Sau thành công khi đưa món cá kho trở thành đặc sản có giá lên đến vài triệu đồng/sản phẩm, anh kỹ sư xây dựng Nguyễn Bá Toàn lại tiếp tục hành trình với món rươi vần (rươi kho).
Món ăn của người nghèo bỗng dưng thành đặc sản của nhà giàu
Năm 2015, công ty Dasavina (cơ sở chế biến cá kho Bá Kiến tại Vũ Đại, Hà Nam) của anh Toàn đã bán được 4.000-5.000 niêu cá kho, cho doanh thu lên đến 4-5 tỷ đồng.)
Bên cạnh đó, anh này còn kiếm được một số hợp đồng bán cá, chả mực tại 2 cơ sở nhỏ tại thị trường nước ngoài như Matxcova – Nga và Đức.
Nếu như là các sản phẩm điện tử, may mặc, thủ công mỹ nghệ thì không có gì lạ, song cá kho, rươi vần, mắm rươi hay chả mực… đều là những món ăn vốn rẻ và đặc biệt dân dã ở các làng quê Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Toàn cho biết, ẩm thực/món ăn là hàng hóa đặc biệt chưa nhiều người khai thác. Thế nhưng, những món tưởng chừng như dân dã , rẻ tiền lại nhận được hiệu ứng rất tích cực từ người dùng, không chỉ trong mà còn ngoài nước. Cũng vì thế, chúng có giá cực kỳ đắt đỏ khi biết cách làm thương hiệu.
“Đơn cử như cá kho, rươi kho ngày trước là những nguyên liệu tự đánh bắt, tự nhiên, món ăn của nhà nghèo. Nhưng vài năm trở lại đây, khái niệm này đã khác, nó trở thành món ăn của nhà giàu”, anh Toàn cho hay.
Hiện trên thị trường, một niêu cá kho 4kg nguyên liệu có giá 1 triệu đồng; rươi đông lạnh 500.000-600.000 đồng/kg; rươi vần (rươi kho) loại 2 kg (nguyên liệu) giá 1,3 triệu đồng; mắm rươi 900.000 đồng/lít…, đắt hơn thịt, cua rất nhiều.
Anh Toàn cho biết, thời gian gần đây, khi các món ăn công nghiệp đang dần chiếm lĩnh thị trường, tình trạng thực phẩm bẩn là vấn nạn của xã hội thì nhu cầu ăn sạch, bảo vệ sức khỏe sẽ ngày càng cao.
Các “sơn hào hải vị” ngày xưa giờ đã quá phổ biến với mức giá trung bình, thì những món ăn truyền thống ở các địa phương lại trở nên hiếm hơn. Chính nhờ yếu tố thị trường nên những sản phẩm này được đón nhận và có giá vô cùng đắt đỏ.
“Có thể nói, đặc sản quả thực là thế mạnh của Việt Nam so với các nước khác. Nhưng để đưa món ăn dân dã thành đặc sản đắt tiền, hiếm có không phải chuyện dễ”, anh Toàn cho hay.
Đại gia “cá, rươi” ở Việt Nam
Xuất phát từ một anh kỹ sư xây dựng, năm 2011, trong một lần về Hà Nam công tác, anh Toàn được gia đình một người bạn nghèo thiết đãi món “cá kho”. Ăn thấy ngon, hương vị đặc biệt nên anh nhờ người bạn làm gửi lên Hà Nội để biếu người thân.
Nhận được hiệu ứng tốt khi nhiều gia đình nhờ anh mua giúp lên Hà Nội, chàng kỹ sư nảy ra ý định kinh doanh.
Với vị thơm ngon và đảm bảo thực phẩm sạch khi các nguyên liệu, gia vị là “cây nhà lá vườn” không độc hại, hiệu ứng các món làng quê dân dã được đón nhận ở các thành phố lớn.
Đây cũng là bước đệm để những món rươi kho, mắm rươi, hay chả cá, bánh gai… được anh Toàn “cất” từ những vùng quê lên các thành phố trong cả nước, thậm chí sang cả nước ngoài.
Trong Tuần lễ hàng Hà Nội tại Matxcova 2016 vào tháng 9 vừa qua, anh Toàn cũng đại diện cho một số DN trong nước mang các sản phẩm đặc sản Việt để quảng bá. Và chỉ trong 3 ngày đầu tại hội chợ, 1 tấn cá, rươi kho và chả mức đã bán hết.
Anh Toàn cho biết, tiềm năng của đặc sản Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn ở khâu bảo quản, hàng rào thuế quan đang là nút thắt để đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới.
Người ta thường nhắc đến đại gia bất động sản, đại gia công nghệ, đại gia bán lẻ… thế nhưng, “đại gia cá kho, rươi vần” thì xưa nay hiếm.
Khi bạn bè gọi mình là “đại gia cá kho”, anh Toàn lắc đầu nguây nguẩy. Anh cho biết, đặc sản Việt còn rất nhiều tiềm năng, anh mới chỉ đưa một trong số rất rất ít những món ăn cổ truyền , đặc sản của người Việt ra thị trường và nước ngoài. Do đó, trong thời gian tới, cần nhiều những sự sáng tạo, chung lưng đấu cật của nhiều người có ước muốn làm thương hiệu cho món ăn của người Việt như anh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"