Amazon có những kho chứa rộng ngút ngàn - “vũ khí bí mật” cho việc giao hàng chớp nhoáng, đồng thời cũng là 1 mê cung không lối thoát nếu người bình thường lỡ chân lạc vào!
Mua hàng trên mạng ngày nay có quá nhiều tiện ích không sao kể hết. Tuy nhiên, 1 yếu tố bất tiện lớn là thay vì đến trực tiếp mua và lấy đồ ngay tại cửa hàng truyền thống, chúng ta phải chờ vài ngày để món hàng trên mạng được chuyển về.
Nhưng mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi vào 3 năm trước. Cuối tháng 5/2015, "ông lớn" ngành bán lẻ trực tuyến Amazon đã cho ra mắt dịch vụ Amazon Prime - cho phép khách hàng đặt mua và nhận hàng ngay trong ngày.
Amazon Prime mở ra bước ngoặt mới
Câu hỏi là họ đã làm điều đó như thế nào? Làm sao có thể xử lý lượng đơn hàng quá "khủng" rồi chuyển đến tay người mua khắp các thành phố lớn ở Mỹ (và một số quốc gia khác)?
Điều đó vẫn nằm trong vòng bí ẩn vì Amazon rất kín kẽ về bí quyết của mình, nhưng chúng ta có thể suy đoán thông qua nhiều cơ sở sau.
1. Amazon Prime hoạt động ra sao?
Đầu tiên, bạn nên đăng ký gói thành viên Amazon Prime với giá 99 USD/năm (khoảng 2 triệu VND). Sau đó, nếu bạn đặt mua hàng trước 12 giờ trưa, bạn sẽ nhận hàng vào 9 giờ tối. Còn nếu đặt hàng vào trưa hay chiều thì sẽ nhận hàng vào sáng hôm sau.
Lưu ý là chỉ sản phẩm có biểu tượng Prime bên cạnh mới được áp dụng dịch vụ này, và đơn hàng phải có giá trị từ 35 USD (khoảng 700 nghìn VND) trở lên. Ngoài ra, Amazon Prime chỉ áp dụng với các khu đô thị, vào tất cả các ngày trong tuần trừ những ngày lễ lớn.
Amazon Prime hiện chỉ áp dụng cho 1 triệu sản phẩm, và chỉ có ở đô thị
Nghe có vẻ hơi rắc rối một chút nhưng khi đã quen, bạn sẽ thấy các quy định trên rất đơn giản và thuận lợi. Nhưng đồng thời nó cũng cho thấy Amazon đã tính toán rất chặt chẽ để vận hành chính sách giao hàng trong ngày, nghĩa là không có điều gì miễn phí hay "quá tốt" cả đâu!
Và bạn có biết số lượng sản phẩm được gắn nhãn Prime giao trong ngày chỉ đạt mức 1 triệu thôi?
Dĩ nhiên đó là một con số khiến ta giật mình nhưng chẳng là gì so với hơn 20 triệu sản phẩm mà Amazon có thể giao trong vòng 2 ngày hay tổng số khoảng 253 triệu sản phẩm có mặt trên website bán hàng khổng lồ này.
2. Các kho chứa "ngút ngàn" của Amazon
Amazon có những kho chứa hàng khổng lồ được gọi là "fulfillment centers" (trung tâm xử lý hàng và đóng gói).
Câu khẩu hiệu "Work hard. Have fun. Make history" nổi tiếng tại kho chứa của Amazon
Ví dụ như trung tâm Phoenix tại bang Arizona có đến 1.500 nhân viên và rộng "kinh hoàng" tới 112.000m vuông (tức bằng khoảng 7/10 sân vân động Mỹ Đình)!
Tính đến năm 2015, Amazon đã có khoảng 109 kho chứa khắp các khu đô thị trên thế giới.
Các kho chứa này là "vũ khí bí mật" của Amazon, đồng thời là 1 mê cung không lối thoát khi người bình thường lỡ chân lạc vào: chai nước thể thao được đặt cạnh sách thiếu nhi, bánh kẹo đặt cạnh giá để đồ điện tử...
Phóng viên tờ Times cho biết: "Rõ ràng các kệ hàng viết bằng tiếng Anh nhưng người ngoài nhìn vào chỉ thấy những chữ cái latinh mà thôi, trông đến hoa cả mắt". Vậy làm sao Amazon xử lý được việc này?
3. Picker - người lấy hàng
Amazon có 1 đội ngũ "picker" - đúng như tên gọi, đây là những người chuyên lấy hàng, gói hàng và giao cho cánh tài xế.
Cô Stephenie Landry - giám đốc toàn cầu của Amazon Prime nói: "Dưới mắt thường thì kho chứa của Amazon có vẻ ngổn ngang. Nhưng đối với "picker", họ biết hàng ở đâu, họ di chuyển nhanh và quyết đoán chỉ sau 1 nhịp chuông".
Có thể xem "picker" giống như tài xế taxi kỳ cựu thuộc nằm lòng bản đồ thành phố vậy. Và cũng giống như tài xế taxi, họ được hỗ trợ bởi công nghệ. Cô Landry hé lộ tiếp: "Chúng tôi có thuật toán công nghệ cao giúp các picker tăng tốc độ xử lý đơn hàng hơn nữa".
Sự phối hợp của con người và công nghệ đã giúp Amazon gói hàng nhanh nhất có thể, vì kiểu gì, họ cũng phải chừa ra ít nhất 60 phút cho tài xế đi giao hàng. Khoảng thời gian đó là không hề nhiều căn cứ vào tình trạng giao thông khó đoán, hay ùn ứ của các thành phố như New York.
4. Đội xe chở hàng "các môn phối hợp"
Đội chở hàng bao gồm cả nhân viên của Amazon lẫn các dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp mà Amazon hợp tác (rất nhiều start-up hào hứng trong việc này)!
Nhiệm vụ của đội chở hàng là đem sản phẩm đến tay người dùng nhanh nhất có thể. Vì vậy họ kết hợp... đi bộ, xe đạp, phương tiện công cộng, ô tô và xe tải - tùy vào từng trường hợp.
Từ đi bộ, xe đạp, ô tô, xe tải đều được Amazon áp dụng
Tham vọng của Amazon còn là sử dụng máy bay không người lái (drone) giúp giao hàng chỉ trong 30 phút trong tương lai. Tuy nhiên điều này đang vấp phải nhiều vấn đề về vận hành và điều luật.
Dù sao, điều trước mắt là Amazon phải củng cố hơn dịch vụ Prime - giao hàng trong ngày. Amazon rất kín tiếng về các con số tài chính, nhưng giới quan sát cho rằng giai đoạn đầu áp dụng dịch vụ này gây lỗ. Nhưng khi nó trở nên phổ biến hơn thì việc sinh lời là chắc chắn, vì khá ít đối thủ có thể bì kịp cả cơ sở hạ tầng lẫn cách thức độc đáo của Amazon.
Tạm kết
Vậy là bằng chính sách quy định rõ ràng, kho bãi rộng mênh mông, nhóm "picker" chuyên nghiệp và đội giao hàng linh hoạt, Amazon đã rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển của mình. Tuy vậy, họ cũng đã gặp không ít thất bại cũng như nhiều đối thủ đáng gườm như Google Express, Walmart, các công ty địa phương,...
Giao hàng bằng drone sẽ phổ biến trong tương lai?
Liệu dịch vụ giao hàng sẽ phát triển mạnh mẽ như thế nào nữa trong tương lai? Chúng ta chỉ có thể chờ thời gian trả lời mà thôi!
Nguồn: Amazon, Howstuffworks, Time
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming