Bloomberg: Vì một thế giới không Covid-19, hãy ngừng…hôn nhau!

    AB, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 

    Nhiều chuyên gia dịch tễ học cho rằng việc hạn chế tiếp xúc cơ thể có thể làm chậm quá trình lây lan dịch bệnh Covid-19.

    Bloomberg: Vì một thế giới không Covid-19, hãy ngừng…hôn nhau! - Ảnh 1.

    Ảnh minh họa

    Vào năm 1439, Vua Henry VI của Anh đã ban hành lệnh cấm hôn nhau nhằm chống lại bệnh dịch hạch đang hoành hành khắp cả nước.

    Ngày nay, khi cả thế giới đang tìm cách chống lại dịch Covid-19, một số quan chức y tế cũng cho rằng mọi người nên giảm thiểu những hành động tiếp xúc thân mật nhằm tránh sự lây lan của dịch Corona.

    Nhiều chuyên gia dịch tễ học cho rằng việc hạn chế tiếp xúc cơ thể có thể làm chậm quá trình lây lan dịch bệnh Covid-19, vốn đã khiến hơn 2.700 người thiệt mạng và lây cho hơn 80.000 người trên thế giới. Các chuyên gia cũng khuyến cáo thói quen chào hỏi nhau bằng những cái ôm hôn tại các nước Phương Tây như Mỹ. Thậm chí việc đập tay nhau ăn mừng hay hôn lên má thân mật chào hỏi tại Pháp và Italy cũng bị khuyến cáo là nên hạn chế.

    "Rõ ràng nếu virus đang lây lan trong cộng đồng của bạn thì đây là một giải pháp khôn ngoan. Đó rõ ràng là một trong vài biện pháp chủ động mà bạn có thể làm để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh", chuyên gia Michael Osterholm về dịch bệnh lây truyền tại trường đại học Minnesota nhấn mạnh.

    Tại Italy, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh với 7 người tử vong và virus lây lan qua đường ho, hắt hơi từ người bệnh thì mọi người đã bắt đầu chú ý hơn đến việc tiếp xúc lẫn nhau. Cô Giorgia Nigri, chuyên gia kinh tế 38 tuổi tại thủ đô Rome cho biết mọi người hiện nay đã giảm việc tiếp xúc quá thân mật hay những hành vi chào hỏi nhau theo cách truyền thống.

    "Các diễn đàn bắt đầu khuyến cáo mọi người không nên thơm má chào hỏi nhau như thường lệ. Ban đầu tôi cũng không để ý và có chút buồn khi mọi người từ chối chào nhau kiểu vậy nhưng với những người lạ, việc hạn chế tiếp xúc này có vẻ hợp lý", cô Nigri cho biết.

    Một số nhà thờ tại Italy thậm chí đã ngừng việc ban bánh thánh vào miệng các con chiên, thay vào đó là đặt vào bàn tay của họ. Một số nhà thờ khác thì hủy bỏ hoàn toàn các nghi thức này nhằm chống lây lan dịch bệnh.

    Các quan chức y tế tại Singapore, Ấn Độ, Nga và Iran đều đã công khai khuyến nghị người dân hạn chế ôm, hôn hay thậm chí bắt tay nhau khi dịch Covid-19 đang lây lan một cách phức tạp.

    Tại Anh, chuyên gia nghiên cứu John Oxford khuyên người dân hãy giữ thái độ lạnh nhạt hơn dù có thể không lịch sự khi chào hỏi nhau, tránh những cử chỉ quá thân mật.

    "Chúng ta cần thay đổi thói quen vì mạng sống của những người khác. Tôi đề nghị mọi người hãy nghe theo khuyến cáo cho đến khi dịch bệnh được giải quyết", chuyên gia Oxford, đồng thời là giảng viên của trường đại học Queen Mary University tại thủ đô London-Anh, nhận định.

    Tại một số quốc gia như Nhật Bản, việc chào hỏi nhau bằng cách cúi đầu khiến mọi người dễ dàng tránh được sự lây lan qua các cử chỉ xã giao thân mật. Trong khi đó tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nói rằng mọi người nên hạn chế bắt tay nhằm tránh lây lan dịch Covid-19.

    Bloomberg: Vì một thế giới không Covid-19, hãy ngừng…hôn nhau! - Ảnh 2.

    Hiện Tổ chức y tế thế giới (WHO) chưa khuyến nghị về việc hạn chế tiếp xúc xã giao thân mật như ôm hôn nhưng những hướng dẫn của tổ chức này về phóng chống dịch cho thấy đây có thể là một ý tưởng không tồi.

    Cụ thể, WHO khuyến cáo người dân không tiếp xúc thân mật với những người có triệu chứng lây bệnh và giữ khoảng cách ít nhất 1m. Chuyên gia Bruce Aylward của WHO được cử đến Vũ Hán mới đây cũng đã nhấn mạnh việc giữ khoảng cách khi tiếp xúc xã giao nhằm tự bảo vệ bản thân và làm chậm quá trình lây lan của dịch bệnh.

    Chuyên gia dịch tễ học Arnaud Fontanet của Viện Institute Pasteur tại Paris thì khuyến nghị người dân nên hành xử đúng mực trong mùa dịch, như lấy tay che miệng khi ho, chỉ sử dụng một chiếc khăn nhằm tránh vứt bừa bãi gây lây nhiễm hay việc rửa tay thường xuyên.

    Một số nhà khoa học hiện đang lo ngại virus Corona có thể lây qua các khẩu trang thông thường do kích thước quá nhỏ. Trái với dịch Sars hay Mers trước đây, người mắc bệnh Covid-19 không có triệu chứng nhiễm bệnh ngay lập tức, qua đó gây khó khăn cho quá trình phát hiện cũng như ngăn chặn lây lan.

    "Cuộc chiến chống dịch này đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người chứ không riêng gì các y bác sĩ và nhà khoa học. Chỉ cần có 1 người nhiễm bệnh thôi là mọi thứ sẽ trở nên vô cùng tồi tệ trong cộng đồng", chuyên gia Oxford cho biết.

    Bloomberg: Vì một thế giới không Covid-19, hãy ngừng…hôn nhau! - Ảnh 4.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày