Bí mật về thành công của Google: 8 trụ cột tạo nên sự bứt phá thay vì sự hoàn hảo tức thì
Chúng ta chỉ cần tiếp tục nói "có" và bài trừ văn hóa "không", chấp nhận những thất bại tất yếu và tiếp tục lặp lại cho đến khi chúng ta làm được điều đúng đắn - " Lỳ đòn" là một trong số những nguyên tắc dẫn tới thành công của Google.
Từ Google đến Alphabet
Google là một công ty vô cùng ấn tượng khi đề cập tới câu chuyện danh mục đổi mới sáng tạo. Qua nhiều năm, Google đã mở rộng quy mô sản phẩm của mình vượt ra khỏi một công cụ tìm kiếm và quảng cáo, vốn là sản phẩm đẻ trứng vàng cho họ. Dựa trên một luận đề đổi mới sáng tạo với sự thấu hiểu sâu sắc về thị trường, Google đã triển khai hoặc mua thêm một loạt sản phẩm và dịch vụ bao gồm Gmail, Google Maps, Google News, iGoogle, Youtube và Android. Công ty còn đặt cược vào những sản phẩm hữu hình khi quyết định mua lại Motorola, sản xuất xe tự lái và tung ra sản phẩm Google Glass. Tất nhiên, không phải sản phẩm nào của Google cũng thành công (Google Wave là một ví dụ) nhưng họ đã có những thành công nhất định.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Google được xây dựng rất rõ ràng khi Google chuyển đổi thành công ty cổ phần mẹ Alphabet vào ngày 10/8/2015. Alphabet trở thành công ty mẹ của Google và nhiều chi nhánh công ty khác như Nest Labs (các sản phẩm gia đình thông mình), Google Fiber (Internet tốc độ cao) và Google Ventures (quỹ đầu tư giai đoạn phát triển). Nhìn vào cấu trúc mới của công ty có thể thấy rõ Alphabet đang tập trung vào nhiều lĩnh vực của tương lai mặc dù Google mới là mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận cho cả tập đoàn.
Tám trụ cột của sự đổi mới
Làm thế nào để một công ty như Google liên tục phát triển theo cấp số nhân trong khi vẫn luôn duy trì sự đổi mới? Susan Wojcicki, Phó Chủ tịch Cấp cao mảng Quảng cáo của Google (hiện nay là CEO của YouTube) chia sẻ về một số quy trình và nguyên tắc sẵn có để đảm bảo rằng công ty không bị sa lầy vào những thành công trong quá khứ trong khi vẫn tiếp tục tiến lên.
Những đổi mới vĩ đại nhất lại là thứ chúng ta coi là điều hiển nhiên như bóng đèn điện, điện lạnh và penicillin. Nhưng trong một thế giới mà những điều phi thường nhanh chóng trở nên phổ biến, làm thế nào để một công ty mà đặc biệt là một công ty lớn như Google có thể duy trì tinh thần đổi mới từ năm này qua năm khác?
Nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cốt lõi. Google đã phát triển đến quy mô trên 26.000 nhân viên với hơn 60 văn phòng, chúng tôi đã làm việc cật lực để duy trì thứ tinh thần độc đáo, cũng là biểu trưng cho sự trở lại của Google khi tôi gia nhập với tư cách là thành viên thứ 16.
Vào thời điểm đó, tôi là Giám đốc Marketing của Google và được may mắn làm việc trên một loạt sản phẩm trong suốt thập kỷ vừa qua. Một số sản phẩm trong đó đã thắng lớn, nhưng số khác thì không. Dù có nhiều thứ đã thay đổi trong những năm vừa qua, tôi tin rằng lời cam kết đổi mới và sự liều lĩnh của chúng tôi vẫn luôn là điều kiên định.
Điều khác biệt là, ngay khi chúng tôi mơ ước về những điều kế tiếp, chúng tôi vẫn phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan điển hình của một nhà đổi mới: Liệu chúng tôi nên đầu tư vào các sản phẩm hoàn toàn mới hay chỉ cần cải tiến những sản phẩm sẵn có? Chúng tôi quyết định đặt lòng tin vào cả hai việc: vừa học vừa làm. Dưới đây là tám nguyên cốt lõi mà chúng tôi đã chọn lựa để làm kim chỉ nam cho hành trình đổi mới sáng tạo của Google.
1. SỞ HỮU MỘT SỨ MỆNH THIẾT THỰC
Một công việc có ý nghĩa hơn cả một việc làm khi nó đại diện cho điều gì đó mà bạn quan tâm. Sứ mệnh của Google là "sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho thông tin trở nên có ích và có thể truy cập được trên khắp toàn cầu". Chúng tôi sử dụng lời tuyên bố giản dị này để chỉ dẫn cho tất cả quyết định của mình. Khi chúng tôi bắt đầu làm việc ở một lĩnh vực mới, thường là do chúng tôi nhận thấy một vấn đề quan trọng chưa được giải quyết và chúng tôi tự tin rằng công nghệ có thể tạo ra sự khác biệt. Ví dụ, Gmail được tạo ra để đáp ứng nhu cầu tích hợp email trên website, tìm kiếm tuyệt vời và tăng dung lượng lưu trữ.
Sứ mệnh của chúng tôi có tiềm năng chạm đến nhiều cuộc sống, chúng tôi đảm bảo rằng tất cả nhân viên của chúng tôi luôn cảm nhận được sự kết nối với nó và được trao quyền để giúp đạt được nó. Trong thời kỳ khủng hoảng, họ đã giúp đỡ bằng cách tổng hợp những thông tin quan trọng và cung cấp nó đến người tìm kiếm. Các nhân viên Google tận tâm đã khởi chạy công cụ Person Finder của chúng tôi trong vòng hai giờ sau trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản vào tháng 3 này là một ví dụ tuyệt vời gần đây về lời cam kết đó.
2. NGHĨ VỀ NHỮNG ĐIỀU LỚN LAO NHƯNG HÃY KHỞI ĐẦU TỪ NHỮNG VIỆC NHỎ
Dù kế hoạch có tham vọng đến đâu, bạn cũng phải xắn tay áo lên và bắt đầu ở một nơi nào đó. Google Books, nơi đã đã "trình làng" hàng triệu cuốn sách điện tử, là ý tưởng mà Larry Page, người sáng lập của chúng tôi đã thai nghén từ rất lâu. Mọi người cho rằng nó quá điên rồ ngay cả khi chỉ là thử nghiệm, nhưng anh ấy không từ bỏ, mua một máy quét và gắn nó lên trong văn phòng của mình. Anh ấy bắt đầu quét các trang sách, đếm thời gian hoạt động bằng máy đếm nhịp, chạy số liệu và nhận ra rằng ý tưởng sách trực tuyến là hoàn toàn khả thi. Ngày nay, chỉ mục Tìm kiếm Sách của chúng tôi chứa hơn 10 triệu cuốn sách.
Tương tự là AdSense, một công cụ phân phối quảng cáo tùy thuộc ngữ cảnh đến các website đã được bắt đầu khi một kỹ sư đưa quảng cáo vào Gmail. Chúng tôi nhận ra rằng với công nghệ tinh vi hơn, chúng tôi có thể hoàn thành công việc tốt hơn nữa bằng cách tập trung thêm nguồn lực cho dự án nhỏ bé này. Ngày nay, quảng cáo AdSense tiếp cận đến 80 phần trăm người dùng internet toàn cầu - đây là mạng lưới quảng cáo lớn nhất thế giới - và chúng tôi có hàng trăm nghìn nhà xuất bản trên toàn thế giới.
3. NỖ LỰC CHO SỰ ĐỔI MỚI LIÊN TỤC CHỨ KHÔNG PHẢI SỰ HOÀN HẢO TỨC THÌ
Phần tốt nhất của một công việc trên web là gì? Đó là "bắt đầu lại". Rất nhiều thứ. Phiên bản đầu tiên của AdWords được phát hành vào năm 1999 không thành công cho lắm vì hầu như không có ai nhấp vào quảng cáo cả. Không nhiều người nhớ được điều đó bởi vì chúng tôi liên tục lặp đi lặp lại và rốt cuộc đã đạt được mô hình như hiện nay. Chúng tôi vẫn đang cải thiện nó; mỗi năm, chúng tôi chạy hàng chục nghìn thử nghiệm về chất lượng quảng cáo và tìm kiếm, và trong năm vừa qua, chúng tôi đã khởi chạy hơn một tá định dạng mới. Một số sản phẩm khác được chúng tôi cập nhật hàng ngày.
Quá trình lặp đi lặp lại của chúng tôi thường dạy cho chúng tôi những bài học vô cùng quý giá. Việc quan sát người dùng "trong tự nhiên" khi họ sử dụng sản phẩm của chúng tôi là cách tốt nhất để tìm kiếm các sản phẩm hiệu quả, sau đó chúng tôi có thể hành động dựa trên phản hồi nhận được. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu học được những điều này sớm và có khả năng ứng phó tốt hơn so với việc đi quá xa vào con đường sai lầm.
Việc lặp đi lặp lại đã phục vụ chúng tôi tốt. Chúng tôi không phải là người đầu tiên Tìm kiếm, nhưng chúng tôi có thể đạt được sự tiến bộ trên thị trường bằng cách làm việc nhanh chóng, học hỏi thần tốc và thực hiện các bước tiếp theo dựa vào dữ liệu.
4. TÌM KIẾM Ý TƯỞNG Ở BẤT CỨ ĐÂU
Là người đứng đầu các sản phẩm Quảng cáo của Google, tôi muốn lắng nghe ý tưởng từ mọi người, bao gồm các đối tác, những nhà quảng cáo và tất cả thành viên trong đội của tôi. Tôi cũng muốn là một phần trong các cuộc trò chuyện trong hành lang của các nhân viên Google.
Một vài năm trước đây, chúng tôi làm điều này theo đúng nghĩa đen và dán một bảng ý tưởng lên một bức tường của trụ sở chính của Google ở Mountain View. Vào một đêm thứ Sáu, một kỹ sư tiến đến trước tấm bảng và viết ra chi tiết một vấn đề phức tạp mà chúng tôi gặp phải với hệ thống quảng cáo của mình. Một nhóm nhân viên Google thiếu kế hoạch thú vị cho buổi tối đã bắt đầu viết lại thuật toán trong vòng vài giờ và giải quyết được vấn đề vào hôm thứ Ba.
Một số ý tưởng tuyệt vời nhất tại Google được khơi nguồn theo cách tương tự, khi một nhóm nhỏ nhân viên đang nghỉ ngơi trong một buổi chiều ngẫu nhiên và bắt đầu trò chuyện về những thứ làm cho họ thích thú. Dự án Google Art đã giúp hàng nghìn viện bảo tàng hoạt động trực tuyến và các tính năng thành công của AdWords như Quy tắc tự động là những ví dụ tuyệt vời của các dự án bắt đầu từ "bếp siêu nhỏ" của chúng tôi. Điều này lý giải cho việc chúng tôi luôn đảm bảo rằng ở Google lúc nào cũng có sẵn rất nhiều đồ ăn nhẹ.
5. CHIA SẺ MỌI THỨ
Nhân viên của chúng tôi biết khá nhiều về mọi thứ đang diễn ra cũng như lý do khi một quyết định nào đó được đưa ra. Hàng quý, chúng tôi chia sẻ toàn bộ thư từ của Hội đồng Quản trị với tất cả 26.000 nhân viên và chúng tôi cũng trình bày theo cùng một slide đã thuyết trình trước Ban Giám đốc trong một cuộc họp toàn công ty.
Bằng cách chia sẻ mọi thứ, bạn khuyến khích thảo luận, trao đổi và diễn giải lại các ý tưởng, điều này có thể dẫn đến kết quả nhiều đổi mới và bất ngờ. Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc này bằng cách làm việc theo các nhóm nhỏ, tập trung các đội đông người trong cách sắp xếp theo hình lập phương mở thay vì các văn phòng riêng lẻ.
Khi ai đó có một ý tưởng hoặc cần tư vấn về một quyết định, họ có thể chỉ cần nhìn lên và nói "Này…" với người ngồi bên cạnh. Biết đâu người bạn đó cũng sẽ có đóng góp gì đó. Ý tưởng dịch thuật ngôn ngữ trong Google Talk (ứng dụng trò chuyện Gmail của chúng tôi) xuất phát từ các cuộc trò chuyện giữa các đội Google Talk và Google Translate khi họ tình cờ làm việc gần nhau.
6. DỮ LIỆU LÀ KHO XĂNG, TRÍ TƯỢNG TƯỢNG LÀ MỒI LỬA
Trong thị trường đang phát triển nhanh chóng của chúng tôi, thật khó để mọi người biết hoặc thậm chí tưởng tượng ra những điều họ muốn. Đó là lý do mà những người tin rằng điều không thể vẫn có khả năng trở thành hiện thực sẽ được chúng tôi chiêu mộ. Một ví dụ là Sebastian Thrun, anh ấy và các thành viên trong đội đang nghiên cứu công nghệ ô tô không người lái để giảm thiểu số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông mỗi năm. Những chiếc xe này hiện vẫn đang trong phát triển nhưng đã được quãng đường di chuyển 140.000 dặm đến con đường uốn lượn Lombard Street nổi tiếng của San Francisco, phía bên kia cầu Cổng Vàng và lao vào đường cao tốc Pacific Coast mà không gây ra một tai nạn nào cả.
Chúng tôi cố gắng khuyến khích mọi người suy nghĩ theo kiểu "bầu trời xanh" trong 20 phần trăm thời gian, tức là nguyên một ngày trong tuần, các kỹ sư có thể làm việc theo bất cứ cách thức nào mà họ muốn. Nhìn lại lịch trình ra mắt của chúng tôi trong khoảng thời gian sáu tháng gần đây, chúng tôi nhận ra rằng có nhiều sản phẩm đã bắt đầu đi vào hoạt động trong khoảng 20% thời gian của nhân viên.
Những gì bắt đầu từ trực giác sẽ được thúc đẩy bằng những hiểu biết sâu sắc. Nếu bạn may mắn, những điều này củng cố lẫn nhau. Trong một khoảng thời gian, số lượng kết quả tìm kiếm của Google được hiển thị trên một trang là 10 kết quả chỉ vì những người sáng lập của chúng tôi cho rằng đó là con số đẹp nhất. Cuối cùng, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm bằng cách khảo sát người dùng rằng "Bạn muốn 10, 20 hay 30 kết quả tìm kiếm trên một trang?" Họ đồng lòng rằng phải có 30 kết quả trên một trang tìm kiếm. Nhưng 10 kết quả lại giúp trang tìm kiếm tải nhanh hơn trong các thử nghiệm thực tế với người dùng. Việc cung cấp 30 kết quả khiến tốc độ tải trang chậm hơn 20% so với 10 kết quả. Đó mới thực sự là điều mà người dùng muốn. Đó là một kết quả tuyệt vời về dữ liệu hóa – hoặc nó có thể sao lưu thói quen tìm kiếm của bạn, hoặc chứng minh rằng chúng hoàn toàn sai.
7. LÀ MỘT NỀN TẢNG
Có rất nhiều sự đổi mới ngập tràn cảm hứng đang được tiến hành trên toàn cầu. Đó là lý do tại sao chúng tôi rất tin tưởng vào sức mạnh của công nghệ mở. Chúng cho phép bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, đều có thể áp dụng các kỹ năng đặc biệt, tầm nhìn và niềm đam mê của họ để tạo ra các sản phẩm và tính năng mới trên nền tảng của chúng tôi.
Sự cởi mở này là kim chỉ nam giúp mọi người tiến về phía trước. Ví dụ về Google Earth, ứng dụng cho phép các nhà phát triển xây dựng trên bản đồ của chúng tôi các "lớp" và chia sẻ chúng với thế giới. Một người dùng đã tạo một lớp sử dụng hình ảnh động từ dữ liệu cảm biến theo thời gian thực để minh họa những thứ có thể xảy ra nếu mực nước biển tăng từ 1 đến 100 mét. Một ví dụ nổi tiếng khác về công nghệ mở là Android, một nền tảng di động của chúng tôi. Hiện nay, đã có hơn 310 thiết bị trên thị trường được xây dựng dựa trên hệ điều hành Android và gần nửa triệu nhà phát triển Android bên ngoài công ty được hưởng sự hỗ trợ từ các nguồn tài nguyên phong phú của Google. Các nhà phát triển độc lập này là những người chịu trách nhiệm về hầu hết 200.000 ứng dụng trên thị trường Android.
8. ĐỪNG BAO GIỜ GỤC NGÃ TRƯỚC THẤT BẠI
Google được biết đến với YouTube chứ không phải Google Video Player. Điều này có nghĩa rằng người ta nhớ đến những dấu ấn bạn đã tạo ra hơn là những điều bị bạn bỏ lỡ. Một thất bại sẽ trở thành điều tốt đẹp nếu bạn rút ra được bài học từ những sai lầm của bản thân và nhanh chóng sửa lỗi. Tin tôi đi, chúng ta đã và sẽ thất bại rất nhiều lần trong đời. Nhưng chẳng sao cả, vì sau mỗi lần vấp ngã bạn sẽ được tự do để thách thức bản thân dù có bao nhiêu rủi ro đi nữa. Ngành công nghệ cực kỳ sôi nổi, thời khắc bạn ngừng chấp nhận rủi ro cũng chính là lúc bạn bị bỏ lại phía sau.
Hai trong số các dự án đầu tiên của tôi tại Google là AdSense và Google Answers đều là những miền đất hứa chưa được khai phá của công ty. Trong khi Google AdSense giờ đã lớn mạnh thành một doanh nghiệp tỉ đô thì Google Answers (ứng dụng cho phép người dùng đưa ra câu hỏi và trả phí để nhận được trả lời từ chuyên gia) đã ngừng hoạt động sau bốn năm. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều trong khoảng thời gian đó, chúng tôi có thể áp dụng những kiến thức thu thập được vào việc phát triển các sản phẩm trong tương lai. Nếu sợ thất bại, chúng tôi đã không bao giờ thử nghiệm Google Answers hay AdSense và đã bỏ lỡ cơ hội với cả hai.
Sự gia tăng lực lượng lao động của Google trên khắp thế giới đã mang lại những trải nghiệm và nền tảng vô cùng khác biệt. Một tập hợp các nguyên tắc chung bền vững cho một công ty giúp tất cả nhân viên đồng lòng làm việc và cùng nhau tiến lên. Chúng ta chỉ cần tiếp tục nói "có" và bài trừ văn hóa "không", chấp nhận những thất bại tất yếu và tiếp tục lặp lại cho đến khi chúng ta làm được điều đúng đắn.
Như những gì trang chủ của Google đã đề cập, "Tôi cảm thấy may mắn." Đó chắc chắn là cách tôi cảm nhận ở mỗi ngày làm việc, và là thứ tôi không bao giờ muốn là một điều hiển nhiên.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"