Biết mười mươi bê bối nhưng giấu nhẹm, Mark Zuckerberg thừa nhận bản thân bất lực, không thể bảo vệ khách hàng
Mark Zuckerberg đã hoài nghi về Cambridge Analytica, trước cả khi báo chí tiết lộ công ty phân tích dữ liệu này tự ý truy cập hàng chục triệu thông tin người dùng Facebook.
Hồi năm 2017 - một năm trước khi bê bối rò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica bị phanh phui, Mark Zuckerberg đã cân nhắc tiết lộ với truyền thông việc Facebook đang điều tra “các tổ chức tương tự Cambridge Analytica” cùng nhiều nhân viên tình báo nước ngoài. Động thái trên nhằm mục đích đánh giá lại tình hình an ninh bầu cử trước khi xóa tài liệu tham khảo như đề xuất của các cố vấn, theo một bản kê khai hồi năm 2019 được thực hiện bởi Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái.
Thông tin trên cho thấy cái nhìn sâu sắc của Zuckerberg đối với Cambridge Analytica, trước cả khi báo chí tiết lộ công ty phân tích dữ liệu này tự ý truy cập hàng chục triệu thông tin người dùng Facebook. Vụ rò rỉ khi đó đã gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn cầu, kéo theo nhiều phiên điều trần và dòng trạng thái hối cải của Mark Zuckerberg.
Tài liệu vừa được tiết lộ cho thấy ngay từ năm 2017, Zuckerberg đã coi Cambridge Analytica là mối lo ngại. Vị CEO này cũng trần tình không hề biết gì về vụ rò rỉ dữ liệu phát hiện lần đầu tiên hồi năm 2015 vì bị nhân viên giấu nhẹm.
Được biết, một thỏa thuận dàn xếp vào năm 2019 trị giá 100 triệu USD đã giải quyết êm xuôi cáo buộc của chính phủ Mỹ, rằng Facebook lừa dối các nhà đầu tư trong nhiều năm sau khi nhân viên lần đầu tiên phát hiện ra bê bối.
“Bản báo cáo này cho thấy có điều gì đó đã diễn ra từ tháng 1/2017 đến tháng 9/2017, từ đó khiến Zuckerberg coi Cambridge Analytica là mối đe dọa. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà CEO Meta không chịu tiết lộ và thế giới chỉ biết về Cambridge Analytica vào tháng 3/2018”, Zamaan Qureshi, cố vấn chính sách tại Real Facebook Oversight Board cho biết.
Giải thích về điều này, Mark Zuckerberg cho biết bản thân không hề được thông báo sớm về vụ việc, bởi nhân viên Facebook khi đó nghĩ rằng bê bối hồi năm 2015 đã khép lại.
Trước đó, vào tháng 9/2017, Zuckerberg đã đưa ra một bản tuyên bố công khai về những nỗ lực của Facebook trong việc đảm bảo tính toàn vẹn cho cuộc bầu cử, đồng thời cam kết xem xét tác động từ các tổ chức, thành phần thù địch.
“Chúng tôi đang xem xét các tác nhân nước ngoài, trong đó có các tổ chức như Cambridge Analytica,” Zuckerberg viết.
Dẫu vậy, bê bối vẫn xảy ra. CEO Mark Zuckerberg khi đó buộc phải thừa nhận rằng Facebook đã sai và thất bại trong việc bảo vệ dữ liệu khách hàng.
“Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của các bạn và nếu chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi không xứng đáng được phục vụ các bạn”, Zuckerberg chia sẻ trên trang cá nhân Facebook.
Trả lời phỏng vấn độc quyền với trang CNN hồi năm 2018, vị tỷ phú này cũng nhận lỗi: “Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng về lòng tin và tôi thực sự xin lỗi vì những gì đã xảy ra”.
Mất mát lớn nhất mà Facebook gánh chịu có lẽ là lòng tin của người dùng. Từ khoá #DeleteFacebook được chia sẻ rầm rộ trên Twitter và nhiều trang mạng xã hội khác. Ngay cả đồng sáng lập Brian Acton của WhatsApp, công ty mà Facebook bỏ 19 tỷ USD ra mua lại năm 2014, cũng kêu gọi bạn bè tẩy chay trang mạng này.
Đến giữa năm 2022, câu chuyện xoay quanh Cambridge Analytica lại một lần nữa được khơi gợi sau khi Bộ trưởng Tư pháp Karl Racine đệ đơn kiện CEO Mark Zuckerberg vì có liên quan đến bê bối hồi năm 2018. Vào thời điểm đó, nhiều thông tin cho thấy ít nhất 87 triệu người dùng Facebook đã bị thu thập dữ liệu trái phép, trong đó, Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico… là những quốc gia bị thu thập nhiều hơn cả.
Được biết, văn phòng của Bộ trưởng Tư pháp đã kiện Facebook trong nhiều năm vì cho rằng tập đoàn này không giám sát việc thu thập dữ liệu của đối tác bên thứ ba, đồng thời không tiết lộ với truyền thông bê bối của Cambridge Analytica.
“Bằng chứng cho thấy Mark Zuckerberg có liên quan mật thiết đến việc Facebook không bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng trong vụ Cambridge Analytica. Những vi phạm về bảo mật chưa từng có tiền lệ này đã khiến hàng chục triệu thông tin người dùng bị rò rỉ. Ngoài ra, các chính sách của Mark Zuckerberg cũng tạo điều kiện để trang mạng xã hội này đánh lừa người dùng trước những hành vi sai trái’’, ông Racine nói. “Đây chính là thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo Facebook, bao gồm cả các CEO, rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình’’.
Ngoài ra, cáo buộc còn cho rằng Mark Zuckerberg đã "cung cấp thông tin trực tiếp về các chính sách nội bộ của Facebook liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu trên nền tảng, đồng thời xem xét sử dụng dữ liệu từ một số ứng dụng’’.
“Với tư cách là Giám đốc điều hành, Zuckerberg có quyền kiểm soát các hành vi thương mại lừa đảo và phải minh bạch với người dùng về những việc làm sai trái của mình’’, đơn cáo buộc nêu rõ, đồng thời khẳng định vị CEO này phải bồi thường thiệt hại và cam kết không vi phạm luật bảo vệ người dùng một lần nào nữa.
Theo: CNN, Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?