Hai đợt tăng với 2 mốc khác nhau, nguyên nhân thực tế là do đâu?
Trong những ngày vừa qua, cả thị trường tiền tệ mã hóa (cryptocurrency) liên tục đón nhận những tín hiệu tốt khi dần phục hồi mức đỉnh đạt được 1 tháng trước. Một nguyên nhân chính mà cả cộng đồng công nhận là sự phục hồi của “anh cả” Bitcoin, nhưng nguyên nhân đằng sau sự phục hồi này là gì, bởi một giải pháp cho cả hệ thống được chấp nhận, hay có điều gì mà chúng ta chưa được biết?
Còn nhớ, ở thời điểm cách đây 2 tuần, Bitcoin vẫn đang trên đà “tụt dốc không phanh” khi lần đầu giảm giá trị xuống tận mức 1.758 USD/ 1 BTC. Nhưng những ngày tiếp sau đó, chúng ta lại được chứng kiến Bitcoin phục hồi lại ổn định ở mức 2.300 – 2.400 USD. Cùng với đó là sự phục hồi của những đồng tiền ảo mạnh khác, ví như Ethereum: từ việc chạm mức thấp nhất trong vòng gần 2 tháng (133 USD), Ethereum đã phục hồi lại mức ổn định 230 USD rất nhanh.
Ở thời điểm đó, nhiều người cho rằng chính Bitcoin đã đi xuống, kéo theo cả thị trường tiền ảo đi xuống, và cũng ngay sau đó kéo theo những loại tiền ảo khác đi lên. Nguyên nhân chủ yếu của lần tăng giá trị này, theo giới quan sát, đến từ tỉ lệ đồng thuận cao cho giải pháp SegWit2x. Đây là một giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề quy mô của Bitcoin, là yếu tố sống còn trong việc điều chỉnh giá trị của Bitcoin so với những đồng tiền ảo khác.
Đã có nhiều giải pháp từng được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề này nhưng chưa thành công, từ đó nội bộ các tổ chức quản lý Bitcoin càng “chia năm xẻ bảy”. Có 2 ý tưởng chính nhận được sự ủng hộ của các bên về cách giải quyết vấn đề quy mô. Cách đầu tiên đơn giản là tăng kích cỡ block (khối), còn cách thứ hai thì dài hạn hơn: chuyển một số dữ liệu ra ngoài hệ thống mạng chính. Cách làm này được biết đến rộng rãi dưới cái tên Segregated Witness – SegWit. SegWit đã từng bị từ chối nhiều lần bởi giới đào Bitcoin bởi ảnh hưởng của họ sẽ bị giảm hẳn nếu toàn bộ hệ thống áp dụng cách này.
Tỉ lệ block SegWit2x trong các block mới cực cao
Cho đến mãi những ngày gần đây, chúng ta mới được chứng kiến dấu hiệu thỏa hiệp: hai phe đang tỏ ra dấu hiệu chấp nhận giải pháp SegWit2x. Về cơ bản, SegWit2x mang đúng cách làm của giải pháp SegWit, với kích cỡ block được tăng lên gấp đôi: 2 MB. Điều kiện đầu tiên của SegWit2x – BIP91 - đã nhận được hỗ trợ từ hầu hết những cái tên lớn, ví như AntPool, BTC hay Bixin.
Nếu như nguyên nhân của đợt phục hồi giá trị Bitcoin về mức 2.300 – 2.400 USD (thậm chí đạt đỉnh 2.500 USD) là SegWit2x, thì nguyên nhân thực sự của đợt tăng giá tiếp theo vẫn là chủ đề nhiều người tranh cãi. Một bộ phận cả những nhà đầu tư, hay các chuyên gia tiền ảo thì cho rằng đợt tăng này vẫn là do SegWit2x. Theo lý luận của họ, giá Bitcoin tăng lên khi chúng ta ngày càng tiến gần đến thời điểm SegWit2x chính thức “lên sàn” – ngày 1/8 tới, và Bitcoin có giá trị như vậy (ổn định ở mức 2.700-2.800 USD) là hoàn toàn hợp lý.
Nhưng nhiều người hoạt động trong giới trao đổi tiền ảo lại cho rằng đang có dấu hiệu lũng đoạn từ những tổ chức “cá mập”. Những tổ chức dạng này nắm trong tay lượng tiền tệ ảo đủ loại với số lượng cực lớn, cũng như có hậu thuẫn tài chính dồi dào, đủ để gây ra những biến động lớn lên cả thị trường bằng những thao tác “pump and dump” đầy khó lường. Giới trader tiền ảo rất ghét và luôn chú ý những biến động từ “cá mập”, nên không thể nói họ hoàn toàn vô lý.
Hãy quan sát một lần biến động tỉ lệ quy đổi BTC-USD trong ngày 25/7 ở ảnh trên, bạn sẽ thấy một pha rớt giá lên tới gần 4% - khoảng 100 USD - chỉ trong ít phút. Đó là chuyện “như cơm bữa” với những người trao đổi Bitcoin. Khi bạn đối mặt với "hiểm nguy rình rập" như vậy, làm sao có thể tin vào "điều thần kỳ" như SegWit2x? Chưa kể, ở thời điểm hiện tại, BIP91 đã được số đông chấp nhận, nhưng thực tế là còn cần nhiều thời gian nữa - ít nhất là vài tháng - cho tới khi SegWit2x thực sự "thống nhất" được Bitcoin.
Vẫn biết rằng thị trường tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng luôn đầy rẫy những biến động khó lường, nhưng quả thực những biến động đặc thù của Bitcoin vẫn gây ra quá nhiều tranh cãi. Với bản chất bí mật của Bitcoin, khó có thể xác định minh bạch những biến động tới từ đâu, hay như thế nào. Nhưng cũng vì thế, Bitcoin luôn khiến chúng ta bất ngờ với biến động của nó dù là trồi hay sụp. Có thể chúng ta sẽ thấy Bitcoin vượt mốc 4.000 USD như dự báo của Goldman Sachs, cũng có thể chúng ta sẽ thấy Bitcoin lại về dưới mức 2.000 USD.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời