Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nói về MXH Lotus: Rồi những startup sẽ thay thế những gã khổng lồ, các startup Việt nên có niềm tin này để khởi nghiệp
"Hơn chục năm rồi, tôi mới được nghe mọi người nói về một cách tiếp cận mới, và có một niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa chưa từng làm. Khi nghe anh Tân (Tổng Giám đốc VCCorp) giới thiệu, tôi nghĩ rằng tại sao chúng ta không nghĩ rằng có rất nhiều Steve Jobs Việt Nam?", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trải lòng sau hơn 2 tiếng đồng hồ lắng nghe câu chuyện của MXH Lotus.
7h30 tối 16/9, mạng xã hội Lotus chính thức ra mắt. Vị khách đặc biệt của lễ ra mắt này là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ lắng nghe câu chuyện của những người tạo nên mạng xã hội thuần Việt Lotus, Bộ trưởng trải lòng: "Hơn chục năm rồi, tôi mới được nghe mọi người nói về một cách tiếp cận mới, và có một niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa chưa từng làm".
"Khi nghe anh Tân (Tổng Giám đốc VCCorp) giới thiệu, tôi nghĩ rằng tại sao chúng ta không nghĩ rằng có rất nhiều Steve Jobs Việt Nam? Sự thành công của mạng xã hội Lotus phụ thuộc rất nhiều vào chúng ta. Chính những người dùng trải nghiệm Lotus cùng đóng góp, phát triển sản phẩm cùng với doanh nghiệp sẽ tạo nên sức mạnh".
Bộ trưởng Hùng phân tích: Internet có chu kỳ 15 năm.
15 năm thứ 1 là thời kỳ xây dựng hạ tầng và nền tảng của một thế giới trực tuyến với những tên tuổi như Microsoft.
15 năm thứ 2 là thời của điện thoại di động, truyền thông xã hội, kinh tế nền tảng với những tên tuổi như Facebook, Google và Apple.
"Hai chu kỳ này đều gắn với các công ty Internet, phần nhiều là các công ty toàn cầu. Chu kỳ thứ 3 có thể coi bắt đầu từ 2015, khi Internet được tích hợp vào mọi phần của cuộc sống con người, những tên tuổi mới sẽ xuất hiện. Sẽ không chỉ là các công ty internet nữa, không chỉ content và community nữa, mà phải có thêm ngữ cảnh - context".
"Một bài toán Việt Nam sẽ phải có một lời giải Việt Nam. Làn sóng Internet thứ 3 này sẽ là cơ hội cho các công ty địa phương sử dụng toàn cầu để giải bài toán địa phương", Bộ trưởng Hùng nhìn nhận.
Bộ trưởng cũng cho rằng làn sóng Internet thứ 3 này cũng cần văn hoá mới - văn hoá hợp tác. Và mạng xã hội rồi cũng cần một cách tiếp cận mới, giá trị khổng lồ một người tạo ra phải được chia sẻ.
"Cộng đồng có nhu cầu được kiểm soát luật chơi. Họ phải là chủ nhân cuộc chơi chứ không phải là nạn nhân của những thuật toán được giấu kín… Doanh nghiệp nền tảng cũng phải bảo vệ cá nhân người dùng không như một số doanh nghiệp gần đây bán dữ liệu cho bên thứ ba".
"Mạng xã hội Lotus hôm nay chúng ta chứng kiến khai trương chính là sản phẩm của làn sóng Internet thứ ba, tiếp cận theo cách mới, với những cam kết cá thể hoá, nội dung lành mạnh, cam kết tiếp cận có ngữ cảnh, cam kết bảo mật cá nhân… Những cam kết này là để giải quyết nhu cầu xã hội mới thông qua những công nghệ mới nhất", ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận trong một cuộc chiến kinh doanh, người đứng đầu gần như hưởng lợi tất cả thì những người đi sau phải tiếp cận có tính đột phá.
"Sự thành công nào cũng bộc lộ khuyết tật, nhu cầu được thoả mãn sẽ xuất hiện những nhu cầu mới, sẽ có những công ty mới đáp ứng nhu cầu mới của người dùng, thị trường. Bởi vậy, những startup sẽ thay thế những gã khổng lồ. Đó là sự tiến hoá. Các công ty startup Việt Nam nên có niềm tin này để khởi nghiệp", Bộ trưởng nói.
"Đầu tư vào một thị trường khó, làm một việc mà không ít doanh nghiệp Việt Nam khác đã thử và thất bại, làm một việc mà tâm lý xã hội nhìn chung nói là không khả thi. Nhưng nếu VCCorp không làm, và không ai làm nữa, mà không chỉ trong lĩnh vực này mà nhiều lĩnh vực khác, thì xã hội chúng ta sẽ ra sao?".
Bộ trưởng cũng gửi lời chúc thành công tới Lotus, để tạo tiền đề cho những doanh nghiệp khác "Make in Vietnam". Ông cũng bày tỏ kỳ vọng đến năm 2020, người Việt Nam dùng mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương với người Việt dùng mạng xã hội nước ngoài.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming