Rất có thể trong quá khứ, người La Mã cũng giống như chúng ta, đã từng nghĩ rằng họ có khả năng chinh phục và làm chủ thiên nhiên. Nhưng, bài học đắt giá mà họ nhận được, chính là: Họ đã nhầm.
Một trong những câu chuyện khiến nhiều nhà sử học trên thế giới tranh cãi suất nhiều năm, chính là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của đế chế La Mã - một trong những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử loài người. Ở thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, đế chế này thống trị cả một vùng đất rộng lớn, từ phía bắc vương quốc Anh cho đến rìa hoang mạc Sahara, từ Đại Tây Dương cho đến Mesopotamia.
Năm thế kỷ sau đó, đánh dấu thời kỳ suy tàn của đế chế La Mã. Giao thương chậm lại, các thành phố kém phát triển hơn, các tiến bộ khoa học cũng không còn bùng nổ như trước. Theo lời nhà sử học Ian Morris đến từ trường Đại học Stanford, thì sự sụp độ của đế chế La Mã có thể coi là một bước lùi trong lịch sử văn minh loài người.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ này, mỗi nhà sử học lại có một quan điểm khác nhau. Năm 1984, theo thống kê của nhà nghiên cứu Alexander Demandt, đã có hơn 200 giả thuyết về sự sụp đổ của đế chế La Mã được đưa ra. Hầu hết những giả thuyết này tập trung về những vấn đề về mặt chính trị, cũng như sự bắt kịp về mặt công nghệ sản xuất cũng như sức mạnh quân sự của các nước láng giềng.
Tuy nhiên, mới đây đã có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, những thay đổi về môi trường khí hậu cũng đóng góp không nhỏ vào sự sụp đổ của đế chế La Mã. Chính những nghịch lý của sự phát triển xã hội, kết hợp với sự bất thường của thiên nhiên và khí hậu, đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của đế chế La Mã. Biến đổi khí hậu thực tế không phải là sản phẩm của công nghiệp hóa, mà đã diễn ra từ rất, rất lâu, xuyên suốt chiều dài lịch sử. Chỉ là việc công nghiệp hóa quá mức kiểm soát đã thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu lên nhanh hơn trước rất nhiều lần mà thôi.
Theo nhiều nhà sử học, khí hậu đã đóng vai trò quan trọng cho cả sự phát triển và sụp đổ của đế chế La Mã. Cụ thể hơn, đế chế này phát triển vào thời điểm mà khí hậu thuận lợi nhất cho nền kinh tế nông nghiệp: ẩm ướt, ấm áp và ổn định. Chính sự phát triển nông nghiệp đem lại sự phát triển kinh tế, từ đó giúp cho La Mã trở nên ngày càng hùng mạnh hơn. Và điều kiện thuận lợi của tự nhiên đã trở thành nền móng mà La Mã xây dựng đế chế của mình trên đó.
Chính vì vậy, khi khí hậu trở nên bất ổn, khó lường, đế chế La Mã cùng vì vậy mà suy yếu theo. Ở thế kỷ thứ 6, khi khí hậu trở nên bất ổn khó lường, cũng là thời điểm mà đế chế La Mã bị những kẻ thù hùng mạnh khác dòm ngó. Nhất là vào thời điểm những năm 530 - 540, số lượng núi lửa hoạt động tăng mạnh, đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ lạnh giá kéo dài 150 năm. Đây cũng là thời điểm mà đại dịch dịch hạch bùng phát lần đầu tiên trong lịch sử loài người.
Ở thời kỳ này, tuổi thọ trung bình của người La Mã chỉ ở khoảng 20-30 tuổi, và nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những cái chết ở thời kỳ này là dịch bệnh truyền nhiễm. Cùng với đó, sự phát triển về đường xá đã khiến bệnh dịch lây lan càng ngày càng mạnh hơn. Bệnh dịch và sự khắc nghiệt của khí hậu gần như đã đẩy đế chế La Mã đến với thời kỳ diệt vong, khi mà cướp đi sinh mạng của hơn một nửa dân số La Mã.
Bệnh dịch trên diễn ra dưới thời của Justinianus Đại đế, và đến nay vẫn là một trong những bài học đắt giá về mối quan hệ phức tạp giữa con người và tự nhiên. Thủ phạm của đại dịch là vi khuẩn Yersinia pestis, vốn không phải là một dịch bệnh cổ xưa, mà chỉ bắt đầu xuất hiện từ khoảng năm 2000 trước công nguyên. Theo các nghiên cứu về nhiễm sắc thể, chủng bệnh gây ra đại dịch Justinian (đặt theo tên của Justianus Đại đế) bắt nguồn từ phía Tây Trung Quốc, và đi theo con đường tơ lụa đến với người dân La Mã. Tại đây, chúng phát triển và lan rộng nhờ vào vật chủ là những loài gặm nhấm - vốn sinh sôi nảy nở rất nhanh ở những quốc gia mà nông nghiệp phát triển.
Thế giới hiện đại của chúng ta giờ đây đã khác xa rất nhiều so với đế chế La Mã cổ đại. Chúng ta có bệnh viện, có các nhà nghiên cứu dịch bệnh, và có kháng sinh. Chúng ta có khả năng kiểm soát dịch bệnh, cũng như khả năng nghiên cứu để tìm cách chữa trị chúng. Tuy nhiên, tự nhiên vẫn là thứ nằm ngoài khả năng kiếm soát của con người, và điều này buộc chúng ta phải luôn sẵn sàng đề phòng, cũng như cố gắng hạn chế tốc độ của sự biến đổi khí hậu. Rất có thể trong quá khứ, người La Mã cũng giống như chúng ta, đã từng nghĩ rằng họ có khả năng chinh phục và làm chủ thiên nhiên. Nhưng, bài học đắt giá mà họ nhận được, chính là: Họ đã nhầm. Và cái giá phải trả cho bài học đấy, chính là sự sụp đổ của một trong những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử loài người.
Tham khảo qz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập
Meta đang gặp sự cố ngừng hoạt động lớn trên tất cả các nền tảng của mình, bao gồm Facebook, Instagram, Threads, Messenger và WhatsApp.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời