền cho đến khi quá muộn, cũng phải chịu đựng. Người ta nói rằng chỉ có một người có trái tim thuần khiết mới có thể thoát khỏi số phận cam chịu - trong trường hợp này "trái tim thuần khiết" có nghĩa là một người không cố bán nó mà thay vào đó đã hào phóng cho đi.
Do đó, lời nguyền - nếu thực sự đã từng có - kết thúc khi thợ kim hoàn Harry Winston tặng cho Viện Smithsonian năm 1958, nơi nó được trưng bày ngày nay.
(Theo Livescience)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming