VTV.vn - Ngày 10/3, Thủ tướng Bỉ tuyên bố, các nhân viên Chính phủ Liên bang Bỉ sẽ không được phép cài đặt ứng dụng chia sẻ video TikTok trên các điện thoại công vụ của họ.
- Nhiều lần nóng mắt vì Apple, nhưng Elon Musk lại vừa gửi lời cảm ơn đặc biệt đến nhà sản xuất iPhone
- Lý do TikTok bị cấm ở một loạt quốc gia và nguy cơ bị cấm hoàn toàn ở Mỹ
- Xu hướng cực lạ tại Trung Quốc: livestream xuyên đêm ngoài đường để hút người hâm mộ trên TikTok, người xem càng nhiều thu nhập càng khủng
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nêu rõ, lệnh cấm được đưa ra sau khi Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ (CNS) cảnh báo về những rủi ro liên quan lượng lớn dữ liệu người dùng mà TikTok thu thập.
Lệnh cấm sẽ có hiệu lực tạm thời trong vòng 6 tháng, áp dụng cho tất cả các thiết bị sử dụng một phần hoặc toàn bộ chi phí của chính phủ liên bang, cũng như đăng ký trên hệ thống chính phủ liên bang. Tuy lệnh cấm không áp đặt đối với những thiết bị cá nhân, tự sắm của các nhân viên chính phủ liên bang, nhưng Thủ tướng Bỉ khuyến cáo, họ cũng không nên cài TikTok trên các thiết bị này.
Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ đề nghị chính quyền cấp khu vực, tỉnh và địa phương áp đặt lệnh cấm tương tự đối với TikTok, đồng thời kêu gọi khu vực tư nhân cảnh giác với những rủi ro liên quan đến việc sử dụng ứng dụng này. Ngoài ra, Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ cũng đang yêu cầu Cơ quan Bảo vệ dữ liệu (DPA) điều tra chính sách quyền riêng tư của TikTok.
Trước đó, lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị công vụ đã có hiệu lực tại các nước như Mỹ, Canada, Đan Mạch và Australia. Ba cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu thông báo áp dụng lệnh cấm các nhân viên tải ứng dụng TikTok vào các thiết bị phục vụ công việc kể từ giữa tháng 3 này.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, Cộng hòa Czech và Ireland đang điều tra về khả năng bảo mật dữ liệu của TikTok.
Nguyên nhân được giới chức quản lý nhiều nước đưa ra là mối lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin của người sử dụng, cũng như nguy cơ truyền bá những nội dung xấu độc, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia.
Về phần mình, TikTok liên tục phủ nhận những cáo buộc và cho rằng lệnh cấm trên dựa trên quan niệm sai lầm. Nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu công ty ByteDance (Trung Quốc) vừa công bố gói biện pháp mới "Project Clover" nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng ở châu Âu, động thái được đánh giá như là biện pháp xây dựng lòng tin của TikTok.
Ứng dụng chia sẻ video ngắn này nêu rõ: "Mọi quyền truy cập dữ liệu sẽ không chỉ tuân thủ các luật bảo vệ dữ liệu có liên quan, mà trước tiên còn phải đi qua các cổng bảo mật này và các bước kiểm tra bổ sung".
Theo TikTok, toàn bộ quá trình này sẽ do bên thứ ba, một công ty bảo mật của châu Âu, giám sát. Ngoài ra, ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc cũng sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo quyền riêng tư của thông tin người dùng, như đặt mật danh cho mỗi dữ liệu cá nhân để các đối tượng tiếp cận trái phép khó có thể xác định mục tiêu, nếu không có thông tin bổ sung.
TikTok hiện có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 150 triệu người dùng trên khắp châu Âu và khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?