Chính sách yêu cầu mọi người dùng tên thật gây tranh cãi của Facebook tiếp tục vấp phải sự phản đối dữ dội và kéo theo cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở tại Mỹ.
Hôm 1/6, nhiều người đã tập trung ngoài trụ sở Facebook tại Menlo Park, California (Mỹ) để biểu tình phản đối chính sách tên thật của mạng xã hội. Có khoảng 100 người có mặt và cho biết đang bị chính sách làm hại.
Người có biệt danh Lil Miss Hot Mess bày tỏ: cô và nhiều người khác đang cố lôi kéo sự chú ý về thực trạng các người dùng Facebook đang bắt nạt người khác bằng cách báo cáo (report) những ai đang sử dụng tên giả trên dịch vụ này.
Gần 100 người tham gia biểu tình phản đối chính sách tên thật của Facebook tại Mỹ hôm 1/6. Ảnh: Internet
Mùa thu năm 2014, Lil Miss Hot Mess và những người bị đóng tài khoản Facebook phát động chiến dịch #MyNamIs, buộc Facebook phải nhượng bộ ít nhiều. Đối tượng tham gia chiến dịch rất đa dạng, trong đó có những phụ nữ bị bạo hành hay người Mỹ bản xứ dùng tên trong bộ lạc khác với tên trên giấy phép lái xe. Theo Lil Miss Hot Mess, một trong những mục tiêu họ đã đạt được thông qua cuộc biểu tình là cho thấy nhiều người đã bị ảnh hưởng bởi chính sách của Facebook.
Facebook đưa ra chính sách dài hơi trong đó yêu cầu người dùng đăng ký bằng ‘tên thật’ khớp với chứng minh thư, mã số sinh viên hay thẻ tín dụng. Công ty không truy lùng từng người vi phạm mà chỉ điều tra sau khi có người dùng Facebook khác tố cáo.
Trong blog đăng tải hôm 1/6, Phó Chủ tịch Điều hành toàn cầu Justin Osofsky và Giám đốc chính sách sản phẩm toàn cầu Monika Bickert khẳng định Facebook cam kết đến cùng với chính sách tên thật để “bảo vệ cộng đồng khỏi các tình huống nguy hiểm”.
“Khi mọi người dùng tên thật trên Facebook, họ có trách nhiệm hơn với những gì đang nói. Mọi người được trấn an rằng họ đang thực sự kết nối với người yêu thương và không ai có thể dùng tên giả để bắt nạt, chế nhạo, nói những điều không phù hợp”.
Sau cuộc biểu tình năm ngoái, Facebook nới lỏng quy định, đưa ra một số biện pháp để người dùng xác minh danh tính dễ dàng hơn. Chẳng hạn, người dùng Mỹ được truy cập tài khoản trong thời hạn 7 ngày trước khi bị đóng hoặc họ được dùng các giấy tờ khác như thẻ thư viện để xác minh tên thật.
Dù vậy, Lil Miss Hot Mess cho rằng chừng ấy là chưa đủ. Tài khoản của cô bị đóng 2 tuần sau khi có người báo cáo cô không dùng tên thật của mình. Có nhiều lý do để giải thích vì sao một người lại dùng tên giả trên Facebook. Ví dụ, người chuyển giới, người vừa trải qua bạo hành… muốn dùng tên khác an toàn hơn để tránh bị lạm dụng và phát hiện. Lil Miss Hot Mess đề xuất Facebook có thể tìm ra cách khác để kiểm tra chủ nhân thực sự của tài khoản thay vì chỉ căn cứ vào tên của họ.
Chính sách tên thật của Facebook là bước đột phá kể từ khi mạng xã hội ra mắt năm 2004 và tràn ngập các bí danh, bút danh. Dù vậy, Giám đốc sản phẩm Chris Cox đã phải công khai xin lỗi vì chính sách ảnh hưởng đến mọi người.
Cuộc biểu tình phản đối chính sách tên thật của Facebook chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh về những rắc rối trong nền văn hóa kỹ thuật số đối với việc kiểm soát danh tính và quyền riêng tư trên mạng. Lil Miss Hot Mess cho rằng Facebook đang ở vị trí sai lầm.
Năm 2011, các nhà hoạt động bao gồm Skud, Eva Galperin, Jillian C. York mở website MyNameIsMe.org để kêu gọi mạng xã hội như Facebook, Google cho phép người dùng xác minh bản thân bằng bất cứ cái tên nào họ chọn. Website đăng tải nhiều câu chuyện về tầm quan trọng của việc ẩn danh trên mạng đối với các nhóm người phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống.
Theo ICTNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"