Bí mật sau đế chế TSMC: Mang tiếng sản xuất 'chip 1.000 chân' nhưng kinh doanh bết bát, đến iPhone cũng chẳng cứu nổi

    Băng Băng, Nhịp sống thị trường  

    Bất chấp việc iPhone 15 của Apple ra mắt, kết quả kinh doanh của TSMC, hãng cung ứng chip chính cho nhà táo khuyết, vẫn gây thất vọng cho nhà đầu tư khi gặp khó với thị trường Trung Quốc.

    “Thế giới đã sản xuất được chip có đến 1.000 chân, chúng ta mới sản xuất được 8 chân", Ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor cho biết trong lễ công bố sản xuất thành công chip vi mạch.

    Tờ Nikkei Asia Review cho hay hãng TSMC chuyên cung ứng chip điện tử cho Apple đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng trong quý III bất chấp việc nhà táo khuyết đã ra mắt iPhone 15, thường là thời điểm kích thích doanh số của các công ty liên quan đến chuỗi cung ứng.

    Cụ thể, lợi nhuận ròng của hãng sản xuất hợp đồng chip điện tử lớn nhất thế giới chỉ đạt 211 tỷ NDT, tương đương 6,6 tỷ USD trong quý III/2023, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm trước.

    Doanh thu của hãng cũng giảm 10,8% cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 546,73 tỷ NDT. Tỷ suất lợi nhuận ròng của TSMC hiện chỉ còn 54,3%, thấp hơn so với 60,4% cùng kỳ năm 2022.

    Nguyên nhân chính là do Trung Quốc-thị trường smartphone lớn nhất thế giới- đang hạ nhiệt và khiến nhiều hãng điện thoại thừa hàng tồn kho, qua đó giảm nhu cầu mua sắm chip điện tử.

    “Tình hình kinh tế không lạc quan khiến các doanh nghiệp khá cẩn trọng điều tiết lượng hàng tồn kho của mình”, CEO C.C.Wei của TSMC thừa nhận.

    Bên cạnh đó, các khách hàng chính của TSMC là các tập đoàn công nghệ buộc phải tuân theo lệnh cấm vận công nghệ từ Mỹ với Trung Quốc gây xói mòn doanh thu.

    Ví dụ tiêu biểu nhất là việc Nvidia phải ngừng cung ứng dòng chip hiện đại H100 và A100 của mình cho phía Trung Quốc, vốn là những thiết bị quan trọng cho việc phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) như ChatGPT.

    Ngoài ra, việc chính quyền Washington có thể mở rộng lệnh cấm để kìm hãm đà phát triển công nghệ của Trung Quốc sẽ càng gây ảnh hưởng đến TSMC nhiều hơn do các doanh nghiệp nội địa nước này sẽ tự phát triển bộ chip vi xử lý của mình thay vì nhập khẩu như trước đây.

    Hiện TSMC đang sản xuất chip 3nm và dự kiến bắt đầu đưa chip 2nm vào sản xuất hàng loạt từ năm 2025.

    iPhone và ChatGPT cũng chẳng cứu nổi

    Kết quả kinh doanh đáng thất vọng của TSMC là một điều bất ngờ với các nhà đầu tư khi Apple mới ra mắt iPhone 15. Thông thường đây sẽ là thời điểm bùng nổ doanh thu cũng như nhu cầu với chip điện tử, qua đó giúp TSMC gia tăng lợi nhuận.

    Trớ trêu thay, tình hình kinh doanh iPhone tại Trung Quốc cũng gặp khó khi Huawei tung ra dòng sản phẩm điện thoại 5G ngay trước lễ ra mắt của Apple.

    Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh được cho là có các động thái cấm quan chức dùng điện thoại nước ngoài và siết chặt quản lý chợ ứng dụng App Store của Apple.

    Báo cáo của Jefferies chỉ rõ rằng doanh số bán smartphone tại Trung Quốc đã tăng trưởng tích cực trong nhiều năm với tỷ lệ 2 chữ số, chủ yếu nhờ mảng điện thoại Android của các thương hiệu như Huawei, Xiaomi hay Honor.

    Thế nhưng doanh số bán iPhone của Apple lại giảm với tỷ lệ 2 chữ số. Kể từ khi iPhone 15 được ra mắt đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh số iPhone của hãng đã liên tục ở mức âm.

    Hậu quả của tình trạng này là Huawei đã soán ngôi Apple để trở thành hãng dẫn đầu thị phần điện thoại tại Trung Quốc.

    “Chúng tôi tin rằng nhu cầu yếu tại thị trường Trung Quốc sẽ khiến doanh số bán iPhone 15 trong năm 2023 thấp hơn so với kỳ vọng, qua đó ‘thua trận’ trước Huawei vào năm tới”, báo cáo của Jeffferies ghi rõ.

    Tình hình căng thẳng đến mức mới đây, CEO Tim Cook của Apple đã phải tức tốc sang thăm Trung Quốc dưới danh nghĩa tham dự một “cuộc thi trò chơi điện tử” ở Chengdu, đồng thời có chuyến thăm nhà máy cung ứng Luxshare Precision Industry.

    Trong khi đó, số liệu của Canalys cho thấy doanh số bán điện thoại toàn cầu quý III/2023 đã giảm 1%, cho thấy dấu hiệu nhu cầu đi xuống của người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức.

    Trước đó trong quý II/2023, doanh số bán điện thoại trên toàn cầu đã giảm tới 11% so với cùng kỳ năm trước.

    Quay trở lại với TSMC, nhà sáng lập Morris Chang đã từng cảnh báo thị trường sẽ cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn khi các đối thủ như Intel sẽ dùng xung đột địa chính trị để làm lợi thế.

    Mặc dù sự bùng nổ của AI và ChatGPT đã kích thích giá cổ phiếu của TSMC nhưng chúng không giúp ích gì nhiều cho tình hình kinh doanh của hãng bởi Nvidia mới là ông lớn trong mảng này.

    Ngoài ra, việc Mỹ áp đặt lệnh cấm vận công nghệ đã buộc TSMC phải tích cực dịch chuyển chuỗi cung ứng lẫn thị trường sang Nhật Bản, Đức và Mỹ nhằm đa dạng hóa nguồn cung và khách hàng.

    Không riêng gì TSMC, ngay cả hãng ASML chuyên cung ứng thiết bị làm chip cho công ty này cũng công bố báo cáo ảm đạm cho triển vọng năm 2024, đồng thời nhận định phải sang tận năm 2025 mới có thể hồi phục.

    Phần lớn các chuyên gia phân tích hiện đều nhận định ngành chip bán dẫn sẽ đi xuống đáy trước khi bùng nổ trở lại vì chịu ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị.

    Chuyên gia phân tích Mark Li của Bernstein Research nhận định TSMC có khả năng chỉ tìm lại đà tăng trưởng vào năm sau hoặc sang tận năm 2025.

    *Nguồn: Nikkei

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ