BMW sẽ trở thành hãng xe nước ngoài đầu tiên nắm quyền kiểm soát một doanh nghiệp Trung Quốc

    Nguyễn Hải,  

    Tuy nhiên, có thể phải đến năm 2022, thời điểm Trung Quốc dỡ bỏ các giới hạn về đầu tư nước ngoài, việc gia tăng kiểm soát của BMW trong liên doanh với Brilliance mới trở thành hiện thực.

    Thứ Năm vừa qua, BMW cho biết họ sẽ chi ra 3,6 tỷ Euro để nâng tỷ lệ cổ phần của mình trong liên doanh với hãng xe Trung Quốc của mình, từ 50% lên 75%. Thỏa thuận này sẽ cho phép BMW trở thành hãng xe nước ngoài đầu tiên nắm quyền kiểm soát một doanh nghiệp ở Trung Quốc.

    Theo chủ tịch Harald Krueger cho biết trong buổi giới thiệu về chiến lược của BMW Trung Quốc tại tỉnh Liêu Ninh, hãng xe hạng sang này của Đức nhắm đến việc củng cố bộ phận kinh doanh đang tăng trưởng ở Trung Quốc của mình.

    BMW sẽ trở thành hãng xe nước ngoài đầu tiên nắm quyền kiểm soát một doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh 1.

    Cho dù vẫn chưa có lịch trình cụ thể, nhưng thỏa thuận lập nên BMW Brilliance Automotive – công ty có đồng sở hữu là hãng Brilliance China Automotive Holdings – sẽ được chấp thuận vào năm 2022, thời điểm Bắc Kinh cho biết họ sẽ dỡ bỏ các hạn chế về đầu tư để cho phép nhà sản xuất xe nước ngoài này nắm phần lớn cổ phần trong liên doanh với công ty địa phương.

    Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác ở Trung Quốc, những hãng có xu hướng dựa nhiều vào các đối tác địa phương đầy quyền lực hơn, sẽ thận trọng hơn với các thỏa thuận kiểu này. Trong khi đó, thỏa thuận này sẽ đặt BMW ở vai trò dẫn dắt trong liên doanh này, cũng như cho phép họ có được phần chia lợi nhuận lớn hơn.

    Vào thứ Năm vừa qua, nhà sản xuất ô tô cho biết, họ sẽ kéo dài hợp đồng của mình với Brilliance đến năm 2040, và đầu tư hơn 3 tỷ Euro nữa cho các nhà máy mới và các nhà máy hiện tại ở Trung Quốc, nhắm đến việc tăng cường năng lực sản xuất hàng năm của BMW, từ 450.000 xe lên 650.000 xe. Hãng xe Đức cho biết, nỗ lực này sẽ tạo ra 5.000 việc làm mới. Các đối tác cũng sẽ gia tăng thêm nỗ lực để phát triển xe điện và các phương tiện sử dụng năng lượng mới.

    BMW sẽ trở thành hãng xe nước ngoài đầu tiên nắm quyền kiểm soát một doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh 2.

    Bên trong nhà máy của BMW tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

    Trung Quốc là thị trường lớn nhất của BMW, vượt qua chính quê hương của hãng xe này, và dự kiến tốc độ tăng trưởng cho xe hạng sang còn cao hơn nữa. Doanh số từ thị trường Trung Quốc của họ đã tăng vọt 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 590.000 xe trong năm 2017. Nhưng họ vẫn phải đối mặt với nhiều cạnh tranh từ hãng đồng hương Daimler, hãng đang sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz, và đối thủ Trung Quốc, Zhejiang Geely Holding Group, hãng sở hữu thương hiệu Volvo của Thụy Điển.

    Thỏa thuận vào thứ Năm vừa qua được xem như một phần trong chiến lược đáp trả chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. Năm ngoái, BMW đã xuất khẩu gần 80.000 xe thể thao đa dụng được sản xuất trong các nhà máy tại Mỹ ở Trung Quốc, nhưng gần đây hãng đã buộc phải tăng giá sau khi chính phủ Trung Quốc tăng thuế đánh vào các xe sản xuất tại Mỹ. Việc nâng tỷ lệ cổ phần trong liên doanh và tăng cường công suất sản xuất tại Trung Quốc sẽ giúp họ giảm phụ thuộc vào các nhà máy tại Mỹ.

    BMW sẽ trở thành hãng xe nước ngoài đầu tiên nắm quyền kiểm soát một doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh 3.

    Các hãng xe nước ngoài khác ở Trung Quốc – như Volkswagen, Ford Motor, General Motors, Toyota Motors và Nissan Motor – đang tỏ ra do dự trước việc nắm phần lớn quyền sở hữu trong các liên doanh với đối tác Trung Quốc, do lo ngại phải xử lý với các quy định đặc thù tại địa phương và phản ứng từ các đối tác của mình. Nhiều nhà sản xuất ô tô nước ngoài thường kết hợp với các công ty nhà nước đầy quyền lực như Dongfeng Motor Group và SAIC Motor.

    Phần lớn các công ty nước ngoài phụ thuộc vào các đối tác Trung Quốc trong liên doanh để xử lý với các quy định của chính phủ và công đoàn. Hơn nữa, các đối tác này cũng thường lo ngại đến việc mất quyền kiểm soát. Nhưng trong trường hợp của BMW, Brilliance lại tương đối nhỏ, do đó theo một nguồn tin thân cận, thỏa thuận này ít phải đối mặt với sự phản đối.

    Bên cạnh lĩnh vực ô tô, chính phủ Trung Quốc cũng cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế đầu tư trong lĩnh vực đóng tàu, sản xuất máy bay, năng lượng, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, giao thông và logistic. Mục đích của việc này dường như để cho thấy sự cởi mở của Trung Quốc giữa cuộc chiến thương mại với Mỹ, cũng như thu hút các công ty nước ngoài để kích thích kinh tế trong nước.

    Tham khảo Nikkei Asia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ