Biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn bộ nền nông nghiệp: 30 năm nữa không biết chúng ta sẽ ăn gì
Hàng chục triệu người ở chính các quốc gia nông nghiệp đang phải đối mặt với nạn đói.
Hãy tưởng tượng một ngày khi bạn thức dậy, Trái Đất đã nóng và đông đúc đến nỗi mọi loại thực phẩm mà bạn ăn bây giờ đều biến mất. Cả thế giới chỉ còn lại toàn bộ thực phẩm biến đổi gen, và bạn sẽ phải ăn những bữa ăn dạng lỏng giống các như phi hành gia trên vũ trụ.
Đó là tình huống mà Amanda Little, một nhà báo đồng thời là giáo sư môi trường học tại Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ, đã hình dung trong cuốn sách mới của cô, "The Fate of Food" tạm dịch là "Số mệnh của thực phẩm".
Nhiệt độ, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sự biến đổi mùa và các yếu tố khác sẽ làm thay đổi hoàn toàn bức tranh thực phẩm của chúng ta, giáo sư Amanda nói, cả những gì chúng ta ăn, nơi mà thực phẩm được tạo ra, cách chúng ta trả tiền và những lựa chọn chúng ta có.
Nếu vào thời điểm đó con người còn sống sót, chúng ta sẽ phải phát minh lại toàn bộ hệ thống thực phẩm toàn cầu, để thích nghi với biến đổi khí hậu.
Như cách mà giáo sư Amanda nói: Biến đổi khí hậu là thứ chúng ta có thể nếm thấy được.
Vậy một viễn cảnh như vậy sẽ ảnh hưởng đến một người bình thường như thế nào? Chúng ta có thể dựa vào công nghệ và sự khéo léo của con người để bảo lãnh cho sự tồn tại của giống loài hay không?
Gần nhất thì chế độ ăn uống của chúng ta có thể trông như thế nào trong 5,10 hoặc 20 năm nữa? Bài phỏng vấn của trang Vox với giáo sư Amanda dưới đây sẽ giúp bạn hình dung ra phần nào câu chuyện:
Rồi mà cũng có thể là chưa.
Tương lai lương thực của chúng ta tồn tại trong đó một nghịch lý lớn. Một mặt, diện tích đất trồng trọt đang suy giảm, mặt khác, dân số lại đang tăng.
Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) báo cáo rằng, nếu cứ theo đà này, hành tinh của chúng ta sẽ đạt đến ngưỡng nóng lên toàn cầu mà chỉ cần vượt qua đó, hệ thống canh tác hiện tại sẽ "không còn có thể hỗ trợ nền văn minh con người với dân số lớn được nữa".
Điều đó thật đáng sợ.
Nhưng cũng phải nhớ lại rằng, những mối lo ngại như "Thức ăn của chúng ta đang cạn kiệt" đã từng xuất hiện liên tục trong lịch sử nền văn minh của chúng ta. Trong suốt hàng ngàn năm, đã từng có nhiều thời điểm con người dự đoán rằng mình sẽ khai thác hết những nguồn tài nguyên ăn được – và cũng trong hàng ngàn năm đó, chúng ta luôn tìm ra cách để thích nghi và tồn tại.
Thách thức đặt ra bây giờ là rất lớn, nhưng nếu giải quyết được, chúng ta cũng sẽ có một giải pháp rất tuyệt vời.
Khung thời gian mà IPCC đưa ra là tới giữa thế kỷ, vậy là sẽ còn khoảng 30 năm nữa kể từ bây giờ. Nhưng ngay tại thời điểm này, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm đã có thể được quan sát thấy rõ ràng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Ngay bây giờ, những người nông dân trồng đậu nành và ngô ở miền Trung Tây nước Mỹ đã không còn trồng được ngũ cốc nữa, bởi những cơn bão lớn đã khiến những cánh đồng của họ bị ngập lụt.
Trong một vài tháng, một vài năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt đã làm hư hại hoặc phá hủy các vườn ô liu ở Ý, các vườn nho ở Pháp, các vườn cam và đào ở Florida và Georgia, các vườn táo và anh đào ở Wisconsin và Michigan, các trang trại bơ ở Mexico, các trang trại ca cao và cà phê ở hàng chục quốc gia vùng xích đạo.
Thiệt hại nghiêm trọng cũng đã xảy ra trong các hoạt động chăn nuôi bò sữa và chăn nuôi dộng vật lấy thịt trên toàn thế giới.
Rất nhiều trong số những điều này còn khá trừu tượng đối với những ai chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chúng, cả những người đã phải chịu ảnh hưởng nhưng không biết.
Hầu hết chúng ta ngày nay đều bị mất kết nối tới nơi mà nguồn thực phẩm của chúng ta được tạo ra, đến nỗi bây giờ chúng ta chỉ phải trải nghiệm sự gián đoạn này từ những biến động tinh tế trong chất lượng và giá cả của thực phẩm.
Thiệt hại lớn cho các trang trại ngô và đậu nành ở Trung Tây nước Mỹ mùa xuân này sẽ chỉ khiến giá ngô và đậu nành tăng cao hơn một chút.
Thử lấy một ví dụ mang tính địa phương hơn: Tôi sống ở Nashville, Tennessee, một trong những thú vui lớn nhất của vùng đó là đào Georgia. Nhưng bây giờ, những cây đào đã nở hoa sớm hơn vì mùa đông đang ấm hơn, rồi sau đó dễ bị tổn thương bởi băng giá khắc nghiệt có thể giết chết mùa thu hoạch. Những trái đào bây giờ đã nhỏ lại, giảm cả về hương vị lẫn chất lượng.
Những hiệu ứng gần này phải rất tinh tế bạn mới nhận ra được, nhưng cho tới giữa thế kỷ này, chúng sẽ trở nên khác biệt hơn nhiều. Và nếu bạn sống ở Ấn Độ, Trung Quốc hoặc một phần của Trung Đông và Đông Nam Phi, những thách thức do hạn hán, lũ lụt và chuyển mùa không còn chỉ là sự suy giảm chất lượng đào, mà đã trở thành những nạn đói bùng nổ.
Hiện tại có hàng chục triệu người ở chính các quốc gia nông nghiệp đang phải đối mặt với nạn đói.
Các loại thực phẩm dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu nhất là những thực phẩm nhạy cảm nhất, chúng cần những điều kiện rất đặc biệt để phát triển tốt, ví dụ như cà phê, nho rượu vang, ô liu, cacao, quả mọng, cam quýt và các loại quả có hột cứng – cùng với đó là những loại thực phẩm cần nhiều nước nhất như hạnh nhân, bơ, cỏ linh lăng và những cánh đồng cỏ chăn nuôi gia súc.
Đến một lúc nào đó những người tiêu dùng sẽ phải đứng dậy khi nghe thấy rằng: Những giàn nho ủ rượu và dâu tây đang biến mất.
Chỉ riêng công nghệ thôi thì không thể cứu sống chúng ta được, nhưng những cách ứng dụng công nghệ khôn ngoan thì có thể. Như tôi đã trình bày trong cuốn sách: Sự thiếu hiểu biết và khéo léo của con người đã đưa chúng ta vào mớ hỗn độn này, và sự khéo léo kết hợp với phán đoán tốt có thể giúp chúng ta thoát khỏi nó.
Hãy nói về một số giải pháp. Cuốn sách của cô là một tour du lịch qua các lĩnh vực đổi mới thực phẩm khác nhau, tất cả mọi thứ từ kỹ thuật di truyền đến canh tác dọc và các loại thịt tổng hợp trong phòng thí nghiệm.
Robot làm cỏ được phát triển bởi một startup có tên Blue River Technology đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Đó là con robot có thể phân biệt được đâu là cỏ non và đâu là cây con. Nó có khả năng diệt cỏ với độ chính xác đáng kinh ngạc, giảm triệt để việc sử dụng thuốc diệt cỏ trên các cánh đồng.
Vài năm trước, tôi đã xem hành trình đầu tiên của con robot này trên một cánh đồng ở Arkansas. Thay vì rải hàng tỷ gallon thuốc diệt cỏ như glyphosate lên toàn bộ cánh đồng - điều mà hiện tại chúng ta vẫn đang làm trong canh tác - con robot này đã có thể cung cấp các tia thuốc diệt cỏ nhỏ và dứt khoát, quyết định được đưa ra chỉ trong một phần nghìn giây, khi nó được kéo lê qua một cánh đồng đằng sau một chiếc máy kéo.
Đáng kinh ngạc hơn nữa là khi tôi thấy cỗ máy này trở nên thông minh hơn sau mỗi lần nó mắc lỗi, nó sẽ biết cây nào nên giết và cây nào cần bảo vệ.
Bức tranh lớn hơn thậm chí còn thú vị hơn: Những con robot có thể được áp dụng cho thuốc diệt nấm, thuốc trừ sâu và thậm chí cả phân bón, giúp giảm tới 90% lượng hóa chất nông nghiệp chúng ta đang sử dụng trong canh tác.
Chúng ta sẽ có một tương lai ở đó canh tác được quy hoạch tới độ phân giải của từng cây một thay vì từng cánh đồng. Điều đó có nghĩa là bạn không phải dành cả 1.000 hay 10.000 mẫu đất chỉ để trồng một loại cây như ngô, mà có thể trồng xen kẽ nhiều loại cây trên cùng một diện tích.
Nói cách khác, robot có thể giúp chúng ta có được sự đa dạng trong sản xuất thực phẩm trên quy mô lớn, nhờ vào những bài học về nông nghiệp.
Một phần thúc đẩy tôi viết cuốn sách này là việc nhận ra các loại thực phẩm bền vững đang bị chính trị hóa, xa xỉ hóa và đánh đố với những hiểu lầm.
Một mặt, bạn có một phe ủng hộ công nghệ nói như Bill Gates đã từng nói cách đây vài năm: "Thực phẩm bây giờ đã quá lỗi thời và cần được tái phát minh". Mặt khác, bạn có những người ủng hộ thực phẩm bền vững nói rằng "Tôi muốn đảo ngược quá trình phát minh ra các loại thực phẩm ấy, cảm ơn nhiều. Hãy quay trở lại nền nông nghiệp tiền công nghiệp".
Hiện đang có những người bị mất lòng tin sâu sắc vào công nghệ khi chúng được ứng dụng vào thực phẩm - cũng dễ hiểu thôi, bởi vì công nghiệp nông nghiệp không hề hoàn hảo.
Nhưng với tư cách là một người đã theo dõi cuộc tranh luận này trong suốt nhiều năm, tôi tự hỏi: Tại sao cứ phải chia thành hai phe như vậy? Chúng ta cần kết hợp cả hai hướng tiếp cận này lại.
Chúng ta cần một làn sóng nông nghiệp thứ ba, học tập cả những khôn ngoan trong canh tác thực phẩm truyền thống và từ sự tiên tiến của các công nghệ hiện đại. Cách tiếp cận như vậy sẽ cho phép chúng ta trồng nhiều thực phẩm chất lượng cao hơn, trong khi phục hồi, thay vì làm suy giảm sức khỏe cộng đồng và phá hủy môi trường.
Hy vọng rằng chế độ ăn của chúng ta trong tương lai sẽ giữ lại được cả hương vị lẫn hình hài giống với chế độ ăn ngày hôm nay. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên vàng của đa dạng thực phẩm và khả năng tiếp cận chúng.
Lý tưởng nhất, chúng ta sẽ tiếp tục giữ được sự phong phú và đa dạng trong lựa chọn thực phẩm đó. Nhưng nguồn gốc của chúng - nơi và cách thức thực phẩm được phát triển - có thể thay đổi hoàn toàn.
Bạn đã thấy điều đó trong thế giới của các loại thịt, các loại thịt chay như Beyond Meat đã được bán ra trực tuyến, với sự kiện IPO rất thành công cách đây không lâu.
Trong cuốn sách của mình, tôi đã nghiên cứu các loại thịt dựa trên tế bào, các loại thịt được tổng hợp ra từ phòng thí nghiệm, trong đó, các mô thịt được nuôi cấy từ các tế bào trích xuất từ động vật.
Bất kỳ loại protein có nguồn gốc động vật hoặc cá nào – từ thịt bò, vịt cho đến cá ngừ - đều có thể được "trồng" mà không cần đến những con vật, về cơ bản là vậy. Tôi đã ăn thịt vịt được nuôi trong phòng thí nghiệm,nó có vị đúng như quảng cáo: vị thịt và vị vịt.
Nhiều năm nữa, những sản phẩm này sẽ càng trở nên khó phân biệt hơn với các loại thịt có nguồn gốc động vật, và rất có thể là một phần của chế độ ăn chính của chúng ta.
Lấy một ví dụ khác: Đó là các trang trại theo chiều dọc đang trồng rau quả khí canh mà không cần đến đất, mặt trời, và sử dụng nước một cách cực kỳ tiết kiệm. Liệu một quả cà chua trồng trong đó sẽ có hương vị chính xác như một quả cà chua trồng ở vườn sau nhà bạn theo lối canh tác hữu cơ? Có thể sẽ rất giống.
Và vô số nghiên cứu đang sử dụng các công cụ chỉnh sửa gen như CRISPR để điều chỉnh các loại cây lương thực chủ lực, thậm chí cả trái cây và rau quả dưới áp lực của môi trường mới, để chúng có thể chịu nhiệt, chịu hạn, có thể chịu được cả côn trùng xâm lấn.
Các nỗ lực này không phải để phát triển ra những loại thực phẩm tổng hợp kỳ dị, mà là để giúp hệ thống lương thực của chúng ta tồn tại được trong điều kiện khí hậu mới.
Điều đó cũng không phải là trong tương lai bạn sẽ không còn các loại cây trồng hữu cơ, trồng trên đất bình thường hoặc các loại thịt để ăn. Mà nó có nghĩa là sự đổi mới của con người, kết hợp các cách tiếp cận mới và truyền thống vào sản xuất thực phẩm, có thể định nghĩa lại tương lai của các loại thực phẩm bền vững trên quy mô lớn.
Tham khảo Vox
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"