Bị phạt 177 triệu USD vì tội độc quyền ở Hàn Quốc, Google 'khóc lóc': 'Chúng tôi tạo ra hơn 10 tỷ USD lợi ích kinh tế mỗi năm'

    Bảo Nam,  

    Google bị phạt vì đã ngăn Samsung và các hãng sản xuất điện thoại di động Hàn Quốc khác sử dụng hệ thống Android tùy chỉnh.

    Hôm qua 14/9, một cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc đã phạt Google 207 tỷ won (tương đương 176,64 triệu USD) vì đã ngăn Samsung và các nhà sản xuất điện thoại di động Hàn Quốc khác sử dụng hệ thống Android tùy chỉnh.

    Cụ thể, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) cho biết các điều khoản hợp đồng của Google với các nhà sản xuất thiết bị đã dẫn đến việc tập đoàn này lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường của mình để hạn chế sự cạnh tranh trên thị trường hệ điều hành di động.

    KFTC cho biết Google đã bắt các nhà sản xuất thiết bị tuân theo "thỏa thuận chống phân mảnh (AFA)" khi ký các hợp đồng quan trọng liên quan đến giấy phép cửa hàng ứng dụng Google Play Store. Thỏa thuận này khiến các nhà sản xuất không thể trang bị cho thiết bị cầm tay của họ phiên bản sửa đổi của hệ điều hành Android, được gọi là "Android fork". Điều đó đã giúp Google củng cố vị thế thống trị thị trường của mình trên thị trường hệ điều hành di động, KFTC cho biết.

    Trong một trường hợp cụ thể, Samsung đã ra mắt đồng hồ thông minh với hệ điều hành tùy chỉnh vào năm 2013 nhưng sau đó phải chuyển sang sử dụng hệ điều hành khác khi Google coi hành động này là vi phạm AFA, KFTC cho biết.

    Samsung hiện từ chối bình luận vấn đề này.

    Bị phạt 177 triệu USD vì tội độc quyền ở Hàn Quốc, Google khóc lóc: Chúng tôi tạo ra hơn 10 tỷ USD lợi ích kinh tế mỗi năm - Ảnh 1.

    Nhưng chỉ một ngày sau khi án phạt được đưa ra, Google cho biết sự hiện diện của công ty tại Hàn Quốc tương đương với việc tạo ra gần 12 nghìn tỷ won (tương đương 10 tỷ USD) lợi ích kinh tế cho người dùng.

    Google đã trích dẫn một báo cáo từ công ty tư vấn AlphaBeta tại một sự kiện trực tuyến hôm nay 15/9, cho biết công ty đã cung cấp cho người dùng Hàn Quốc 5,1 nghìn tỷ won lợi ích kinh tế thông qua cửa hàng ứng dụng Play Store; 4,2 nghìn tỷ won lợi ích kinh tế thông qua các dịch vụ công cụ tìm kiếm và phần mềm văn phòng trực tuyến. Còn các ứng dụng hiệu suất cao như Google Documents đã mang lại lợi ích kinh tế 2,5 nghìn tỷ won. Tổng cộng là khoảng 11,8 nghìn tỷ won (tương đương 10,3 tỷ USD) mỗi năm.

    Google cũng nói thêm rằng công ty cung cấp 10,5 nghìn tỷ won lợi ích kinh tế cho các công ty Hàn Quốc mỗi năm.

    Ngoài ra, vào năm 2020, Giám đốc điều hành nền tảng video của Google, Susan Wojcicki cũng cho biết YouTube đã đóng góp hơn 1,5 nghìn tỷ won vào GDP của Hàn Quốc và tạo ra hơn 86.000 việc làm toàn thời gian.

    Trong một tuyên bố, Google cho biết họ có ý định kháng cáo phán quyết và nói rằng KFTC đã bỏ qua những lợi ích mang lại từ khả năng tương thích của Android với các chương trình khác, đồng thời làm suy yếu những lợi thế mà người tiêu dùng được hưởng.

    Theo phán quyết, Google sẽ bị cấm ép buộc các nhà sản xuất thiết bị ký hợp đồng AFA, cho phép các nhà sản xuất áp dụng các phiên bản hệ điều hành Android đã sửa đổi trên thiết bị của mình.

    Tham khảo Reuters, koreatimes

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ