Bí mật bất ngờ đằng sau sự vụt sáng từ công ty sắp phá sản trở thành hãng xe hơi lớn nhất thế giới sau chưa đầy 2 năm của Tesla

    Vân Đàm, Theo Tổ Quốc 

    Hoá ra, Tesla bỗng "hoá rồng" không phải nhờ bán xe điện.

    Như tin đã đưa, tuần này Tesla đã nhận thông tin cực kỳ đáng mừng là họ đã chính thức được gia nhập chỉ số S&P 500 trước khi chính thức giao dịch vào ngày 21/12. Dựa theo giá đóng cửa phiên 16/11, Tesla sẽ là 1 trong 10 công ty giá trị nhất trong S&P 500.

    Sau công bố nói trên, giá cổ phiếu Tesla có lúc tăng 15% trong phiên giao dịch ngoài giờ tại thị trường New York, đạt 467,5 USD/cổ phiếu. Giá trị thị trường hiện tại của hãng đạt khoảng 390 tỷ USD, lớn hơn bất kỳ một hãng sản xuất ô tô nào khác trên thế giới.

    Ngoài ra, giá cổ phiếu Tesla tăng cũng thúc đẩy tài sản CEO Elon Musk tăng mạnh, giúp ông bỏ túi thêm 10,2 tỷ USD, nâng tổng tài sản của mình lên 120 tỷ USD.

    Theo bảng xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index, thời điểm hiện tại, CEO của Tesla chỉ còn kém Bill Gates 8 tỷ USD.

    Đây là ngày thứ hai liên tiếp tài sản của Musk tăng mạnh. Trước đó, ngày 17/11, doanh nhân 49 tuổi đã có thêm 15 tỷ USD sau thông tin Tesla được bổ sung vào chỉ số S&P 500 từ ngày 21/12. Qua đó, Musk đã vượt qua ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg để trở thành người giàu thứ 3 thế giới sau khi tài sản tăng vọt chỉ sau vài giờ trong phiên giao dịch hôm đó.

    Vùng lên từ bờ vực phá sản 

    Bí mật bất ngờ đằng sau sự vụt sáng từ công ty sắp phá sản trở thành hãng xe hơi lớn nhất thế giới sau chưa đầy 2 năm của Tesla - Ảnh 1.

     Hồi đầu tháng này, khi mà cổ phiếu Tesla liên tục thiết lập hết đỉnh này đến đỉnh khác, CEO Elon Musk đã tiết lô 1 bí mật bất ngờ. Hóa ra, trong quá khứ công ty của ông đã có lúc trên bờ vực phá sản.

    Nguyên văn lời chia sẻ của Musk là: Chỉ chưa đầy 1 tháng nữa là công ty sẽ nộp hồ sơ xin phá sản khi gặp khó khăn trong việc đưa dòng xe bán chạy nhất của mình là Model 3 ra thị trường.

    Khi được một tài khoản hỏi trên Twitter rằng thời điểm gần nhất là Tesla sắp phá sản là bao lâu, Elon Musk trả lời rằng: "Gần nhất là khoảng 1 tháng. Việc sản xuất Model 3 đã gây ra nhiều áp lực và khó khăn trong một thời gian dài, từ giữa năm 2017 đến 2019. Cả hoạt động sản xuất và giao hàng đều ngưng trệ".

    Tesla đã rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng khi thua lỗ càng chồng chất và gặp khó trong việc đạt mục tiêu sản xuất Model 3. Tuy nhiên, Musk đã không tiết lộ ngay lúc đó rằng công ty đang trên bờ vực phá sản mặc dù ông có đùa về việc nộp hồ sơ phá sản trong ngày Cá tháng 4 năm 2018, dĩ nhiên không ai tin điều đó là thật.

    Hiện tại, những khó khăn đó đều đã rơi vào dĩ vãng.

    Tesla ghi nhận lợi nhuận quý III đạt 874 triệu USD, tăng 156% so với cùng kỳ năm ngoái và gần gấp đôi quý II. Giới phân tích trước đó chỉ dự báo con số này là 593 triệu USD.

    Doanh thu Tesla đạt 8,8 tỷ USD, tăng 39% so với năm ngoái. Dòng tiền cũng tăng hơn gấp 3 lên 1,4 tỷ USD. Từ một công ty từng cạn kiệt tiền mặt, Tesla giờ nắm trong tay 14,5 tỷ USD, tăng 69% chỉ trong 3 tháng.

    Đạt lợi nhuận khủng nhưng không phải nhờ bán xe hơi

    Trước khi bước vào thời kỷ đỉnh cao như hiện tại, Tesla đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Mới năm ngoái, Tesla lỗ 862 triệu USD và chỉ tạo ra 799 triệu USD "dòng tiền tự do" (lượng tiền mặt doanh nghiệp tạo ra thông qua các hoạt động kinh doanh, trừ các chi phí tiêu cho tài sản). Định giá Tesla hiện tại cao gấp hơn 4 lần con số này. Thậm chí, một vài nhà đầu tư và chuyên gia tài chính cho rằng định giá Tesla có thể chạm mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2025 hoặc 2030.

    Vậy có được kết quả kinh doanh tốt là nhờ Tesla sản xuất được nhiều xe hơn, bán ra thị trường nhiều hơn? Câu trả lời là "không".

    Trên thực tế, Tesla không kiếm được nhiều tiền từ doanh số bán xe ôtô điện. Năm 2019, tờ Fortune tiết lộ rằng Tesla có một nguồn thu tiền mặt ổn định đó là bán tín chỉ khí thải nhà kính (giấy phép xả CO2 và cc loại khí thải nhà kính khác của doanh nghiệp). Trước năm 2012, doanh số bán tín chỉ khí thải nhà kính của Tesla chỉ đạt khoảng 3,4 triệu USD/năm.

    Tuy nhiên, từ năm 2015, doanh số tín chỉ khí thải của Tesla liên tục tăng mạnh. Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2020, công ty này bán được tới 1,048 tỷ USD tín chỉ khí thải.

    Bí mật bất ngờ đằng sau sự vụt sáng từ công ty sắp phá sản trở thành hãng xe hơi lớn nhất thế giới sau chưa đầy 2 năm của Tesla - Ảnh 2.

    Doanh số bán tín chỉ khí thải của Tesla qua các năm.

    Tesla nắm trong tay lượng tín chỉ khí thải tối đa bởi ôtô của hãng không tiêu thụ xăng và không xả khí thải ra môi trường. Số lượng xe hơi được Tesla sản xuất càng tăng thì công ty này càng sở hữu nhiều tín chỉ. Việc bán tín chỉ khí thải trở thành một nguồn thu ổn định của Tesla.

    Tại California và một số bang khác ở Mỹ, các nhà sản xuất ôtô như Ford hay General Motors phải tuân thủ những tiêu chuẩn khí thải nhất định với tất cả loại xe. Các công ty vi phạm sẽ bị phạt nặng, thậm chí có thể bị chính quyền bang thu hồi giấy phép kinh doanh. Vì vậy, họ phải mua tín chỉ khí thải.

    Tương lai liệu có chắc chắn?

    Khi còn nắm quyền, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thắt chặt các quy định kiểm soát khí thải nhà kính. "Chính quyền ông Obama gây sức ép lớn lên các nhà sản xuất xe hơi, buộc họ phải mua tín chỉ khí thải", Fortune dẫn lời nhà kinh tế Ben Leard thuộc Đại học Tennessee cho biết.

    Đến thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nới lỏng các quy định này. Do đó, trong tương lai gần, các hãng sản xuất xe hơi Mỹ sẽ không cần mua quá nhiều tín chỉ. Chuyên gia Leard dự báo giá tín chỉ và doanh số sẽ sụt giảm mạnh từ năm 2021.

    Bí mật bất ngờ đằng sau sự vụt sáng từ công ty sắp phá sản trở thành hãng xe hơi lớn nhất thế giới sau chưa đầy 2 năm của Tesla - Ảnh 3.

     Tuy nhiên, việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ hứa hẹn nhiều thuận lợi cho hãng xe điện Tesla. Mục tiêu mà ông Biden từng tuyên bố về năng lượng sạch có thể đồng nghĩa với gói biện pháp kích cầu mới của chính phủ dành cho các hãng sản xuất xe điện ở Mỹ, như Tesla, hay General Motors, Rivian và Lucid.

    Cụ thể, ông Biden đặt mục tiêu vượt qua Trung Quốc trong năng suất sản xuất xe điện, bao gồm cả về vật liệu và phụ tùng; tăng cường nghiên cứu và phát triển về pin trong nước; đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc xe điện, bổ sung thêm ít nhất 500.000 trạm sạc ở Mỹ.

    Trong trường hợp đó, các nhà sản xuất xe hơi sẽ phải tăng mua tín chỉ từ Tesla.

    Dẫu vậy, các chuyên gia nhận định bán tín chỉ sẽ chỉ là nguồn thu ngắn hạn của Tesla. Bởi nếu chịu áp lực lớn từ đảng Dân chủ, các tập đoàn ôtô Mỹ sẽ tăng tốc quá trình chuyển đổi từ xe chạy nhiên liệu hóa thạch sang xe điện. Ford cho biết sẽ tung ra hàng loạt mẫu xe điện từ năm 2023.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ