Bí mật về "lồng ấp" khởi nghiệp ngành viễn thông thành công nhất thế giới của Israel

    Thảo Nguyên, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 

    Sáng tạo thành công nhất của RAD lại không phải là chiếc modem mà là một chuỗi các công ty khởi nghiệp thành công mà nó tạo dựng.

    Những từ ngữ như "sáng tạo" hay "cải tiến" khiến bạn nghĩ đến cái gì? Thường thì sẽ là một sản phẩm mới lạ. Nhưng bậc thầy quản lý Gary Hamel lại lý luận một cách đầy thuyết phục rằng những cải tiến vĩ đại nhất chính là những thứ tạo ra những phương thức kinh doanh mới, như mô hình bán máy tính "trực tiếp tới khách hàng" của Hãng máy tính Dell chẳng hạn.

    Học viên tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện của Technion Yehuda Zisapel đã cùng anh trai Zohar sáng tạo ra một mô hình mới kiểu như vậy khi họ sáng lập RAD Group, một nhóm các công ty công nghệ cao hàng đầu với doanh thu hàng năm khoảng 1 tỷ đô-la và một đội ngũ khoảng bốn ngàn nhân công. Tạp chí Business 2.0 gọi RAD là "lồng ấp" các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực viễn thông "thành công nhất thế giới".

    Zisapel bắt đầu sự nghiệp doanh nhân của mình vào khoảng giữa những năm 1970 với một công ty nhỏ có tên Bynet mà sau này trở thành nhà tích hợp hệ thống hàng đầu Israel. Sau đó, ông còn tạo dựng thêm từ đó tám công ty nữa. Thời điểm ấy ngành công nghiệp công nghệ cao Israel còn chưa hình thành và cũng chưa có cái gọi là vốn đầu tư mạo hiểm ở Israel. Các thiết bị điện tử thường được mua về từ nước ngoài.

    Bất chấp thực tế đó, năm 1981, anh em Zisapel vẫn quyết định thành lập một công ty hoạt động theo hướng xuất khẩu mang tên Công ty Truyền thông dữ liệu RAD, để sản xuất các loại thiết bị kiểu như modem mà Bynet từng mua và phân phối. Yehuda Zisapel có mục tiêu rất rõ ràng của ông lúc đó không phải là thành lập một công ty mà là khởi đầu một ngành công nghiệp.

    Chiếc modem của RAD là một cải tiến mang tính cách mạng. Trong khi các modem khác của thời kỳ đó thường to bằng cỡ chiếc hộp đựng bánh pizza thì modem của RAD có thể nằm gọn trong lòng bàn tay. Nó không cần nguồn điện riêng, có thể hoạt động nhờ điện truyền qua đường dây điện thoại. RAD thu lợi nhuận lớn chỉ trong vòng hai năm. Đến năm 1987, nó đạt doanh thu bán hàng 10 triệu đô-la mỗi năm và đến năm 1996 là 100 triệu đô-la.

    Nhưng sáng tạo thành công nhất của RAD lại không phải là chiếc modem mà là một chuỗi các công ty khởi nghiệp thành công mà nó tạo dựng. Tổng cộng RAD đã thành lập 128 công ty và quỹ đầu tư, một con số rất đáng kinh ngạc. Một tấm bảng chỉ dẫn treo trên tường tại văn phòng của Zisapel cho thấy RAD và con cháu của nó giống như những chùm mây dày đặc với RAD ở vị trí trung tâm cùng hàng trăm đường nối ra rất nhiều công ty khác, sự đa dạng về màu sắc thể hiện các công ty thuộc các thế hệ khác nhau.

    Anh em nhà Zisapel đã xây dựng một mô hình khởi tạo doanh nghiệp đặc biệt. Họ chọn một ngách thị trường còn bỏ ngỏ, xác định nhu cầu chưa được thị trường đáp ứng, rồi sau đó thuê một Giám đốc điều hành để lập kế hoạch kinh doanh và bắt đầu các hoạt động Nghiên cứu và Phát triển. Mỗi công ty mà họ tạo ra đều có sự linh hoạt của một thực thể độc lập nhưng vẫn có được lợi thế thị trường và tận dụng được nguồn nhân lực từ các công ty khác trong hệ thống.

    Một ví dụ điển hình là Radvision, công ty bán thiết bị Đàm thoại bằng giọng nói qua Internet (VOIP). Zisapel nhận thấy thị trường các sản phẩm phục vụ hội thảo trực tuyến có hình ảnh đang phát triển nhanh chóng. Ông đã giao cho một trong các chuyên gia video của mình là Eli Doron, nhiệm vụ tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng của thị trường này. Ông đã kêu gọi được 8 triệu đô-la từ các nhà đầu tư bên ngoài và đưa Radvision ra thị trường vào năm 1993. Nó đã được người khổng lồ phần mềm Avaya mua lại vào tháng Ba 2012.

    "Chúng tôi tự lực về tài chính," Zisapel nói một cách đầy tự hào, "không có quỹ đầu tư mạo hiểm nào đứng đằng sau mà cũng không có ngân hàng nào cả. Các công ty của chúng tôi kết nối và hỗ trợ nhau. Nhưng mỗi công ty lại có bản sắc riêng. Chúng tôi thấy một nhu cầu. Chúng tôi tìm ra một CEO. Và chúng tôi khởi tạo một công ty."

    Zisapel mang ơn Technion vì quá trình đào tạo ở đó đã giúp ông có được tham vọng, sự linh hoạt và tư duy độc lập cần thiết để tạo ra 88 công ty và một mô hình kinh doanh mới.

    "Ở Technion lúc nào có những khó khăn thử thách," Zisapel nói. "Bạn có thể nghiên cứu, làm bài tập và viết báo cáo rất hay về mỗi bài giảng, nhưng sau đó, trong kỳ thi bạn sẽ được cho một hoặc hai câu hỏi mà bạn chưa được học. Đó là cách họ dạy bạn cách giải quyết những vấn đề không lường trước. Họ dạy bạn cách đối mặt với thử thách trong những hoàn cảnh không mong đợi. Họ dạy bạn khả năng tự học hỏi. Và luôn luôn có động lực để bạn đạt tới sự xuất sắc."

    Cần phải nói thêm Technion được xem là ngôi trường nền móng cho ngành kỹ thuật, công nghệ của Israel, được nhen nhóm vào năm 1901 với mục tiêu nhằm trang bị cho thanh niên Do Thái kiến thức chuyên sâu cũng như kỹ năng để làm các công việc chuyên ngành kỹ thuật và nông nghiệp.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ