Bkav công bố tình trạng đáng lo ngại của Internet Việt Nam do sử dụng thiết bị Trung Quốc

    PV,  

    Nghiên cứu của tập đoàn này về tình trạng an ninh đối với 21 triệu thiết bị định tuyến Internet (router) trên toàn thế giới cho thấy hơn 5,6 triệu router trên khắp thế giới đang chứa lỗ hổng. Riêng tại Việt Nam, con số này là 300 nghìn, có nghĩa là 300 nghìn hệ thống mạng của các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ về an ninh mạng.

    Hơn 300 nghìn thiết bị định tuyến Internet tại Việt Nam đang chứa lỗ hổng, trong đó trên 90% được sản xuất tại Trung Quốc - là số liệu vừa được Bkav công bố dựa trên một nghiên cứu quy mô lớn.

    Theo Bkav, trong số các loại lỗ hổng trên router, lỗ hổng nguy hiểm thường gặp tồn tại trong cơ chế xác thực của trang quản trị. Lợi dụng dạng lỗ hổng này, hacker có thể vượt qua cơ chế xác thực, chiếm quyền kiểm soát router. Ngoài ra, một số loại router cho phép truy cập vào trang cấu hình DNS mà không cần đăng nhập, hacker có thể thay đổi DNS của router về server giả mạo, từ đó kiểm soát toàn bộ truy cập web của những người dùng trong mạng. Người dùng có thể bị tấn công bằng các hình thức tấn công MitM, Phishing để ăn cắp tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, email...

    Router hay còn gọi là bộ định tuyến, là thiết bị mạng máy tính dùng để chuyển các gói dữ liệu qua một liên mạng và đến các đầu cuối. Nói một cách dễ hiểu, truy cập Internet của hầu hết các gia đình, văn phòng hiện nay đều được thực hiện thông qua kết nối tới các router bằng dây LAN hoặc Wifi.

    Theo Bkav, từ năm 2014, nhiều lỗ hổng an ninh trên router được phát hiện và công bố rộng rãi, trong số này có những lỗ hổng cho phép tin tặc dễ dàng chiếm quyền điều khiển hệ thống từ xa, được Bkav gọi chung là Pet Hole.

    "Chúng tôi dự đoán rất nhiều các router của người dùng có thể chưa hề được vá lỗ hổng Pet Hole, bởi vì việc vá lỗ hổng trên các thiết bị mạng khó khăn hơn nhiều so với vá lỗ hổng trên phần mềm. Điều này thôi thúc Bkav thực hiện một nghiên cứu với hơn 21 triệu router có nguy cơ tồn tại lỗ hổng trên khắp thế giới để tìm câu trả lời, đồng thời đưa ra cảnh báo và hướng dẫn khắc phục" - Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho biết.

    Trên cơ sở đó, nghiên cứu của Bkav đã được tiến hành bằng cách xây dựng riêng một hệ thống cho dự án này gọi là Pet Hole Checker (PHC) nhằm quét từng IP trong cơ sở dữ liệu 21.465.118 router trên toàn cầu theo cách không lấy về mật khẩu quản trị của router, mà chỉ trả về 2 trạng thái YES và NO, với YES đồng nghĩa với việc router có lỗ hổng và có thể bị khai thác, và NO là router an toàn trước lỗ hổng.

    Kết quả nghiên cứu của Bkav chỉ ra trong số 5,6 triệu hệ thống mạng trên thế giới tồn tại lỗ hổng Pet Hole, Ấn Độ, Indonesia, Mexico "dẫn đầu" về số lượng router có lỗ hổng. Việt Nam cũng nằm trong Top 5 quốc gia có số router bị lỗ hổng nhiều nhất, trong khi đó hầu hết các quốc gia thuộc nhóm G8 không thuộc Top 10 quốc gia có hệ thống tồn tại lỗ hổng nhiều nhất.

    Hơn 90% router có lỗ hổng được sản xuất tại Trung Quốc

    Một điểm đáng lưu ý trong nghiên cứu của Bkav đưa ra là 93% các router có lỗ hổng được sản xuất tại Trung Quốc, trong đó xếp "đầu bảng" là các router của TP-Link – chiếm 75%, tiếp đó là ZTE (13%), Huawei (3%), D-Link (2%).

    Theo Bkav, các lỗ hổng được xem xét trong nghiên cứu đều được công bố rộng rãi từ giữa năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm thực hiện nghiên cứu, tức là sau 2 năm, thì rất nhiều những model router mới nhất bán trên thị trường vẫn chưa được cập nhật bản vá.

    Bkav đưa ra nghi vấn phải chăng nhà cung cấp cố tình để ngỏ cửa ngõ để khi cần thì có thể can thiệp lấy thông tin, làm tê liệt hệ thống, hoặc thực hiện rất nhiều những hành động không minh bạch khác?

    Bkav cũng cho biết các lỗ hổng này thậm chí nguy hiểm hơn Heartbleed – một trong những lỗ hổng bảo mật lớn nhất trong lịch sử Internet. Bởi vì, trong khi với Heartbleed phải là người có trình độ chuyên gia về an ninh mới có thể khai thác thành công, thì khai thác Pet Hole chỉ cần kỹ năng cơ bản.

    Theo hãng này, chỉ với một vài hướng dẫn, thậm chí người sử dụng với ít kiến thức về an ninh mạng cũng có thể tấn công một router có lỗ hổng mà không gặp bất kỳ khó khăn nào; một hacker nghiệp dư cũng có thể khai thác thành công để chặn thông tin trao đổi của người dùng, chuyển hướng truy cập DNS để điều hướng đến website mà chúng mong muốn... Hơn nữa, trong khi việc vá lỗ hổng Heartbleed tương đối đơn giản thì vá Pet Hole phức tạp hơn rất nhiều.

    "Router giống như cánh cửa kết nối người dùng đến Internet. Việc hơn 300 nghìn hệ thống tại Việt Nam có lỗ hổng thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Nếu một quốc gia có mưu đồ gián điệp quốc gia khác, họ hoàn toàn có thể thực hiện việc này thông qua cửa ngõ router", ông Ngô Tuấn Anh nhận định.

    Bkav đồng thời cung cấp công cụ kiểm tra lỗ hổng Pet Hole và hướng dẫn khắc phục tại địa chỉ PetHole.net. Người dùng Việt Nam có thể sử dụng công cụ này để kiểm tra hệ thống router của mình, bao gồm cả các modem WiFi được tích hợp router.

    Theo ICTPress

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ