Bố bị tiểu đường không thể tiếp cận được chữa trị y tế tốt, chàng trai Việt lập ra ứng dụng 'thăm bệnh' chỉ bằng gọi điện và nhắn tin

    Vân Đàm, Theo Trí Thức Trẻ 

    Ứng dụng Việt eDoctor hướng tới việc cho phép bệnh nhân tiếp cận với các thông tin về chăm sóc sức khỏe và kết nối với bệnh nhân, bệnh viện và nhà thuốc.

    Hai nhà đồng sáng lập Đặng Công Nguyên và Vũ Thành Long thành lập nên ứng dụng này bởi họ nhận thấy người dân sống tại các vùng quê ở Việt Nam thường phải di chuyển rất xa để tới các cơ sở khám chữa bệnh tại thành phố. Khoảng cách xa cùng thời gian đi lại không chỉ gây tốn kém tiền bạc mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người bệnh.

    Bản thân anh Nguyên chia sẻ do bố bị mắc bệnh tiểu đường nên anh hiểu hơn ai hết những khó khăn kể trên.

    “Vì sống ở ngoại ô, xa bệnh viện nên cha Nguyên không nhận được chữa trị y tế kịp thời và các thành viên trong gia đình cũng không biết những kiến thức quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân tiểu đường. Do đó, cha của Nguyên đã phải rất khổ sở để chiến đấu với căn bệnh trong khi đó việc này đáng lẽ không xảy ra nếu có những hỗ trợ về y tế tốt hơn”, anh Đỗ Sơn Hà, Giám đốc sản phẩm của eDoctor, cho biết.

    eDoctor ra đời hướng tới việc giải quyết những trường hợp tương tự như của gia đình anh Nguyên. Thông qua ứng dụng này, người bệnh có thể kết nối với bác sĩ bằng cách gọi điện, nhắn tin. “Người dùng cũng có thể lưu trữ và theo dõi hồ sơ bệnh án của mình cũng như của gia đình, người thân”, anh Hà cho biết.

    Anh Hà cũng chia sẻ eDoctor được thiết kế để giúp người dùng tiếp cận những thông tin về chăm sóc y tế với sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa – những người sẽ trở thành bác sĩ gia đình của họ.

    Qua ứng dụng này, nhiều phụ huynh trẻ đã nhờ các bác sĩ tư vấn về phương pháp chăm sóc trẻ với chế độ dinh dưỡng và vui chơi hợp lý.

    Dù ý tưởng và mục tiêu của eDoctor khá hấp dẫn nhưng công ty này hiện đang đối mặt với thách thức từ nhiều phía.

    Thứ nhất, việc tìm được các bác sĩ chuyên khoa lành nghề trong từng lĩnh vực và thu hút họ tham gia ứng dụng không phải điều dễ dàng. Vì vậy, eDoctor phải đưa ra chương trình “bác sĩ giới thiệu bác sĩ” để chiêu mộ thêm cho đội ngũ chuyên gia y tế của mình.

    Ông Nguyên cho biết thu nhập mà bác sĩ nhận từ eDoctor không phải yếu tố chính để thuyết phục họ tham gia dự án mà quan trọng là với giải pháp về công nghệ và kết nối thông tin của eDoctor, họ có thể chăm sóc bệnh nhân hiệu quả đồng thời chủ động về thời gian làm việc.

    Còn về phía người dùng, khó khăn là họ không biết chính xác khi nào nên sử dụng eDoctor. Công ty này cho biết, thông thường một người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm. Tuy nhiên, họ cũng nên xin tư vấn bác sĩ ngay khi có các mối quan tâm về sức khỏe như dinh dưỡng, luyện tập, ốm đau theo mùa… Theo eDoctor, đây là ứng dụng nên được dùng để phòng bệnh thay vì chỉ dùng khi có bệnh mới chữa.

    Hiện nay, eDoctor thu hút người dùng chủ yếu qua facebook và cách này tỏ ra tương đối hiệu quả.

    “Quảng cáo Facebook mang về cho chúng tôi hơn 150.000 người dùng”, anh Hà nói, đồng thời cho biết mục tiêu của eDoctor là đạt 500.000 người dùng.

    Mới đây, eDoctor được chấp thuận vào chương trình Launchpad Accelerator - chuỗi chương trình đào tạo và hỗ trợ của Google dành cho giới khởi nghiệp. Anh Hà cũng cho biết một trong những mục tiêu tiếp theo của eDoctor là phát triển “các sản phẩm đeo trên người thông minh giúp người sử dụng cập nhật tình hình sức khỏe theo thời gian thực”.

    Với những thành công ban đầu tại Việt Nam của eDoctor, tờ Inc. nhận định sẽ có thêm nhiều doanh nhân đầu tư phát triển công nghệ y tế tại khu vực Đông Nam Á. Anh Hà cho biết nhiều khách hàng sẵn sàng trả tiền để sử dụng dịch vụ liên quan tới công nghệ y tế. Tuy nhiên, khó khăn của các công ty là cung cấp dịch vụ tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân.

    Nhìn chung, anh Hà chia sẻ: “Thị trường chăm sóc sức khỏe vô cùng lớn nhưng chỉ giành cho người biết nỗ lực cống hiến hết mình cho khách hàng”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ