Dù thành công hay thất bại thì Nguyễn Tử Quảng và BKAV cũng đã dám làm điều không ai dám.
Cũng rất lâu rồi, lâu đến mức tôi không nhớ lần gần nhất là khi nào, người Việt Nam mới tỏ ra hào hứng với 1 sự kiện công nghệ trong nước như Bphone. Trong mấy ngày đọc tin tức trên mạng về Bphone tôi thấy người ta khen chê đủ thứ, đào sâu, phân tích mọi khía cạnh, ngóc ngách về chiếc smartphone của BKAV.
Bài viết dưới đây chỉ đơn thuần là những suy nghĩ xuất phát từ góc nhìn của 1 người đã từng có thời gian làm việc trong ngành kinh doanh, nhập khẩu, "xào xáo" smartphone Trung Quốc tại Việt Nam về Bphone và những ý kiến xoay quanh nó.
Từ con ốc vít đến cái smartphone
Có một tư tưởng tồn tại trong đầu người Việt Nam đến độ gần như thâm căn cố đế, đó là: "Người Việt không sản xuất nổi con ốc vít". Và tràn ngập xung quanh chúng ta là những dẫn chứng cho nhận định ấy: Đồ Tàu từ cái xe máy cho đến cái ấm điện nhan nhản trong khi những sản phẩm tương tự "made in Việt Nam" vừa ít vừa đắt hoặc thậm chí là hoàn toàn vắng bóng.
Định kiến đó khiến nhiều người trầm trồ thán phục khi Bphone khẳng định mình ra đời hoàn toàn từ trí tuệ và bàn tay Việt. Người ta tưởng Bphone là bước nhảy vọt của công nghệ Việt Nam, đi từ chỗ không làm nổi con ốc vít cho ra hồn tới chỗ tạo ra được 1 sản phẩm công nghệ sánh vai cùng cường quốc 5 châu.
Thời gian còn làm việc cho 1 hãng smartphone thương hiệu Việt tại Việt Nam, tôi được biết những xưởng sản xuất smartphone của Trung Quốc có quy mô chỉ hơn chục công nhân cũng có thể cho ra đời những sản phẩm cấu hình tầm trung với giá bán chỉ 2-3 triệu đồng. Và chỉ với 1 vài tháng "tập dượt" các xưởng quy mô cực nhỏ của Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng sản xuất ra những chiếc smartphone cấu hình tầm như Bphone với giá bán rất mềm.
Vậy phải chăng công nghệ của chúng ta lạc hậu tới mức cả 1 đất nước nỗ lực 10 năm cũng không theo kịp nổi 1, 2 xưởng sản xuất quy mô gia đình của Trung Quốc?
Thực tế là vài năm trở lại đây, với sự ra đời sự ra đời của các hãng sản xuất SoC giá rẻ như Mediatek với thiết kế tham chiếu mà về cơ bản là việc lắp ráp các thành phần vào nhau theo 1 vài thiết kế do Mediatek cung cấp sẵn, cộng với 1 bộ vỏ tự mình nghĩ ra là đã có 1 sản phẩm sẵn sàng xuất xưởng. Sự thành công của MediaTek kéo theo chương trình thiết kế tham chiếu tương tự của Qualcomm với dòng chip Snapdragon.
Thiết kế tham chiếu cùng sự hỗ trợ của nhà sản xuất chipset như Qualcomm, Mediatek khiến việc đảm bảo sự tương thích, làm việc đồng bộ của các thành phần phần cứng trước đây vốn vô cùng vất vả, tốn thời gian và tốn kém giờ đây trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Đó chính là lý do vì sao các xưởng sản xuất cực nhỏ của Trung Quốc cũng làm được những chiếc smartphone có chất lượng không đến nỗi nào.
Vì thế, việc sản xuất smartphone hoàn toàn không khó khăn như người ta vẫn tưởng. Bản thân BKAV cũng thừa nhận rằng những thành phần đòi hỏi hàm lượng chất xám cao như chipset (Qualcomm), tấm nền LCD (Sharp), module camera (Omnivision), kính cường lực (Corning) v...v... đều là sản phẩm ngoại nhập.
Vị trí thực sự của BKAV trong chuỗi sản xuất phần cứng chỉ là gia công khung vỏ (housing) và lắp ráp sản phẩm (có thể là gia công cả motherboard). Tôi biết có những thương hiệu Việt đã nhắm tới việc lắp ráp sản phẩm trong nước theo cách làm tương tự BKAV với vốn đầu tư nhà xưởng chỉ trên dưới chục tỷ đồng.
Việt Nam hoàn toàn đủ sức sản xuất 1 chiếc smartphone ngang tầm thế giới nhưng đến giờ chúng ta vẫn chưa có được 1 sản phẩm thực sự cạnh tranh, lý do rất đơn giản: Giá thành.
Công nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc đi trước chúng ta hàng chục năm, số lượng nhà sản xuất linh kiện phần cứng phụ trợ "nhiều như mây", cộng với sự hỗ trợ hiệu quả của các chính sách của chính phủ đối với hoạt động sản xuất khiến các xưởng lắp ráp smartphone có thể tiếp cận hiệu quả với nguồn linh kiện giá rẻ. Họ hoàn toàn có thể sử dụng màn hình phân giải cao đến từ 1 xưởng sản xuất nhỏ lẻ không tên tuổi để đưa giá bán xuống thấp.
Trong khi tại Việt Nam tìm "đỏ mắt" cũng khó lòng có thể tìm được giải pháp tương đương mà phải phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu, khiến giá thành linh kiện bị đội lên dẫn tới giá bán không cạnh tranh. Đây là căn bệnh trầm kha ám ảnh rất nhiều sản phẩm trong nước.
Cuối cùng tất cả đi thành 1 vòng tròn con gà - quả trứng: Làm được nhưng bán đắt, không bán được thì không ai muốn làm.
Bphone cũng sa vào chính cái vòng luẩn quẩn này khi các sản phẩm có phần cứng tương đương Bphone chỉ có giá bán khoảng 8 - 9 triệu đồng thì chiếc smartphone của BKAV có giá bán cao hơn tới gần 30%: 11 triệu cho phiên bản rẻ nhất.
Bphone không đại biểu cho bước tiến của công nghệ Việt mà nó là triệu chứng căn bệnh về sức cạnh tranh của nền công nghiệp sản xuất Việt Nam. Yếu cả về chất lượng lẫn số lượng.
Từ phần cứng đến phần mềm
Nếu như ở khía cạnh phần cứng, sản xuất 1 chiếc smartphone như Bphone không phải là quá khó thì mảng phần mềm lại là câu chuyện khác.
Android với mã nguồn mở tạo điều kiện cho hàng trăm hãng sản xuất linh kiện tham gia cuộc chơi nhưng cũng đồng thời để lại 1 lỗ hổng lớn: Khả năng tương thích của phần mềm với phần cứng.
Nói đơn giản chỉ 1 cục pin của smartphone Android cũng có hàng ngàn nhà cung cấp khác nhau. Google không thể khiến Android tương thích với hàng ngàn mạch điều khiển xả - nạp nằm trên pin. Phần việc này đè lên vai của những hãng sản xuất - lắp ráp.
Chính vì thế trong suốt thời gian tôi làm việc ở hãng điện thoại thương hiệu Việt nói trên, đối tác phía Trung Quốc không thể nào tìm được cách khắc phục lỗi nhảy dung lượng pin trên máy. Trải qua 6,7 thế hệ dù cấu hình tiến vùn vụt nhưng đời máy nào cũng bị bệnh sạc đầy, khởi động lại máy báo tụt luôn đôi chục phần trăm.
Không chỉ các hãng sản xuất nhỏ gặp vấn đề về phần mềm, hãy nhìn tấm gương HTC, trên 15 năm sản xuất smartphone, gia công cho hàng chục tên tuổi danh tiếng. Vậy mà HTC vẫn không thể khắc phục được những căn bệnh trầm kha trên camera của mình như cân bằng trắng, hồng tâm, bão hoà màu, đo sáng v...v... Sự bất lực trong việc cải thiện phần mềm điều khiển camera dù phần cứng luôn dùng "hàng xịn" khiến smartphone của HTC luôn đeo mác chụp ảnh xấu.
Quay trở lại với câu chuyện Bphone. Thay vì chọn cách gia công một bộ khung phần cứng rồi đắp vội vàng vào đó phần mềm Android nguyên bản với giao diện được "chọc ngoáy" tí ti ở mức độ thay dăm bộ icon, cài thêm ít phần mềm bên thứ 3 như Viettel, VNPT và FPT từng làm trước đó thì BOS của BKAV rõ ràng có sự đầu tư nghiêm túc hơn. Vì vậy nói Bphone là sản phẩm có hàm lượng chất xám Việt nhiều nhất từ trước tới nay hoàn toàn không ngoa. Không phải hãng sản xuất nào ở Việt Nam cũng đủ tầm và đủ tâm để đầu tư về mặt sản phẩm như BKAV.
Ở góc nhìn khác, sự đầu tư ấy đem lại hiệu quả ra sao thì còn phải xem lại năng lực của BKAV. Tôi muốn giữ lại những đánh giá ấy cho tới khi được cầm thử Bphone trên tay. Nhưng thật lòng, với những gì BKAV thể hiện qua loạt ảnh chụp thực tế tại Fansipan, Hội An, Mũi Né phải nói rằng hi vọng của tôi với chất lượng phần mềm của Bphone không cao. Đặc biệt là khi đại diện BKAV tuyên bố đã cân chỉnh camera của Bphone "hàng nghìn lần".
Từ chuyện ta đến chuyện tây
Một lý luận (sự?) thường gặp trong mấy ngày hôm nay khi nhắc đến Bphone là ngày xửa ngày xưa người Nhật, người Hàn ưu tiên dùng đồ trong nước nên giờ họ mới có xe xịn, điện thoại ngon mà xài.
Điều này đúng. Nếu những năm 60 người Nhật không ưu tiên dùng những chiếc Toyota Corona thần thánh đi 2 cơn mưa khung xe rỉ hoen quèn thì giờ làm gì có Toyota của ngày hôm nay? Hoặc nếu năm 70 người Hàn không tự cảm thấy yêu thích những chiếc Stellar "máy cày bánh lốp" thì có lẽ Huyndai cũng đã sập tiệm từ lâu.
Nhưng nhìn lại, sau chiến tranh, công nghiệp sản xuất ô tô, đồ điện tử của cả Nhật và Hàn Quốc đều hướng tới mục tiêu thoả mãn thị trường cấp thấp trong nước.
Đồ điện tử, xe hơi Nhật Bản thời kỳ đầu có chất lượng "tầm phào" nhưng bù lại giá bán của chúng rất rẻ. Phù hợp với thu nhập của người dân Nhật sau thế chiến 2. Cạnh tranh bằng giá bán chính là chiến lược cạnh tranh hiệu quả nhất, đem lại cú huých về doanh số tạo đà cho ngành công nghiệp xe hơi, điện tử của Nhật Bản phát triển. Nói trắng ra, người Nhật, Hàn mua xe, đồ điện tử của họ ở thời kỳ đầu chủ yếu là vì đồ nội địa rẻ hơn đồ ngoại nhập chứ không hẳn chỉ vì họ muốn ủng hộ nền công nghiệp nước nhà mà cắn răng.
Chính vì lý do ấy, vin vào lý do ủng hộ hàng Việt để mua Bphone dù giá bán cao hơn vài triệu là không công tâm.
Thêm vào đó nếu Bphone muốn được người Việt ủng hộ, nên chăng BKAV hãy hướng tới đối tượng thực sự là đa số người Việt thay vì chọn phân khúc cao cấp với giá bán cơ bản gấp gần 3 lần lương trung bình tháng của người Việt Nam (4 triệu đồng).
Kết luận
Để có thể đánh được vào phân khúc tầm trung, cao cấp, 1 thương hiệu mới như Bphone cần 1 cú đánh nhanh, mạnh, hiệu quả bằng "tính năng, thiết kế choáng váng" hoặc "giá rẻ giật mình". Cả 2 điều ấy Bphone đều không làm được, bất chấp mọi lời tán tụng của BKAV trong lễ ra mắt. Tính năng phần mềm dù rất quan trọng nhưng sẽ chỉ phát huy diệu dụng khi người dùng đã mua máy mà không thể thuyết phục họ móc hầu bao.
Từ góc nhìn đó, tương lai của Bphone khá ảm đạm và đi kèm với nó vẫn là những trăn trở về sức cạnh tranh của công nghiệp công nghệ cao Việt Nam.
Thành bại với 1 sản phẩm đầu tay như Bphone không phải điều gì quá to tát, miễn là Nguyễn Tử Quảng không ngã lòng thì chúng ta vẫn còn hi vọng được thấy Bphone 2, Bphone 3 đáng mua hơn, và 1 BKAV "người lớn" hơn trong lời ăn tiếng nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?