Biết không thể đối chọi lại được với search của Google, Cốc Cốc đã chọn lối đi khác khôn ngoan hơn

    PV,  

    Khác với mục tiêu ban đầu là phát triển một bộ máy tìm kiếm ở Việt Nam, Cốc Cốc thành công hơn khi tham gia phát triển trình duyệt. Và theo co-founder trình duyệt đứng thứ 2 Việt Nam này, đây không phải sự "chuyển mình" mà là một phương thức để đưa sản phẩm đã dồn hết tâm huyết vào thị trường.

    Chỉ sau 2 năm kể từ ngày ra mắt trên thị trường, từ một trình duyệt chưa có tên tuổi, Cốc Cốc đã vươn lên vị trí thứ 2 ở Việt Nam, vượt qua một số trình duyệt nổi tiếng như Firefox, Internet Explorer hay Safari.

    Thế nhưng, con đường này không phải là lựa chọn đầu tiên của Cốc Cốc.

    Năm 2010, khi 3 chàng du học sinh Nga người Việt về nước, Cốc Cốc được thành lập. Quá trình phát triển một bộ máy tìm kiếm dành riêng cho người Việt cũng một phần nhờ sự giúp đỡ của Victor Lavrenko, một nhà quản lý của Nigma.ru.

    Ý tưởng ban đầu của Cốc Cốc là phát triển một bộ máy tìm kiếm ở Việt Nam, khi thị trường tìm kiếm vẫn còn tương đối sơ khai. Tuy nhiên, trước những thách thức của thị trường, việc tiếp cận người dùng Việt như thế nào dường như là thách thức lớn nhất của Cốc Cốc.

    Theo Lê Văn Thanh, đồng sáng lập Cốc Cốc, khi đó, công ty đã mở ra 3 hướng tiếp cận: Thứ nhất là phát triển mảng tìm kiếm như tìm kiếm toán, tìm kiếm hoá. Thứ hai là phát triển tìm kiếm địa điểm “nhà nhà”. Thứ ba là thử phát triển trình duyệt tìm kiếm.

    Đầu năm 2013, tại thị trường Việt Nam, Cốc Cốc như một ngôi sao mới nổi nhờ công cụ tìm kiếm.

    Anh kLê Văn Thanh - đồng sáng lập Cốc Cốc tại buổi giao lưu trực tuyến với CafeBiz. Ảnh: M.L.

    Mời quý độc giả xem toàn bộ cuộc trò chuyện với anh Lê Văn Thanh -co-founder Cốc Cốc tại link: https://www.facebook.com/cafebiz.vn/videos

    Tuy nhiên, vào thời điểm đó, những dự án công cụ tìm kiếm như Timnhanh, xalo, hoatieu,… đều đã “ngã ngựa”. Đây dường như là lời cảnh tỉnh với bất kỳ ai có dự định phát triển trong lĩnh vực này. Trong khi đó, những công cụ tìm kiếm tên tuổi như Bing, Yahoo cũng đã rơi vào tình trạng thoái trào. Vị thế độc tôn tại thị trường Việt Nam lúc này là "gã khổng lồ" Google.

    Vài năm sau đó, thị trường ICT Việt Nam chứng kiến sự “lớn nhanh như thổi” của Cốc Cốc. Nhưng sản phẩm chính của công ty này không phải là công cụ tìm kiếm mà là trình duyệt. Trình duyệt này dựa trên nền tảng Chromium (giống Google Chrome) - khác với định hướng ban đầu là cỗ máy tìm kiếm thông minh.

    Tiêu chí của Cốc Cốc là tập trung xây dựng - phát triển trình duyệt của người Việt dành riêng cho người Việt. Và chỉ 2 tháng sau khi ra mắt (5/2013), Cốc Cốc lọt vào top 5 trình duyệt phổ biến nhất Việt Nam và hiện tại đã đứng vị trí thứ 2 chỉ sau Google.

    Theo anh Lê Văn Thanh, quá trình trên không phải là sự “chuyển hướng” của Cốc Cốc mà là một cách, một phương thức để đưa sản phẩm mà các đồng sáng lập dồn hết tâm huyết vào thị trường.

    Anh thừa nhận, khi mới phát triển, công ty không thể có những sản phẩm ngay lập tức, không thể có những tính năng tốt ngay được. Đó là một lẽ tất nhiên.

    "Và phải thừa nhận, khi đó, công cụ tìm kiếm Google đã đáp ứng tương đối tốt nên chúng tôi phải suy nghĩ một hướng đi mới. Rất may, hướng đi chúng tôi chọn đã chính xác, bởi việc đưa một sản phẩm đã có rất nhiều đối thủ trên thị trường cần có một chiến lược rất quan trọng”, co-founder Cốc Cốc cho hay.

    Kết thúc năm 2015, trình duyệt Cốc Cốc đã đạt lượng người dùng hơn 18,2 triệu. Đến nay, lượng người dùng mỗi ngày đã lên tới 4,6 triệu và khoảng 80.000 lượt tải/ngày.

    Tuy cuộc cạnh tranh thị phần với Google tại Việt Nam còn nhiều "chông gai", nhưng với những tính năng vượt trội dành riêng cho người Việt của Cốc Cốc như tốc độ download, giải toán, chỉ dẫn địa điểm.... cũng phần nào khẳng định vị thế của một công ty còn non trẻ trên thị trường Internet khốc liệt.

    Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ