Bỏ Silicon Valley, kéo cả đồng sáng lập Snapchat về Việt Nam khởi nghiệp xe máy điện, startup bị “dàn cá mập” vùi dập không thương tiếc, cuối cùng nhận được 60.000 USD vì Shark Hưng đang hợp tác với bạn thân Elon Musk

    Thảo Nguyên, Theo Trí Thức Trẻ 

    DATBIKE đề nghị mức định giá 6 triệu USD và shark Hưng đồng ý đầu tư 60.000 USD cho 1% cổ phần cộng thêm 1% cho vai trò tư vấn.

    Thiên tài lập trình bỏ Silicon Valley về Việt Nam khởi nghiệp vì môi trường

    Xuất hiện trong tập 10, Shark Tank mùa 3, Nguyễn Bá Cảnh Sơn- CEO, Cofounder DATBIKE đến kêu gọi 50.000 USD cho 0,5% cổ phần dự án xe máy điện. Sơn cho biết mình sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, sau nhiều năm làm việc tại Mỹ quyết định quay trở về Việt Nam để thành lập startup. Mục tiêu duy nhất khi thành lập DATBIKE là làm sao khi ra đường người Việt Nam không cần phải đeo khẩu trang như những gì anh từng có ngày xưa.

    Là gương mặt nổi tiếng trong giới công nghệ, shark Dũng nhanh chóng nhận ra Sơn từng làm việc tại Silicon Valley. "Em là thế hệ thanh niên đi thật xa để trở về. Em bỏ Silicon để trở về làm về môi trường là điều rất đáng hoan nghênh và ko phải ai cũng dám làm điều đấy. Dấn thân đấy anh đánh giá rất cao", shark Dũng đánh giá.

    Bỏ Silicon Valley, kéo cả đồng sáng lập Snapchat về Việt Nam khởi nghiệp xe máy điện, startup bị “dàn cá mập” vùi dập không thương tiếc, cuối cùng nhận được 60.000 USD vì Shark Hưng đang hợp tác với bạn thân Elon Musk - Ảnh 1.

    "Tại Silicon em làm kỹ sư phần mềm. Em suy nghĩ mãi những việc ở bên kia làm cho trang web chạy nhanh hơn hay hệ thống xử lý dữ liệu được nhiều hơn có thật sự quan trọng hay không khi mà việc căn bản nhất của cuộc sống là hít thở thì người thân, bạn bè của mình còn chưa có nên quyết định quay trở về thành lập DATBIKE", Sơn tiết lộ thêm lý do thôi thúc mình về Việt Nam.

    Theo giới thiệu của founder này, hiện chiếc xe này có máy móc sản xuất ở Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, còn thiết kế do startup này tự thực hiện. Giá thành của 1 chiếc xe điện này là 59,9 triệu, do lên Shark tank kêu gọi vốn để có thể sản xuất và bán giá 39,9 triệu đồng. Trong 1 tháng bán chính thức có 60 người đăng ký, dự kiến thu về 100.000 USD. Biên lợi nhuận sau khi bán ra thị trường sau khi trừ đi chi phí sản xuất khi ở sản lượng 1000 chiếc là 30%. Nếu bán được 10.000 chiếc thì biên lợi là 30-40%, giá thành chỉ còn 25 triệu. Hiện tại DATBIKE chưa có lợi nhuận biên.

    Nhà máy hiện được đặt ở Đà Nẵng, công suất 1.000 xe/tháng. Nếu dự án có đầu tư thì sẽ sản xuất được ở mức 25 triệu đồng/chiếc. Công suất động cơ xe máy điện này là 4500W, tốc độ tối đa 80 km/h, khoảng cách từ 0 lên 50 km/h chỉ dưới 3s. Công suất cực lớn tương đương xe máy phân phối 125cc, dùng pin lithium.

    Shark Bình cho rằng sản phẩm không an toàn, startup up cho biết tốc độ có thể lập trình được, chỉnh theo người sử dụng.

    Dự án này có vốn điều lệ 1 tỷ, vốn thực sự đã góp vào là 5 tỷ với 2 cofounders, các nhà đầu tư đóng góp dưới dạng cổ phiếu chuyển đổi.

    Bỏ Silicon Valley, kéo cả đồng sáng lập Snapchat về Việt Nam khởi nghiệp xe máy điện, startup bị “dàn cá mập” vùi dập không thương tiếc, cuối cùng nhận được 60.000 USD vì Shark Hưng đang hợp tác với bạn thân Elon Musk - Ảnh 2.

    Shark Bình sau khi nghe trình bày dự án ngay lập tức đánh giá không thấy cơ hội nào cho startup. Cụ thể shark Bình cho rằng những ông lớn sản xuất, có mạng lưới phân phối toàn quốc sẽ sản xuất giá thành rẻ hơn DATBIKE nhiều và với mức giá 39,9 triệu người dân có thể mua với xe điện với giá rẻ và đẹp hơn nhiều.

    Sơn cho biết thị trường các hãng lớn nhắm tới là sản phẩm quốc dân còn dự án này nhắm tới sản phẩm cá nhân hoá của người sử dụng. Ngoài ra đây là xe điện đầu tiên sạc điện thời lượng dưới 3 tiếng đi được 100 km. Cũng là xe điện đầu tiên của Việt Nam có công suất ngang với 1 xe máy xăng và hiện chưa có trên thị trường. Chi phí sạc điện là 5.000 đồng/100 km trong khi xe máy xăng chi phí là 50.000 đồng/100 km.

    Sau lời chia sẻ của startup này là màn tranh luận đối ngược quan điểm của shark Bình và shark Dũng.

    Shark Bình: Anh thấy em đang vướng vào một sai lầm của startup là làm ra một sản phẩm chưa chắc người tiêu dùng đã cần, có cũng được không có cũng được.

    Shark Dũng: Anh không đồng ý với quan điểm của anh Bình. Xu thế sẽ là xe điện, nhu cầu có sẵn rồi.

    Shark Bình: Đây là xu hướng nhưng người ta sẽ không mua xe của em đâu.

    Shark Dũng: Câu chuyện người ta có mua xe của em hay không hãy để thị trường trả lời nhưng câu chuyện đâu là lý do khiến họ mua xe của em. Ví dụ bên Mỹ tại sao người tiêu dùng mua Tesla thay vì các hãng khác.

    Sơn cho biết cách làm của DATBIKE là làm cho khách hàng yêu xe của mình.

    Đội ngũ có cả đồng sáng lập Snapchat vẫn bị vùi dập không thương tiếc

    Khi được shark Liên hỏi về căn cứ định giá công ty lớn ở mức 10 triệu USD, CEO này lấy dẫn chứng về 2 công ty xe điện tại Trung Quốc và Đài Loan. Hai công ty này tại thời điểm mới có đội ngũ, chưa có sản phẩm đã định giá công ty 50 triệu USD và bây giờ họ đã trên 1 tỷ USD.

    Tuy nhiên shark Bình và shark Việt cho rằng không thuyết phục do 2 công ty này ở đất nước khác, hoàn cảnh khác, có hệ sinh thái mạnh ngoài ra thu nhập bình quân đầu người tại 2 thị trường này cũng cao hơn Việt Nam rất nhiều.

    Bỏ Silicon Valley, kéo cả đồng sáng lập Snapchat về Việt Nam khởi nghiệp xe máy điện, startup bị “dàn cá mập” vùi dập không thương tiếc, cuối cùng nhận được 60.000 USD vì Shark Hưng đang hợp tác với bạn thân Elon Musk - Ảnh 3.

    CEO DATBIKE cho biết vì những lý do này nên startup mới định giá 10 triệu USD thay vì 50 triệu USD. Anh còn chia sẻ thêm về tiềm năng thị trường khi tăng trưởng ngành này trên thế giới là 10%, hiện quy mô đạt 30 tỷ USD, đến 2025 sẽ là 60 tỷ USD. Châu Âu, Mỹ đã bắt đầu đi xe điện 2 bánh, scooters. Việt Nam đang đứng ở vị trí rất quan trọng để lấy được thị trường như vậy. Xét về trường xe máy Việt Nam không khác gì Trung Quốc, Đài Loan và nếu Việt Nam không làm sẽ mất cơ hội.

    "Mặc dù anh rất muốn ủng hộ em nhưng mảng sản xuất không phải lĩnh vực của anh. Chắc chắn tại thời điểm này anh không hiểu thì không đầu tư", shark Dũng là người đầu tiên chốt deal.

    Khi được shark Liên hỏi, CEO Sơn cho biết thêm từng học lập trình từ lớp 6, đại diện cho Việt Nam đi thi và đạt huy chương bạc Olympic tin học quốc tế hồi cấp 3. Sau khi nghỉ việc Silicon, anh dành 1 năm tại Mỹ chỉ ở trong 1 căn phòng bé chỉ để mua máy móc về học từ hàn đến gia công cơ khí, vẽ.

    "Em học phần mềm đi làm kinh doanh có thể nhân loại sẽ mất đi một kỹ sư phần mềm giỏi", shark Hưng nhận xét.

    CEO DATBIKE cho biết thêm đội ngũ của mình có rất nhiều người từ Silicon Valley trở về. Điều họ thiếu là chiến lược kinh doanh, mentors, còn bản thân có khả năng học rất nhanh nhưng kinh doanh hy vọng các shark sẽ phát triển giúp. Sơn cho rằng phát triển công nghệ là điều đội ngũ của mình làm tốt nhất.

    Dù rất khuyến khích nhân tài khởi nghiệp, bỏ 10 năm ở Mỹ về Việt Nam là tinh thầm rất cần lan tỏa nhưng Shark Liên không đầu tư do không có khả năng, ưu thế gì khi tham gia dự án. Ngoài ra lý do khác của cá mập bà ngoại là không khuyến khích đầu tư xe máy thêm ùn tắc giao thông.

    "Người Việt Nam ở đâu cũng được, làm gì cũng được, máu là máu Việt Nam. Bạn ở nước ngoài kiếm được USD, Yên Nhật, Euro mang về nước xây dựng được nhiều. Trứng không nên bỏ 1 giỏ, nhân tài về hết đất nước thì dễ cản trở lẫn nhau. Xe điện này tôi đánh giá nguy hiểm, bạn cứ làm, làm để trải nghiệm thất bại nào đấy, học được. Bạn nên nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin", shark Việt cũng đưa ra lời khuyên nhưng không đầu tư.

    Nhận xét CEO này là nhân tài của đất nước, rất quý năng lực, tư duy của startup, shark Bình xuống tận nơi và bắt 2 tay đưa ra khuyên:

    "Chính vì anh rất quý em nên anh thành thật khuyên em không nên đi theo startup này. Thực sự bởi cái gì em đang làm về kinh doanh, thị trường có vẻ em đang hơi sai, nhầm thời điểm, nhầm sản phẩm, chưa nói đến định giá. Nên khuyên em nên làm cái gì đó khác. Anh sẽ đầu tư cho em cho tương lai khi ra một cái gì đó phù hợp hơn. Anh không muốn đất nước mình dùng sai một nhân tài. Chốt là không đầu tư".

    Về shark Dũng sau khi thấy startup bị các shark vùi dập, từ chối, mong muốn quay lại hỗ trợ dù luật chơi không cho phép. Shark Dũng cho biết bản thân anh khi anh sang Mỹ, gặp rất nhiều người, nói về giấc mơ khởi nghiệp nhưng khi những người trẻ như Sơn về khởi nghiệp mà không hỗ trợ gì thì cảm thấy không phải. Shark Dũng đưa ra offer 50.000 USD cho 10% cổ phần và tham gia cùng shark Hưng. Tuy nhiên Shark Hưng không đồng ý đồng hợp tác.

    Về phía mình, Sơn cho rằng rất muốn tham gia vào hệ sinh thái của shark Hưng. Để chứng minh năng lực phát triển sản phẩm, anh cho biết thêm hiện đội ngũ có thêm thành viên là một trong những đồng sáng lập Snapchat.

    Shark Hưng cho biết mình sẽ đầu tư, không đưa ra offer. Thậm chí ông còn cho biết đã biết vị trí khu đất tại Đà Nẵng, có sẵn hạ tầng để DATBIKE tham gia sản xuất. Shark Hưng còn cho biết thêm hiện đang làm việc với quỹ đầu tư rất lớn, đây là 1 trong người khá thân với Elon Musk và các shark bên Mỹ với khoản đầu tư hàng chục triệu USD sản xuất xe điện. Điều shark Hưng rất cần những người sản xuất như đội ngũ DATBIKE.

    Chốt lại startup đề nghị mức định giá 6 triệu USD và shark Hưng đồng ý đầu tư 60.000 USD cho 1% cổ phần và 1% cho vai trò cố vấn. Sau 1 năm nếu đạt KPI shark Hưng sẽ đạt thêm 2% cổ phẩn.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ