Biến đổi khí hậu đang khiến thực vật chúng ta ăn chứa nhiều đường mà lại ít dinh dưỡng hơn
Thế giới đang có những thay đổi sâu rộng dưới tác động của biến đổi khí hậu.
So với hơn 70 năm trước, mỗi khẩu phần thực vật chúng ta ăn ngày nay đang chứa nhiều đường hơn. Ngược lại, hàm lượng dinh dưỡng như protein, sắt, và kẽm trong thực vật lại bị suy giảm. Điều này xảy ra do chúng ta đang nhân giống cây trồng tập trung vào năng suất chứ không phải chất lượng.
Nhưng bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng càng làm cho vấn đề trở nên tệ hại hơn. Khi bầu khí quyển thay đổi, thực vật cũng bị biến đổi, bởi chúng hút CO2 để sản xuất đường.
“Mỗi chiếc lá cùng mỗi nhánh cỏ trên Trái Đất đang tạo ra nhiều đường hơn khi mức CO2 tiếp tục tăng”, Irakli Loladze, một nhà toán học nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học nói. “Chúng ta đang chứng kiến đợt phun trào carbohydrate lớn nhất vào sinh quyển từ khi con người xuất hiện. Sự phun trào này đang làm loãng mọi chất dinh dưỡng khác trong chuỗi thực phẩm của chúng ta”.
Irakli Loladze tung đường lên rau quả trong một hoạt động truyền thông cảnh báo biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới dinh dưỡng của con người
Trong vài thập kỷ trở lại đây, nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đã cảnh báo một hiện tượng, rằng các thực phẩm quan trọng của con người đang ngày càng chứa ít dinh dưỡng. So với 50-70 năm trước, đo đạc cho thấy khoáng chất, vitamin và hàm lượng protein trong các loại rau và trái cây đã sụt giảm đáng kể.
Trong khi đó, một nghiên cứu năm 1997 đã chỉ ra sự sụt giảm kẽm và sắt trong gạo, loại lương thực mà hàng tỷ người đang sử dụng hôm nay trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu đang xem xét đến cả lượng cafeine trong cà phê để xem chúng có sụt giảm hay không.
Lý do đơn giản được giả định là chúng ta đang nhân giống và chọn ra những cây trồng cho năng suất cao hơn, chứ không phải dinh dưỡng. Điều đó khiến súp lơ xanh, cà chua và ngay cả lúa mì năng suất cao đều có hàm lượng dinh dưỡng giảm.
Tuy nhiên, Loladze và một số nhà khoa học nghi ngờ đó không phải lý do duy nhất. Họ tin rằng chính biến đổi khí hậu và nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên phải chịu trách nhiệm một phần cho cuộc khủng hoảng này.
Mọi loại thực vật đều cần CO2 để sống, cũng như con người cần oxy. Trước khi cách mạng công nghiệp nổ ra, bầu khí quyển của Trái Đất có nồng độ CO2 rơi vào khoảng 280 phần triệu. Thế nhưng số liệu năm 2016 đã chỉ ra bây giờ mức độ CO2 đã tăng tới 400 phần triệu, và có thể đạt ngưỡng 550 phần triệu trong nửa thế kỷ tới – gần như gấp đôi so với thời điểm ngay trước khi chiếc máy kéo đầu tiên được dùng trong nông nghiệp.
Thí nghiệm và các quan sát trên gần 130 giống thực vật và 15.000 mẫu phẩm trong 30 năm đã cho các nhà khoa học thấy: thực vật biến đổi khá lớn khi chúng sống trong môi trường có nồng độ CO2 cao. Cụ thể, một nhóm thực vật được gọi là C3 chứa 95% các loài thực vật có mặt trên Trái Đất, bao gồm cả lúa mì, gạo và khoai tây sẽ có hàm lượng khoáng chất như canxi, kali, sắt và kẽm sụt giảm.
Trong suốt cuộc đời của một đời người, trung bình loại thực phẩm anh ta ăn khi về già đã bị mất tới 8% khoáng chất so với hồi còn là một đứa trẻ. Trong khi đó, lúa mì và gạo cũng giảm 6-8% protein trong cùng khoảng thời gian so sánh.
Một máy đo lường hàm lượng dinh dưỡng có trong lá cây
Vậy nguyên nhân có thể là gì? Theo logic, nồng độ CO2 cao sẽ giúp cây quang hợp tốt hơn, do đó, góp phần vào quá trình tăng trưởng và kích thước của thực vật. Tuy nhiên, kích thước và chất lượng không đi đôi với nhau. Trong thực tế, chúng có thể tỷ lệ nghịch.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng nồng độ CO2 tăng khiến quang hợp, quá trình giúp thực vật chuyển đổi ánh sáng thành thực phẩm, mạnh hơn. Điều này khiến cây phát triển, nhưng cũng sẽ khiến chúng sản xuất nhiều carbohydrate chẳng hạn như đường mà có ít hơn các chất dinh dưỡng khác như protein, sắt và kẽm.
Câu hỏi đặt ra lúc này là điều gì sẽ xảy ra? Một nghiên cứu mới được công bố đã ước tính sự suy giảm dinh dưỡng trong thực vật có thể ảnh hưởng tới dân số toàn cầu như thế nào. Nhìn vào lượng protein suy giảm, họ dự đoán đến năm 2050, khoảng 150 triệu người ở các nước đang phát triển sẽ rơi vào nguy cơ thiếu protein.
Sự sụt giảm của kẽm sẽ ảnh hưởng tới 138 triệu đối tượng là những bà mẹ và trẻ sơ sinh, bởi kẽm là một chất cực kỳ cần thiết trong giai đoạn này của đời người. Bên cạnh đó, hơn 1 tỷ bà mẹ và 354 triệu trẻ em sẽ bị ảnh hưởng bởi hàm lượng sắt trong thực phẩm sụt giảm, làm dấy lên nguy cơ sức khỏe cộng đồng và bệnh thiếu máu.
Ở các nước đang phát triển, câu trả lời đến từ phía ngược lại, khi nồng độ carbohydrate như đường trong thực phẩm tăng lên. Người dân sẽ không phải đối mặt với sự thiếu hụt protein. Nhưng một số nhà nghiên cứu nói rằng nếu thực vật có nồng độ đường tăng, nó sẽ làm trầm trọng thêm làn sóng béo phì và bệnh tim mạch đang diễn ra tại các quốc gia phát triển.
Ngoài ra, con người không phải là sinh vật duy nhất ăn thực vật. Chẳng hạn một phân tích từ năm 1842 cho thấy hàm lượng protein trong một loại phấn hoa đã giảm đáng kể, khi nồng độ CO2 tăng lên trong khí quyển.
Nó có thể là một phần nguyên nhân khiến quần thể ong sụt giảm trong khoảng thời gian tương ứng. Các nhà khoa học giải thích rằng phấn hoa là một nguồn cung cấp protein quan trọng cho ong. Nếu không có đủ protein khi mùa đông đến, nhiều con ong sẽ không thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt và chết.
Thế giới đang thay đổi chóng mặt dưới tác động của biến đổi khí hậu
Rõ ràng biến đối khí hậu mà cụ thể là nồng độ CO2 tăng lên trong không khí đang ảnh hưởng rất sâu rộng tới sự sống của các sinh vật trên hành tinh. Thực vật, những sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn cũng không nằm ngoài những tác động đó.
Những tác động của biến đổi khí hậu lên khía cạnh dinh dưỡng ở con người mới chỉ bắt đầu được điều tra.
Ít người biết rằng các loại cây trồng đang trở nên kém dinh dưỡng hơn khi nồng độ CO2 trong không khí tăng lên. Điều này vẫn chưa được đề cập tới trong các cuộc họp về nông nghiệp, y tế cộng đồng hay dinh dưỡng. Thế giới đang có những thay đổi chóng mặt dưới tác động của biến đổi khí hậu, mà đôi khi chúng ta không thể để mắt hết được.
Tham khảo Businessinsider, Politico
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI