Bóng tối phía sau ngành công nghiệp anime tỷ USD của Nhật Bản

    Thảo Cao, Theo Nhịp sống doanh nghiệp 

    Đại dịch thúc đẩy sự bùng nổ của ngành công nghiệp anime Nhật Bản. Nhưng dù khối lượng công việc và lợi nhuận của ngành tăng lên, các họa sĩ diễn hoạt vẫn nhận mức lương ít ỏi.

    Theo New York Times, ngành công nghiệp anime của Nhật Bản bùng nổ với quy mô chưa từng có. Và đó là lý do anh Tetsuya Akutsu tính đến chuyện tạm dừng công việc.

    Khi anh Akutsu trở thành họa sĩ diễn hoạt (animator) cách đây 8 năm, thị trường anime toàn cầu - bao gồm các chương trình truyền hình, phim ảnh và hàng hóa - chỉ bằng 50% quy mô năm 2019 (24 tỷ USD).

    Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu trong và ngoài nước, khi khán giả đủ mọi lứa tuổi say sưa với Pokémon hay Ghost in the Shell.

    Anh Akutsu là một họa sĩ diễn hoạt hàng đầu, đôi khi đảm nhận vai trò đạo diễn của một số loạt phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản. Anh làm việc gần như mỗi ngày ngay sau khi tỉnh giấc. Tuy nhiên, Anh Akutsu chỉ kiếm về từ 1.400-3.000 USD mỗi tháng.

    Anh vẫn là một người may mắn. Hàng nghìn họa sĩ khác phải làm việc liên tục với mức lương chỉ 200 USD/tháng. Thay vì giúp các họa sĩ có thêm thu nhập, ngành công nghiệp bùng nổ chỉ làm gia tăng khoảng cách giữa những gì họ cho đi và nhận lại. Nhiều người tự hỏi liệu có đủ khả năng tiếp tục theo đuổi đam mê hay không.

     Bóng tối phía sau ngành công nghiệp anime tỷ USD của Nhật Bản - Ảnh 1.

    Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự bùng nổ của ngành công nghiệp anime. Ảnh: Reuters.

    Công việc khắc nghiệt

    "Tôi muốn làm việc trong ngành công nghiệp anime đến hết đời", anh Akutsu, 29 tuổi, chia sẻ. Nhưng khi chuẩn bị kết hôn, anh đối mặt với áp lực tài chính lớn. "Tôi sẽ không đủ tiền để kết hôn và sinh con", anh Akutsu than thở.

    Theo thống kê của Hiệp hội Sáng tạo Phim hoạt hình Nhật Bản, thu nhập trung bình của các họa sĩ diễn hoạt chính và những tài năng hàng đầu khác đã tăng từ 29.000 USD vào năm 2015 lên 36.000 USD năm 2019.

    Trong tiếng Nhật, các họa sĩ diễn hoạt được gọi là "genga-man". Họ là những người vẽ khung hình chính. Là một họa sĩ như vậy nhưng anh Akutsu chỉ kiếm đủ tiền để ăn và thuê một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Tokyo.

    Thu nhập của anh khác xa các họa sĩ tại Mỹ. Theo dữ liệu chính thức, mức lương trung bình của những người này là 75.000 USD/năm, thậm chí lên tới hàng trăm nghìn đối với các họa sĩ cao cấp.

    Trong khi đó, tại Nhật Bản, những họa sĩ cấp thấp chỉ nhận mức lương trung bình 12.000 USD/năm, chưa kể đến các họa sĩ tự do có thu nhập thấp hơn.

    Vấn đề một phần bắt nguồn từ cấu trúc của ngành, vốn hạn chế lợi nhuận chảy về các hãng phim. Tuy nhiên, theo cô Simona Stanzani - người đã có kinh nghiệm 3 năm trong ngành, những hãng phim này có thể trả mức lương ít ỏi nhờ một nhóm người trẻ đam mê anime, sẵn sàng làm việc với ước mơ tạo dựng tên tuổi trong ngành.

    "Có rất nhiều họa sĩ tuyệt vời ngoài kia. Các hãng phim còn vô số 'bia đỡ đạn'. Họ chẳng việc gì phải tăng lương", cô nói thêm.

    Ngành công nghiệp anime đã bùng nổ trong những năm gần đây. Các công ty sản xuất Trung Quốc trả cho nhiều hãng phim Nhật Bản khoản phí lớn để sản xuất phim cho thị trường nội địa.

    Vào tháng 12, Sony đã trả gần 1,2 tỷ USD để mua lại trang video anime Crunchyroll từ AT&T. Công việc kinh doanh tốt đến mức gần như mọi xưởng phim hoạt hình ở Nhật Bản đều có đơn đặt hàng trước nhiều năm.

     Bóng tối phía sau ngành công nghiệp anime tỷ USD của Nhật Bản - Ảnh 2.

    Nhiều họa sĩ diễn hoạt trẻ tuổi sẵn sàng nhận lương thấp để theo đuổi ước mơ. Ảnh: New York Times.

    Netflix cho biết số lượng hộ gia đình xem anime trên dịch vụ phát trực tuyến vào năm 2020 tăng gấp rưỡi so với năm trước. Các ủy ban sản xuất - liên minh đặc biệt của nhà sản xuất đồ chơi, xuất bản truyện tranh và những công ty khác - thường trả cho các hãng phim một khoản phí cố định và tiền bản quyền.

    Mô hình này bảo vệ các hãng phim khỏi nguy cơ thất bại, nhưng cũng khiến họ không nhận nhiều lợi nhuận khi dự án thành công lớn.

    Thay vì thương lượng mức giá cao hơn hoặc chia sẻ lợi nhuận với các ủy ban sản xuất, nhiều hãng phim tiếp tục chèn ép họa sĩ diễn hoạt, giảm thu nhập bằng cách thuê họ như những họa sĩ tự do. Nhờ đó, chi phí sản xuất vẫn được duy trì thấp ngay cả khi lợi nhuận tăng lên.

    "Tôi chưa bao giờ kiếm nhiều hơn 38 USD/ngày"

    Trong ngành công nghiệp anime nổi tiếng khắc nghiệt, các họa sĩ và nhân viên phải liên tục ngủ lại xưởng phim trong nhiều tuần để hoàn thành dự án. Đáng nói, việc đó được nhắc đến với sự tự hào.

    Trong tập đầu tiên của bộ anime Shirobako, một họa sĩ đã gục ngã vì cơn sốt khi sắp đến hạn chót nộp bản vẽ. Bộ phim kể về những nỗ lực của người trẻ khi cố gắng bước vào ngành.

    Theo nhà hoạt động Jun Sugawara, thời gian làm việc khắc nghiệt đã vi phạm quy định lao động của Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà chức trách không mấy quan tâm, dù chính phủ Nhật Bản coi anime là một phần trọng tâm trong những nỗ lực ngoại giao công chúng.

    "Cho đến nay, chính quyền quốc gia và địa phương không có bất kỳ chiến lược hiệu quả nào để giải quyết vấn đề này", ông Sugawara chỉ trích. Trong một cuộc phỏng vấn, một quan chức của Bộ Lao động Nhật Bản cho biết chính phủ đã nhận thức được vấn đề. Tuy nhiên, có rất ít biện pháp giải quyết trừ khi các họa sĩ đệ đơn khiếu nại.

    Những năm gần đây, một số công ty lớn buộc phải thay đổi sau khi chịu áp lực lớn từ công chúng và các cơ quan quản lý. Mới đây, Netflix thông báo sẽ hợp tác với WIT Studio để cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo các họa sĩ trẻ làm về nội dung cho xưởng phim. Theo chương trình, 10 họa sĩ diễn hoạt sẽ nhận 1.400 USD/tháng trong vòng 6 tháng.

     Bóng tối phía sau ngành công nghiệp anime tỷ USD của Nhật Bản - Ảnh 3.

    Quy mô của thị trường anime toàn cầu - bao gồm các chương trình truyền hình, phim ảnh và hàng hóa - tăng chóng mặt trong những năm qua. Ảnh: New York Times.

    Tuy nhiên, các hãng phim nhỏ hơn không có nhiều cơ hội để tăng lương cho nhân viên. "Đó là một ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất thấp và sử dụng nhiều lao động", ông Joseph Chou, chủ một xưởng hoạt hình máy tính, nhận định.

    Anh Ryosuke Hirakimoto đã quyết định từ bỏ công việc này sau khi đứa con đầu lòng ra đời. "Làm việc trong ngành công nghiệp anime là ước mơ cả đời của tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi kiếm được nhiều hơn 38 USD/ngày", anh kể lại.

    "Tôi bắt đầu tự hỏi liệu cuộc sống này đã kéo dài đủ lâu chưa", anh Hirakimoto chia sẻ. Hiện, anh làm việc tại một viện dưỡng lão. "Nhiều người tìm thấy giá trị khi được làm việc với những bộ anime yêu thích. Dù được trả khoản tiền ít ỏi, họ vẫn sẵn sàng", anh Hirakimoto nói thêm.

    Nhưng giờ, anh thừa nhận không mảy may hối hận về quyết định ra đi của mình.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày