Bức thư chấn động Trung Quốc của bé trai lớp 2 có người mẹ nghiện điện thoại

    Tuấn Anh Lê Viết,  

    Vài ngày trước, trên mạng xã hội Trung Quốc lan truyền một câu chuyện cảm động về một người con muốn dành tặng mẹ một ngày 8/3 đẹp nhất nhưng người mẹ lại chỉ chăm chăm chú ý vào chiếc điện thoại.

    Một bé trai học lớp hai ở trường tiểu học trung tâm khu Hoàng Nham đường Đông Thành, trong ngày 8/3 đã cố làm mẹ vui bằng nhiều cách khác nhau nhưng mẹ của cậu chỉ đáp lại bằng một thái độ lạnh lùng và tiếp tục xem điện thoại tiếp.

     Hiện tượng xã hội phổ biến hiện nay trên thế giới

    Hiện tượng xã hội phổ biến hiện nay trên thế giới

    Cậu bé lúc đó đã rất buồn và viết lại vào nhật ký trải nghiệm của mình vào ngày hôm đó. Mảnh nhật ký này sau đó đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội Weibo hàng trăm nghìn lần và nhận được rất nhiều bình luận cảm thông từ cư dân mạng.

    Cậu bé viết trong nhật kí:

    Thứ 3, ngày 8/3

    Hôm nay là ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Trong hôm nay, mình muốn gửi lời cảm ơn tới mẹ mình đã hàng ngày đi làm mệt mỏi, mình sẽ làm một vài việc cho mẹ.

    Đầu tiên, mình kể cho mẹ nghe một câu chuyện nho nhỏ. Nhưng dường như mẹ không thích nghe mình kể chuyện, cứ liên tục xem điện thoại. Điều này làm mình rất buồn. Mình nghĩ: giá như lời chúc của mình có thể khiến mẹ vui.

    Vậy nên, mình đã gửi lời chúc ngày 8/3 đến mẹ. Nhưng mẹ vẫn đang nhìn chằm chằm vào điện thoại. Mình càng cảm thấy buồn hơn. Mình nghĩ cách này chắc cũng không được rồi, mình sẽ đấm lưng cho mẹ.

    Mình bắt đầu đấm lưng cho mẹ, mình dùng hết sức đấm lưng cho mẹ. Nhưng mẹ vẫn đang nhìn chằm chằm vào điện thoại, mặt chẳng cười lên chút nào cả. Mình lại càng buồn hơn nữa, chuẩn bị lại rửa chân cho mẹ.

    Mình rửa chân cho mẹ, cuối cùng mẹ đã không nhìn vào điện thoại nữa, mình thấy vui lên một chút. Mình cật lực rửa chân cho mẹ. Rửa xong rồi, mình hy vọng sẽ được mẹ khen thưởng, nhưng mẹ lại nghiêm túc nói với mình: "Hôm nay con rửa chân tốt đấy, lần sau rửa sạch một chút nữa nhé". Mình rất mong mẹ đi ra khỏi phòng, khi mẹ ra khỏi phòng mẹ còn không quên nói với mình: "Mau đi viết nhật ký đi."

    Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 của mình trôi qua buồn rười rượi như thế đó.

    Mảnh nhật ký này được cậu bé lớp 2 viết vào ngày 8/3.

    Cô giáo chủ nhiệm Vương Nguyệt Vi giới thiệu, hôm đó nhân ngày 8/3, cô giao cho các học sinh ở lớp về viết một bài nhật kí với chủ đề “tạ ơn”, có thể là các hành động như là hát cho mẹ nghe, làm việc nhà, chúc mẹ 8/3 vui vẻ, hoặc đấm lưng, rửa chân… Nhưng cô không ngờ là học sinh của mình lại viết bài có chủ đề là mẹ mình cứ chăm chăm xem điện thoại.

    Cô Vương Nguyệt Vi nói: “Tôi không chỉ khâm phục khả năng quan sát của học sinh của mình, mà tôi còn cảm thấy khá ngạc nhiên, không ngờ trong con mắt của trẻ con, việc người lớn chơi điện thoại lại trở nên đặc biệt nghiêm trọng như vậy.

     Mảnh nhật ký bé trai lớp 2 viết.

    Mảnh nhật ký bé trai lớp 2 viết.

    Cô đã cho bài viết này điểm tốt, đối với một học sinh lớp 2, việc cả một đoạn văn thể hiện được tình tiết thay đổi biểu cảm của người mẹ rất tinh tế và tình cảm là rất đáng khen ngợi.

    Cô nói thêm: “Thế giới của con trẻ rất trong sáng, tất cả những câu chữ trong bài đều là sự thật, bài viết này cũng phản ánh sự thật phổ biến hiện nay trong xã hội hiện đại mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm.

    Mẹ của bé trai nói: “Khi con tôi đọc lên những dòng nhật kí này, tôi và chồng đều cảm thấy khá buồn cười, nhưng sau đó tôi lại cảm thấy có gì đó rất xấu hổ.

    Mỗi ngày tan làm về nhà, cô và chồng đều ngồi xem những tin tức mới hoặc chat chit trên điện thoại, có lúc con mình muốn cô hướng dẫn viết bài tập làm văn, cô cũng cảm thấy khá phiền phức.

    Cô Triệu nói thêm: “Không ngờ là hành động của tôi có thể ảnh hưởng nhiều đến sự trưởng thành của con tôi đến như vậy.” Cô cam kết sau này nhất định sẽ không dùng điện thoại nhiều nữa và sẽ chăm sóc con mình nhiều hơn.

    Phóng viên đã có mặt tại cổng trường cấp 2 tại nơi bé trai học và phỏng vấn một vài bé về vấn đề bố mẹ sử dụng điện thoại ở nhà.

    Một học sinh nói: “Bố mẹ em ăn cơm cũng cầm điện thoại, lúc em làm bài tập cũng dùng điện thoại, lúc chuẩn bị ngủ cũng ngồi trên giường chơi điện thoại. Có lúc thấy bố mẹ chơi điện thoại, em chỉ muốn học qua loa cho nhanh rồi lại ra chơi cùng bố mẹ.

    Một bé khác nói: “Em cảm thấy mẹ em yêu điện thoại hơn cả yêu em nữa. Mẹ em mà cứ dùng điện thoại là em gọi mấy lần cũng không nghe thấy, không trả lời luôn.

    Một vị phụ huynh nói: “Có một lần đang hướng dẫn con mình làm bài tập về nhà, mình ngồi bên cạnh xem điện thoại, không phát ra một tiếng động nào, không ngờ hành động này lại ảnh hưởng rất nhiều tới con trẻ như vậy. Về sau nhất định tôi sẽ thay đổi, không được lúc nào cũng xem điện thoại trước mặt con cái nữa.

    Hiệu trưởng của trường tiểu học trung tâm khu Hoàng Nham đường Đông Thành cho rằng mảnh nhật kí của cậu bé lớp hai này viết đã phản ánh sự thật hiện nay của không ít gia đình. Hiện nay mọi gia đình khi về nhà điều đầu tiên đó là bật wifi, sau đó là xem weibo, wechat, lướt web, xem phim trên điện thoại, thời gian xem điện thoại còn nhiều hơn gấp mấy lần trẻ em.

    Hiệu trưởng Chu Huy Chính nói thêm: “Sự giáo dục của cha mẹ đối với trẻ là rất quan trọng, cha mẹ chính là thầy cô giáo đầu tiên của trẻ, nếu hay xem điện thoại, trẻ em sẽ học theo cha mẹ mình, trẻ em chơi điện thoại nhiều còn sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

    Do đó, quá trình trưởng thành của con trẻ cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Cha mẹ nghiện chơi điện thoại, bỏ quên con cái, trẻ em sẽ bị cảm giác thiếu đi tình yêu thương, điều này sẽ hình thành nên tính cách rụt rè, sống nội tâm ở trẻ.

    Có thể các ông bố bà mẹ nếu công việc yêu cầu phải sử dụng đến điện thoại nhiều, có thể thay phiên nhau để chơi với con cái. Ví dụ lúc mẹ đang bận thì bố đưa con đi chơi, bố đang bận thì lại đến lượt mẹ. Hoặc cả gia đình có thể đặt ra quy định là cuối tuần không dùng điện thoại, hoặc nửa ngày không sử dụng điện thoại…

    Đây thực là một hồi chuông cảnh báo cho các ông bố bà mẹ thời hiện đại, việc sử dụng điện thoại smartphone vô tội vạ đang là một hiện tượng xã hội mà chúng ta cần quan tâm và giải quyết. Đành rằng các ông bố bà mẹ vẫn cứ trách móc tại sao con mình lại chơi điện thoại nhiều như vậy, trước tiên hãy nên xem lại mình trước đã.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ