BIOSTAR Hi-Fi Z97Z7: Giá rẻ nhưng chất không rẻ!

    Nội Tâm,  

    Nếu lên kệ với giá tầm 3,2 triệu đổ lại, chắc chắn Hi-Fi Z97Z7 sẽ chiếm được chỗ đứng trong một rừng sản phẩm Z97 hiện nay.

    Nhắc đến bo mạch chủ, BIOSTAR chắc chắn không phải cái tên đầu tiên xuất hiện trong tâm trí người dùng. Tuy thương hiệu không lớn, sản phẩm của BIOSTAR vẫn có điểm mạnh ở giá thành rất rẻ mà vẫn giữ được chất lượng và độ bền ổn định. Tất nhiên đổi lại, người dùng phải chấp nhận việc một số tính năng bị lược bỏ.

    Chiếc BIOSTAR Hi-Fi Z97Z7 mới ra mắt là một ví dụ điển hình. Được bán với giá chỉ 119 USD, đòi hỏi một sản phẩm hoàn hảo, nhiều tính năng ăn chơi là điều không thể. Tuy nhiên trên khía cạnh sử dụng đồng tiền, đây là một sản phẩm vô cùng đáng tiền, thỏa mãn mọi yếu tố cơ bản của một bo mạch chủ Z97. Vậy với chi phí chỉ bằng B85 của hãng khác, chúng ta có gì ở Hi-Fi Z97Z7?

    BIOSTAR Hi-Fi Z97Z7

    Vỏ hộp của sản phẩm được thiết kế đơn giản nhưng đủ ấn tượng bằng tông đen cùng chữ HiFi màu lửa. Mặt sau vỏ hộp liệt kê sơ lược các điểm đáng chú ý về linh kiện: Cuộn cảm lõi Ferrite, tụ rắn độ bền cao, cổng audio mạ vàng…

    Phụ kiện đi kèm không nhiều, chỉ gồm những thứ cơ bản cần thiết nhất: Sách hướng dẫn, đĩa cài driver, chặn main và 4 sợi cáp SATA 6 Gbps.

    Chuẩn bị sẵn tinh thần cho một sản phẩm giá rẻ đơn giản, linh kiện xơ xác nhưng những gì bên trong khiến tôi kinh ngạc. Hi-Fi Z97Z7 không thề thua kém các bo mạch chủ tầm trung của hãng khác: Kích thước full size ATX, 2 khe PCIe x16 và tản nhiệt đẹp đẽ. Nếu không biết trước giá, chắc chắn tôi sẽ ước lượng giá sản phẩm cao hơn khoảng 30% so với thực tế.

    Số lượng phase điện là 8, đủ nhiều cho ép xung trên socket 1150. Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ cần 6 phase thôi đã có thể ép xung các bộ xử lý Core i5, Core i7 lên 4,5 GHz chạy ổn định hàng ngày. Chân cấp điện cho CPU đương nhiên là chân 8 pin.

    Tản nhiệt mosfet và chipset tương đối dày, tông màu đen kết hợp vàng gold sang mắt.

    Ở dưới tản nhiệt chipset, tôi để ý thấy một đèn LED báo mã lỗi trong trường hợp hệ thống bị lỗi không khởi động được. Điểm độc đáo là sau khi boot xong, đèn LED này chuyển sang hiển thị nhiệt độ CPU - rất tiện cho theo dõi nhiệt độ khi ép xung.

    4 khe RAM được cấp điện bởi 2 phase điện. Số lượng này cho thấy Hi-Fi Z97Z7 không chú trọng đến OC RAM. Cả 4 khe RAM đều đen sì, thành thực mà nói không ăn nhập với tản nhiệt rất đẹp của mosfet và chipset.

    Thêm một điểm cộng nữa cho tầm giá này: Có nút power và Reset dành cho người chơi benchtable. Hai nút này được đặt ở góc phải phía trên của main, cạnh mấy khe RAM. Ngoài ra còn có một nút gạt On – Off chế độ OC làm mát bằng LN2.

    Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà BIOSTAR không làm luôn nút Clear Cmos để reset Bios trong các tình huống OC hỏng. Thay vào đó là một jumper Clear Cmos đặt ở góc trái phía dưới main.

    Khu vực các khe PCI nhìn hoành tráng với 2 khe PCIe x16, 2 khe PCI x1 và 2 khe PCI thường. Rất nhiều main Z97 hiện nay bỏ hẳn khe PCI thường khi mà có nhiều người vẫn cần dùng đến khe này, còn BIOSTAR họ vẫn giữ lại. Tuy nhiên khe PCIe x16 thứ hai chỉ chạy ở băng thông x4 2.0, mang ý nghĩa trang trí nhiều hơn là chạy 2 card đồ họa.

    Thêm một điểm mạnh nữa của Hi-Fi Z97Z7: Main hỗ trợ giao tiếp PCIe M.2 dành cho thế hệ SSD mới nhất - điều không thể có ở sản phẩm cùng tầm giá của các hãng khác.

    Chip sound được trang bị là ALC892 hỗ trợ âm thanh HD 7.1. Đây là chip sound hay thấy trên các dòng Z97 phổ thông và trung cấp.

    Ở cụm cổng kết nối phía sau, chúng ta có 2 cổng USB 2.0, 4 cổng USB 3.0 và cổng PS/2 dành cho các thiết bị ngoại vi. Hi-Fi Z97Z7 hỗ trợ 3 cổng xuất hình onboard là DVI, Dsub và HDMI. Các cổng audio được mạ vàng chống nhiễu, chống oxy hóa.

    Main được trang bị 6 cổng SATA 6 Gbps, trong đó có 2 cổng có thể ghép lại thành giao tiếp SATA Express Connector băng thông 10 Gbps phục vụ các SSD cao cấp. Tất cả cổng SATA đều được xoay ngang, hỗ trợ đi dây gọn gàng bên trong thùng máy.

    Giao diện Bios

    Giao diện Bios của Hi-Fi Z97Z7 được bố trí hợp lý, chia thành 7 mục rất rõ ràng:

    - Main: Thông tin tổng quan về hệ thống như ngôn ngữ, ngày giờ.

    - Advanced: Các thiết lập về CPU và các tính năng trên main như SATA, giao tiếp in/out…

    - Chipset: Các thiết lập về tính năng của chipset.

    - Boot: Các thiết lập về boot hệ thống như người dùng sử dụng nhiều thiết bị lưu trữ.

    - Security: Bảo mật chống người lạ thay đổi thiết lập của hệ thống.

    - O.N.E: Tất cả các nội dung liên quan đến OC CPU và OC RAM đều nằm ở đây và được chia làm 4 mục con là CPU Configuration, DRAM Configuration, Voltages Configuration và BIOSTAR Memory Insight.

    CPU Configuration là mục cho phép thiết lập thông số để OC CPU. Điểm trừ của Hi-Fi Z97Z7 là không có mục OC sẵn cho người mới tập ép xung.

    DRAM Configuration là mục dành cho ép xung RAM.

    Voltages Configuration chứa tất cả các thiết lập về điện áp phục vụ ép xung.

    - Save & Exit: Đây là mục mà Bios mọi bo mạch chủ đều có, để người dùng lưu thiết lập mới hoặc reset mọi thứ về mặc định. Ở đây có thể thấy BIOSTAR cung cấp cho người dùng 5 profile lưu thiết lập, thế nhưng hãng không cho phép người dùng đặt tên cho profile mà bắt buộc dùng các số thứ tự từ 1 tới 5.

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: BIOSTAR Hi-Fi Z97Z7

    Bộ xử lý: Intel Core i5-4670K

    Bộ nhớ trong: 2x 4 GB Kingston HyperX T1 1866

    Card đồ họa: Gigabyte GTX 960 G1 Gaming

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: 660W

    Khi hoạt động, đường mạch khu vực linh kiện audio phát sáng. Logo HiFi ánh lên màu đỏ đẹp mắt.

    Hiệu năng

    Trong phần này tôi sẽ thử nghiệm với 4 phần mềm:

    - 3DMark Vantage và 3DMark 11: Hai trình benchmark hiệu năng hệ thống và hiệu năng CPU thông dụng.
    - Cinebench R15: Trình benchmark đánh giá khả năng render.
    - Excel 2013: Đây là phần mềm văn phòng được sử dụng hàng ngày. Trong test này tôi vẽ biểu đồ từ 13000 số liệu và đo lại thời gian hoàn thành.

    Bộ xử lý sử dụng là Intel Core i5-4670K.

    Kết quả 3DMark Vantage. Bấm vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết quả 3DMark 11. Bấm vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết quả Cinebench R15. Bấm vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết quả Excel 2013. Bấm vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Ép xung

    Thông thường xung nhịp chạy hàng ngày mà các OCer hay sử dụng là 4,5 GHz. Mức này thì main nào cũng đạt được nên tôi bỏ qua, thử luôn với 4,7 GHz - mức cao nhất với đa số CPU socket 1150 (do giới hạn về nhiệt độ).

    Kết quả 3DMark Vantage: Hiệu năng CPU tăng lên 27%. Bấm vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết quả 3DMark 11: Hiệu năng CPU tăng lên 22%. Bấm vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết quả Cinebench R15: Hiệu năng tăng lên 27%. Bấm vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết quả Excel 2013: Hiệu năng tăng lên 28%. Bấm vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết luận

    Giá rẻ nhưng chất không hề rẻ, BIOSTAR Hi-Fi Z97Z7 là sản phẩm cực kỳ đáng mua nếu bạn ham thích OC mà hầu bao không dư dả. Dù giá thấp hơn tất cả bo mạch chủ khác trên thị trường, Hi-Fi Z97Z7 vẫn đeo trên mình nhiều tính năng hữu ích: 8 phase điện thoải mái ép xung, nút Power và Reset tích hợp sẵn trên main, kích thước full size đẹp và cứng cáp, tản nhiệt chipset và mosfet bóng bẩy cao cấp, có đèn LED báo mã lỗi và nhiệt độ…

    Ở giá trị cơ bản nhất của một bo mạch chủ Z97 là ép xung, Hi-Fi Z97Z7 làm quá tốt khi có thể vắt kiệt tiềm năng của các combo CPU (dòng K) tản nhiệt khí. Cụ thể, tôi có thể OC bộ xử lý Core i5-4670K lên 4,7 GHz, hệ thống chạy ổn định và hiệu năng tăng thêm 22 -> 28% tùy ứng dụng.

    Tuy nhiên về phần Bios, BIOSTAR làm chưa tròn vai. Thứ nhất: Họ không build các profile ép xung sẵn cho người mới tập OC. Đây là điều mà mọi bo mạch chủ Z97 khác tại Việt Nam đều thực hiện. Thứ hai: Bios cho phép người dùng save thiết lập của mình vào 5 profile được đánh số từ 1 tới 5, nhưng người dùng không thể đặt lại tên cho các profile này.

    Trên newegg, BIOSTAR Hi-Fi Z97Z7 đang được bán với giá 119 USD. Hiện tại nhà phân phối tại Việt Nam chưa nhập mã sản phẩm này, nhưng đã gửi sample cho tôi thì hẳn họ đang có kế hoạch trong thời gian tới. Nếu lên kệ với giá tầm 3,2 triệu đổ lại, chắc chắn Hi-Fi Z97Z7 sẽ chiếm được chỗ đứng trong một rừng sản phẩm Z97 hiện nay.

    Ưu:
    - Giá đẹp.
    - Full size ATX, đẹp và cứng cáp không thua các main Z97 tầm trung.
    - Tản nhiệt mosfet và chipset đầy đủ, hình dáng đẹp và sang trọng.
    - 8 phase điện, thừa đủ cho nhu cầu ép xung với tản nhiệt khí.
    - Tích hợp nút Power và Reset ngay trên main.
    - Có đèn LED báo lỗi và nhiệt độ CPU.
    - Tất cả cổng SATA đều thiết kế xoay ngang, hỗ trợ đi dây gọn gàng trong thùng máy.
    - Logo HiFi và khu vực linh kiện audio hiện LED đẹp mắt khi hoạt động.

    Nhược:
    - Bios chưa hỗ trợ cho người mới tập ép xung.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ