Bố mẹ đắm chìm vào TikTok, ảo tưởng nổi tiếng khi con biết nhảy nhạc “giật giật”: Không chỉ Gen Z mới hồn nhiên như thế!
Các bậc phụ huynh luôn than phiền sao con cái “nghiện” điện thoại, mê xem TikTok nhưng lại không nghĩ nguyên nhân cũng từ mình mà ra.
- Nữ nhạc sĩ mắc chứng động kinh: Họ gọi cô là phù thủy với những ngón tay tự chúng biết chơi nhạc
- CEO TikTok bất ngờ hot khắp mạng xã hội vì vẻ ngoài điển trai: Phong thái, khí chất chuẩn tổng tài như “xé sách” bước ra
- Chatbot tẻ nhạt là chủ đích của Google: Tình nguyện chậm chân, không muốn biến người dùng thành 'chuột lang thí nghiệm'
Nếu bạn vẫn đang nghĩ, TikTok chỉ dành cho đối tượng trẻ trung, “choai choai” thì bạn đã nhầm. TikTok ngày nay như trở thành một hệ sinh thái toàn năng, dù chỉ là những video ngắn ngủn nhưng lại có sức hút cực kì lớn và hướng đến đa dạng lứa tuổi người dùng. Không những vậy, dù vô tình hay cố ý thì chúng vẫn phải thừa nhận, rơi vào “ma trận” TikTok sẽ rất khó bỏ hay nói theo phong cách giới trẻ thì “nghiện là dở rồi!”.
Bà của đứa bạn tôi năm nay đã 80 tuổi. Ban đầu, bà được đứa cháu rủ selfie bằng những hiệu ứng ngộ nghĩnh trên TikTok, thi thoảng quay vài clip nhép miệng vui vui. Thế mà chẳng hiểu sao lâu dần bà lại hỏi, cứ hễ nhìn thấy cháu là đòi quay “tóp tóp”. Rồi còn tò mò xem video nếu được đăng tải lên mạng có hot không, có ai bình luận gì không,...
Bố mẹ tôi cũng đã 60 tuổi, dùng Facebook vẫn còn chưa thành thạo nhưng lướt TikTok thì “thần sầu” không kém. Mẹ tôi chìm đắm vào những livestream bán hàng đủ thể loại, nghe đọc tin tức và một vài clip giải trí đúng kiểu người lớn thích xem dù tôi thấy thật “í ẹ”. Còn bố thì không dứt ra được loạt video sửa chữa máy ảnh, chụp ảnh, thi thoảng là tổng hợp những ca khúc bolero.
Anh chị mà tôi quen biết đang ở độ tuổi ngoài 30, là những người thuộc thế hệ 8x. Thời gian đầu, họ có ánh nhìn gay gắt, chê TikTok chỉ dành cho Gen Z rảnh rỗi, tốn thời gian. Nhưng cũng chẳng biết thế nào, giờ lại mê đến nỗi ngồi đâu cũng lướt. Họ hay tự nhận mình là lứa tuổi “quá lứa lỡ thì”, không già cũng chẳng trẻ nên thành ra nội dung nào cũng xem được. Cứ lướt liên tục, thấy cái gì thú vị, hợp ý thì dừng lại xem. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng ngốn cả tiếng đồng hồ chỉ vì suy nghĩ: “Mỗi video có 15 giây, xem tí thôi ấy mà”.
Để minh chứng này thiết thực hơn, không thể không nhắc đến đứa cháu 5 tuổi của tôi. Bằng một cách nào đó, chỉ vô tình nhìn thấy ứng dụng trong điện thoại của tôi nó cũng nhận ra và hét lên: “TikTok kìa, dì cho con xem đi”... Chưa kể, có hôm nó đi học về, tôi thấy nó nghêu ngao: “Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhé”... vậy là tôi biết tương lai nó cũng sẽ mê đắm “bộ môn” này.
Ai cũng bảo chỉ rảnh mới xem nhưng một khi đã vào thì mấy tiếng sau mới thoát ra
Đấy, bằng cách này hay cách khác, đã lỡ dính vào “chất gây nghiện” thì quả thực rất khó để thoát ra. Chỉ cần lập 1 tài khoản bất kỳ, thậm chí còn chẳng cần để tên thật, cứ để nguyên nick là @user29389xx cũng đã có thể vừa xem vừa “bình loạn” trên nền tảng này.
Nhiều người còn tấm tắc khen rằng, TikTok thật thú vị khi biết người dùng muốn xem gì, đáp ứng đủ mọi nhu cầu dù mới chỉ nhen nhóm trong suy nghĩ khiến họ cứ bị cuốn vào. Không những vậy, rõ là ai cũng biết trên đó có những nội dung hết sức vô tri nhưng họ vẫn xem. Bảo một ngày không vào sẽ thấy day dứt, khó chịu và thiếu thiếu. Đúng chuẩn biểu hiện của một người “nghiện”!
“Vừa ăn sáng vừa xem một lát rồi mới đi làm”.
“Giờ nghỉ trưa ở công ty, không buồn ngủ nên xem cập nhật tình hình chút”.
“Trước khi đi ngủ, nhất định phải xem một tí mới ngủ ngon được”.
… Là loạt câu trả lời nhận được khi hỏi ai đó về tần suất xem TikTok. Có thể thấy, ai cũng nói “một chút”, “một lát”, “một tí thôi” nhưng có thể lên hàng tiếng đồng hồ. Thậm chí, có người còn quên ăn, quên uống, quên cả làm việc vì lỡ ấn vào ứng dụng.
Hương Trà (26 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Lộ trình buổi sáng thức dậy là mở mắt, cầm điện thoại và vào TikTok. Để hỏi lý do vì sao thì thật khó giải thích, nó như một thói quen đã đi sâu vào tiềm thức. Thậm chí làm vệ sinh cá nhân mình cũng mang theo điện thoại, xem hết clip này lại lướt để chuyển qua nội dung khác. Có hôm cũng vì xem mà mình đi làm muộn 30 phút”.
Hay như với chị Thu Trà, bản thân không quá nghiện nhưng chồng lại cực mê “tóp tóp”. Dù chỉ mới biết đến ứng dụng này khoảng 1 năm nhưng bất kể thời gian nào cũng có thể cầm điện thoại và lướt: “Vừa về tới nhà chưa kịp rửa mặt là nằm lên sofa xem TikTok. Nhờ chăm con thì 5 phút sau đã thấy để con nằm tự chơi, bố cầm điện thoại lướt cái gì thì ai cũng biết rồi đó. Nói chung bất cứ khi nào thuận tiện chồng mình sẽ xem. Mình nghĩ giây phút anh không nghĩ đến chắc có lẽ là lúc ngồi trên xe máy chạy ngoài đường”.
Đối với nhiều người, xem TikTok là một cách để “giết thời gian” hiệu quả nhất. Bởi trên đó không bao giờ thiếu nội dung để xem. Hay như với người lớn tuổi, chỉ cần có tiếng video nói bên cạnh, thể loại gì cũng được, đỡ nhàm chán là chính.
“Cô bán hàng trên chợ nhiều khi không có khách, xem phim mãi cũng hết nên mở cái này (PV - TikTok) ra để nghe nói nói cho vui. Ngày nào cũng mở, đôi khi ngủ gật nhưng điện thoại vẫn cứ thể chạy”, cô Phương (56 tuổi) cho hay.
Cũng có không ít bố mẹ, các bậc phụ huynh lựa chọn đây là cách để “giải vây” cho chính mình. Tức là, khi không biết chơi gì cùng con cái hay đang bận rộn một việc gì đó, họ sẽ đưa cho con điện thoại để tùy nghi sử dụng. Thay vì YouTube với những phim hoạt hình, bài nhạc trẻ con xem mãi cũng nhàm thì TikTok là một miếng bánh ngon với lũ trẻ.
Chị Lan Anh (33 tuổi) chia sẻ: “Bản thân vợ chồng mình cũng hay xem TikTok nên các con không ít lần ngó vào rồi xem cùng. Lúc nào bận thì thôi chứ rảnh là mình nhất định phải lướt vài video. Cứ vậy thành quen, nhiều lúc bận quá mà các con nhèo nhẹo đòi chơi cùng, mình đành mở TikTok cho các con xem để chúng giữ im lặng. Đương nhiên vẫn hạn chế nhưng không thể tránh tuyệt đối 100%”.
Ảo tưởng trở thành “hot mom”, “hot dad” trên TikTok
Không chỉ riêng Lan Anh, ngoài kia có rất nhiều phụ huynh đã và đang “nghiện” TikTok, sử dụng ứng dụng này làm công cụ để dỗ dành con cái. Tuy nhiên, nhóm này cũng có thể chia thành 3 kiểu khác nhau.
Một số phụ huynh sẽ lướt trong vô thức, lướt vì đam mê chứ không áp dụng quá nhiều vào cuộc sống thường ngày. Kiểu thứ 2 phải kể đến nhiều cha mẹ lựa chọn TikTok là nơi để học hỏi, tham khảo cách dạy con khoa học từ những gia đình khác. Và cuối cùng là những cha mẹ “ảo tưởng”, mong muốn trở thành những hot mom, hot dad trên MXH.
Đối với những bố mẹ thuộc kiểu thứ nhất, TikTok với họ là vô hại. Họ thừa nhận bản thân “nghiện” nhưng chỉ dùng để giải trí. Chẳng hạn như không biết làm gì thì xem cho sinh động,...
Tuy nhiên sang đến kiểu thứ 2 sẽ có “vấn đề” hơn một chút. Ngày nay, có rất nhiều bố mẹ ở độ tuổi trẻ lựa chọn TikTok để giao lưu, chia sẻ cách dạy con. Điều đáng nói, đôi khi có quá nhiều video về việc dạy con tích cực, tạo ra một thế hệ “cha mẹ lý tưởng” lại trở nên phản tác dụng, áp dụng không đúng lúc, đúng chỗ.
Đó chính là hệ quả của kiểu phụ huynh thứ 3 khi xem TikTok. Họ đắm chìm vào những nội dung ở trên mạng, ảo tưởng bản thân cũng trở thành cặp bố mẹ nổi tiếng để chia sẻ về phương pháp dạy con của mình. Chưa kể, họ rất mê đu trend, bất cứ xu hướng nào đang hot, họ đều rủ con cái quay cùng.
Không những vậy, nhiều bố mẹ còn cảm thấy hãnh diện khi con cái mình biết nhảy nhạc “giật giật”, nhép miệng theo các bài hát hay nhập vai diễn tiểu phẩm. Đôi khi, họ cho đấy là một kiểu tài năng vượt trội của con cái và ủng hộ trẻ sử dụng TikTok từ sớm. Chưa bàn đến việc con trẻ sẽ xem những nội dung gì khi sử dụng MXH mà ngay việc bố mẹ thoải mái đăng đầy đủ thông tin, hình ảnh của con đã là một mối nguy hại.
Thực tế, ai cũng có quyền tự hào khi con cái giỏi giang mà muốn khoe điều đó với cả thế giới. Trong suy nghĩ của những “hot mom”, “hot dad” chỉ đơn thuần là chia sẻ những khoảnh khắc của con, truyền cảm hứng cho những gia đình khác. Tuy nhiên, họ quên mất rằng việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, rủi ro liên quan đến trẻ em.
Bạn sẽ không thể kiểm soát được việc người dùng chụp màn hình, lưu video có hình ảnh con. Gặp người tốt, thì có thể nghĩ là do họ thấy đáng yêu nên muốn lưu về. Nhưng nếu là người xấu, bạn sẽ chẳng biết được chúng “thiên biến vạn hóa” ra sao với hình ảnh của con mình. Giả mạo danh tính để trục lợi, đăng lên web đen, bắt nạt hội đồng bằng những lời bán tán tiêu cực,... hay tệ hơn là “mồi ngon” cho những kẻ bắt cóc, mua bán trẻ em.
Có một điều mà rất nhiều bố mẹ bỏ qua đó chính là hỏi ý kiến con cái trước khi đăng ảnh, video của con một cách công khai. Các bậc phụ huynh vẫn tồn tại tư duy: “Con tôi, tôi đăng. Lập tài khoản cho nó sau này nghiễm nhiên nổi tiếng không cần xây dựng”. Thế nhưng bạn có chắc những đứa trẻ thích điều này? Liệu chúng có thích việc nổi tiếng hay phải đối mặt với việc mọi người đều biết lúc xấu chúng trông thế nào, lúc ngốc nghếch nhất nhìn ra sao?
Suy cho cùng, thế hệ “cha mẹ lý tưởng” hay “hot mom”, “hot dad” chỉ là danh xưng chứ không thể khẳng định họ đúng hoàn toàn trong cách dạy con. Bởi trên clip ai cũng có thể là người bố, người mẹ tâm lý, ai cũng có thể nổi tiếng vì một câu nói triết lý nghe bùi tai. Nhưng cuộc sống mà, cái gì càng đẹp như tranh càng dễ “rước họa” vào thân!
Bố mẹ cũng “nghiện” TikTok, con cái phải làm sao?
Ai cũng biết những ảnh hưởng nếu cho con tiếp xúc, sử dụng TikTok nói riêng và các MXH nói chung từ sớm. Một bài viết gần đây có đề cập đến những tiếng lóng với nội dung 18+ được trẻ em học theo khiến nhiều bố mẹ giật mình.
Phản ứng đầu tiên của bố mẹ là lo lắng, sau là đến tìm con để hỏi tội, trách móc và than phiền:
- “Con có biết những từ này không? Tại sao lại xem những video như thế mà không hỏi bố mẹ?”.
- “Cấm tiệt! Không có TikTok gì nữa hết, toàn xem vớ vẩn”.
- “Từ nay bố mẹ nghiêm cấm con động vào điện thoại, xóa ngay mấy app nhảm nhí đi”.
Tuy nhiên những câu nói này sẽ ngay lập tức phản tác dụng bởi chính bố mẹ cũng là những người “nghiện” TikTok. Đặc biệt, những ai thường hay xem cùng con, trước mặt con sẽ càng trở nên đuối lý và không thể răn đe hay cấm đoán con cái. Vì người ta vẫn thường nói, bố mẹ là tấm gương phản chiếu của con trẻ, muốn con không làm thì việc đầu tiên bản thân phụ huynh cũng phải gương mẫu.
Chị Hoàng My (35 tuổi) đang có con học cấp 1 cho hay, bản thân không phải người quá yêu thích nhưng có nhiều lần xem video trước mặt con. Những lúc như vậy, chị thường sẽ nghe con gái hỏi rằng: “Mẹ ơi, mẹ xem TikTok à cho con xem với”, “Mẹ quay cái này đi mẹ”,...
“Lúc đó mình cũng bất ngờ vì vẫn nghĩ con không biết gì, nhưng bé chỉ cần nghe tiếng là đoán ngay mình đang xem TikTok. Tuy nhiên, vì đã có tiền lệ và để con biết mình cũng xem nên thú thật mình không thể cấm cản bé. Ngoài ra con đi học, nhiều bạn bè được gia đình tạo điều kiện cho sử dụng điện thoại riêng cũng sẽ không tránh được việc dạy nhau xem. Do vậy mình chỉ biết hạn chế con bằng cách giới hạn thời gian trong ngày hoặc biến nó thành phần thưởng. Tức là con làm tốt mới được xem. Và đương nhiên những video con xem phải nằm trong tầm kiểm soát của mình, tránh nội dung lệch lạc”, chị Hoàng My chia sẻ.
Chị Hoàng My cũng khẳng định trong thời buổi hiện đại 4.0, rất khó để giữ con như một tờ giấy trắng. Vì chính bố mẹ, những người lớn trong gia đình cũng có những lúc lơ là, quên con cái, quên nấu ăn,... tập trung vào điện thoại. Có người còn tệ hơn khi lấy cớ “bận công việc” để hợp thức hóa việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều của mình.
“Mình luôn thành thật với con cái, chia sẻ và giải thích để chúng hiểu cái gì nên cái gì không. Mình không thể can thiệp việc con thuộc hay nhảy theo những bài nhạc người lớn nhưng mình nói cho con biết mỗi lứa tuổi sẽ có âm nhạc phù hợp riêng. Hay những trò nghịch dại, đu trend nhắm vào trẻ con mình đều phân tích, tránh con bắt chước. Đặc biệt, mình đồng ý cho con xem nhưng phản đối việc để con tự do quay clip hay đăng tải hình ảnh con lên TikTok”, chị Hoàng My nói thêm.
Hiện nay, có rất nhiều bậc phụ huynh xem nhẹ việc giải thích, định hướng hay dạy con ứng xử trong các tình huống trên không gian mạng. Họ cho rằng mạng là ảo, là để giải trí, để vui nên không cần phải căng thẳng. Song, rất nhiều hệ lụy xảy ra khiến người lớn buộc phải nghiêm túc nhìn nhận lại, có biện pháp phù hợp để kịp thời ngăn những nội dung độc hại gây ảnh hưởng đến trẻ.
Theo quan điểm của chị Thu Trà, cách tốt nhất là bố mẹ nên đặt điện thoại xuống, giảm thú vui giải trí của mình để chơi cùng con: “Có thể giai đoạn đầu bạn sẽ rất stress vì không thể giải tỏa được “cơn nghiện” của bản thân nhưng cứ nghĩ đến chuyện con học theo những thứ không ra sao trên TikTok thì mình thấy có lỗi với con lắm. Trẻ con như tờ giấy trắng vậy, muốn con trở thành một đứa trẻ thông minh, hoạt bát, hiểu chuyện nhưng suốt ngày ném cho con chiếc điện thoại với đủ thứ độc hại trong đấy và yêu cầu con trở nên hoàn hảo như kia thì bố mẹ nên xem lại mình”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời