Bí ẩn về thành phố của Trung Quốc có tỉ lệ nhiễm COVID-19 thấp kỷ lục: Nhờ 1 "bí kíp" ẩn trong đất?
Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc tin rằng "lượng Selen trong cơ thể người có thể góp phần chống oxy hóa, chống viêm và tăng cường miễn dịch trước sự tấn công của COVID-19".
Trong mắt các nhà khoa học, thành phố Ân Thi (tỉnh Hồ Bắc) là một "bí ẩn" trong đợt đại dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc , theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Tỉ lệ người mắc COVID-19 ở thành phố phía Tây tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc chỉ ở mức 6/100.000, trong khi những nơi khác cùng tỉnh ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm cao hơn Ân Thi từ 2-20 lần. Con số này đã khiến các nhà khoa học bối rối đi tìm manh mối cho câu hỏi "vì sao virus SARS-CoV-2 lại tha cho Ân Thi", cho đến khi có người đưa ra giả thuyết rằng câu trả lời có thể nằm trong... đất của thành phố này.
Một nghiên cứu mới được các nhà khoa học Trung Quốc công bố trong tuần này đã ủng hộ giả thuyết trên, với kết luận rằng "lượng Selen trong cơ thể người có thể góp phần chống oxy hóa, chống viêm và tăng cường miễn dịch trước sự tấn công của COVID-19".
Thành phố Ân Thi là nơi có trữ lượng Selen lớn nhất thế giới - nguyên tố vi lượng phi kim nằm ngay bên cạnh thạch tín (Asen) trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Nồng độ Selen trong tự nhiên tại Ân Thi cao đến mức việc thừa Selen khiến một số cư dân địa phương bị rụng tóc hoặc móng tay.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu do Giáo sư Ma Jin thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước về Tiêu chí Môi trường và Đánh giá Rủi ro tại Học viện Nghiên cứu Khoa học Môi trường Trung Quốc ở Bắc Kinh, "lượng Selen tương đối cao trong chế độ ăn uống ở những khu vực giàu Selen có thể tăng cường khả năng miễn dịch của con người... [và] góp phần chống virus SARS-CoV-2". Bài báo của nhóm nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường hôm 7/3 vừa qua.
Các dữ liệu từ các thành phố trên khắp tỉnh Hồ Bắc do ông Ma và các đồng nghiệp thu thập được cho thấy dường như tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 tỉ lệ nghịch với trữ lượng Selen: Ở nơi có lượng Selen thấp hơn, tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt. Ví dụ, các thành phố Tùy Châu và Hiếu Cảm là hai nơi thiếu Selen trầm trọng và tỷ lệ số ca dương tính với SARS-CoV-2 của họ cao nhất bên ngoài thành phố Vũ Hán - nơi đầu tiên ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh.
Các nhà nghiên cứu tin rằng nguyên tố phi kim này có thể đóng một "vai trò quan trọng" trong phản ứng miễn dịch của con người với SARS-CoV-2 thông qua nhiều cơ chế khác nhau, chẳng hạn như giảm tạo ra các gốc tự do oxy hóa (reactive oxygen) có thể gây ra tình trạng sưng viêm quá mức.
Những hiện tượng tương tự đã được ghi nhận ở một số nơi khác.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố hồi tháng 6/2020 của nhóm các nhà khoa học do giáo sư y học dinh dưỡng người Anh Margaret Rayman dẫn đầu, số người khỏi bệnh COVID-19 có tỉ lệ thuận với nồng độ Selen được phát hiện trong tóc của người bệnh.
Tại Đức, một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Heidelberg cho thấy các bệnh nhân COVID-19 có nồng độ Slen trong cơ thể thấp hơn thường có nguy cơ tử vong cao hơn.
Hắc Long Giang, một tỉnh ở vùng Đông Bắc Trung Quốc có trữ lượng Selen thấp nhất cả nước, cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất nước này là 2,6%, gấp 4 lần mức trung bình của các tỉnh khác (ngoại trừ Hồ Bắc - tâm dịch đầu tiên), theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc.
Thành phố Ân Thi thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, là nơi có trữ lượng Selen lớn nhất thế giới. Ảnh: Tân Hoa Xã
Vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận?
Ông Li Jianke, giáo sư khoa học dinh dưỡng của trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây, cho biết những khám phá này đã tạo ra một số "cuộc thảo luận sôi nổi", tuy nhiên cộng đồng nghiên cứu chính thống vẫn thận trọng về kết quả này.
"Chúng tôi vẫn cần thêm các bằng chứng chắc chắn. Đến nay vẫn chưa có dữ liệu nào từ một thí nghiệm được kiểm soát để chứng minh mối liên hệ [giữa Selen và nguy cơ nhiễm COVID-19] thực sự tồn tại", ông Li, người không tham gia nghiên cứu nói trên, cho biết.
Theo ông này, các nhà khoa học cần tiến hành thêm các nghiên cứu ở khu vực có dịch, trong đó các tình nguyện viên sẽ được bổ sung thêm lượng Selen để so sánh với những người không được bổ sung.
"Nếu không tiến hành nghiên cứu như vậy, thì ta sẽ không xác định được một số yếu tố khác bị nhầm với Selen", ông Li cho rằng nhân khẩu học là một trong những yếu tố dễ bị "đánh đồng".
Ân Thi có tuổi thọ trung bình trên 80 tuổi, cao hơn 4 năm so với mức trung bình của toàn Trung Quốc.
Một số nghiên cứu cho thấy Selen có thể có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị một số loại virus - bao gồm HIV, Ebola và cúm mùa - nhưng cơ chế hoạt động của nó vẫn là điều bí ẩn.
Một số vấn đề sức khỏe không liên quan đến virus, ví dụ như bệnh tim và ung thư hay ảnh hưởng của quá trình lão hóa cũng được cho là có liên quan đến Selen. Theo một số nghiên cứu, các bệnh nhân mắc một số loại bệnh ung thư cũng có ít Selen trong cơ thể hơn những người khỏe mạnh.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu thực hiện trên quy mô toàn dân để theo dõi tác động của việc bổ sung Selen lại chưa tìm ra mối liên hệ chắc chắn.
Các nghiên cứu ở cấp độ phân tử cho thấy nguyên tố này có liên quan đến nhiều quá trình quan trọng của tế bào, chẳng hạn như sữa chữa DNA, nhưng thừa Selen cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương não.
Vì lí do trên, ông Li không khuyến khích người dân tự ý bổ sung Selen, mà cần có sự tư vấn và giám sát của bác sĩ./.
(Theo SCMP)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời