Thay vì News Feed, giờ đây báo chí sẽ có thêm một cách hợp lý hơn để kích thích người dùng đọc các bài viết.
Kế hoạch lớn của Facebook không chỉ dành cho người dùng, họ còn hướng tới các nhà xuất bản nữa. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang dự tính sẽ mở rộng nền tảng nhắn tin vào cuối năm nay cho các nhà phát triển, nhân hội nghị F8. Thông tin nằm trong báo cáo mới do Marketing Land thực hiện.
Trước hết, cần phải đề cập đến vấn đề mà các nhà sản xuất nội dung đang gặp phải với Instant Article của Facebook, vốn không mang lại lưu lượng đọc trực tiếp về cho các website của họ. (Lưu ý ở đây rằng Facebook cam kết đã làm việc với comScore và Google Analytics để đảm bảo rằng lượt xem thông qua Instant Article vẫn tính đủ về như lượt xem bình thường, tuy nhiên việc này vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà xuất bản).
Điều này từng khiến chính các nhà xuất bản/báo giới lo ngại vì nhiều lý do:
- Lưu lượng đọc không đổ trực tiếp về website.
- Hành vi người đọc thay đổi, họ ít vào website trực tiếp hơn.
- Các nhà sản xuất nội dung buộc phải theo luật chơi của Facebook: hiển thị quảng cáo, link liên quan... tất cả đều phải theo quy định của Facebook.
- Facebook càng lớn, quyền lực của các nhà xuất bản càng yếu đi.
Do vậy, Instant Article có vẻ không phải là một giải pháp tốt để làm "đẹp lòng" các nhà xuất bản. Vì thế, theo báo cáo của Marketing Land, Facebook đang thực hiện một bước đi mới với công cụ chat của họ: Messenger
Cụ thể hơn, báo cáo cho biết Facebook đang làm một bộ phát triển phần mềm, cho phép các nhà phát triển tự xây dựng chat bot chạy trong Messenger. Bên cạnh những lập trình viên, nhà phát triển được thử nghiệm bộ phần mềm này còn có cả những nhà xuất bản.
Các nhà sản xuất nội dung sẽ có thể sử dụng dịch vụ bot này để chia sẻ bài viết tới người đọc bên trong ứng dụng Facebook Messenger. Thay vì việc phải đợi người dùng chọn lọc và đọc hàng đống các bài viết trên News Feed, các nhà sản xuất nội dung giờ đây có thể chia sẻ trực tiếp bài viết thông qua Messenger.
Con chat bot của Bild - BILD Ticker
Tờ báo của Đức Bild là nhà xuất bản đầu tiên được sử dụng công cụ này để gửi bài viết thông qua Messenger, bắt đầu từ tháng 1/2016, theo báo cáo của NiemanLab. Phát ngôn viên của công ty chủ quản Bild, Axel Springer từ chối trả lời vấn đề này.
Nhìn vào hình trên, có thể thấy cách làm của Facebook như thế nào. Các nhà sản xuất nội dung sẽ được cung cấp chat bot (trong trường hợp của Bild, nó có tên Bild Ticker), tự động trả lời người đọc bằng tin nhắn, mô tả tin tức và dẫn link đến website của Bild để đọc bản đầy đủ. Marketingland đã thử nhắn tin cho con bot này nhưng chỉ nhận được những câu trả lời chào mời chung chung, mời họ tham gia đăng ký (subscribe) cho Bild.
Đầu năm nay, TechCrunch cho biết Facebook đã bắt đầu thử nghiệm công cụ cho phép các nhà phát triển xây dựng chat bot ngay trong Messenger để giúp người dùng làm được nhiều điều hơn, ví dụ như đặt Uber hay chat với một nhân vật tưởng tượng. Vì vậy, càng có lý do để tin rằng báo cáo của Marketing Land có nhiều khả năng sẽ trở thành sự thực.
Giải pháp này có thể giải quyết được những vấn đề đã nêu ở trên nhưng lại vấp phải một chuyện khác: Tiền. Chưa rõ các nhà xuất bản sẽ kiếm được tiền bằng cách nào thông qua giải pháp này nhưng theo TechCrunch, Facebook đã dự tính sẽ bắt họ phải trả phí cho việc nhắn tin với người dùng.
Người phát ngôn của Facebook từ chối bình luận về báo cáo này.
Theo dự tính, hội nghị nhà phát triển hàng năm của Facebook sẽ được tổ chức từ 12 đến 13/4 tới đây. Chúng ta sẽ sớm nhận được câu trả lời về tin đồn này.
Messenger có thể trở thành một nền tảng phân phối nội dung mới, nhưng nó không phải là duy nhất. Ví dụ, Washington Post, BuzzFeed và NBC News đã lên Kik, The Economist đã có mặt trên Line, The Huffington Post lại có trên Viber...
Nhưng không một ứng dụng nhắn tin nào có thể mạnh bằng Facebook Messenger, với 800 triệu người sử dụng hàng tháng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?