AMD đang ở đâu khi NVIDIA tung siêu phẩm GTX 1080?
Cuộc đua không cân sức "rùa và thỏ" giữa "Đội Đỏ" và "Đội Xanh".
Ngày hôm qua, 7/5/2016, NVIDIA đã tặng cho đối thủ của họ là AMD một cái tát cực mạnh khi giới thiệu GTX 1080, sản phẩm card đồ họa với những ưu điểm mà "Đội Đỏ" có lẽ phải rất lâu nữa mới có thể theo kịp.
Được giới thiệu là mạnh gấp đôi Titan X, VGA tiền nhiệm, đồng thời giá thành cũng rẻ chỉ bằng một nửa. Điểm nhấn lớn khác chính là khả năng tiết kiệm điện của thế hệ VGA mới này, khi nó tiêu tốn ít hơn Titan X cũng như GTX 980Ti tới 30% điện năng, chỉ cần tới 1 nguồn phụ 8-pin là đã có thể hoạt động tốt (thay vì 2 nguồn phụ như thế hệ trước đó).
Có thể thấy được, NVIDIA đã vượt qua được chính những cột mốc họ gây dựng trước đó, nhắc lại rằng tới thời điểm hiện tại các sản phẩm như GTX 980Ti hay Titan X vẫn nằm trong nhóm các VGA có hiệu năng mà mọi game thủ phổ thông phải ao ước. Kiến trúc Pascal mới có quá nhiều ưu điểm so với Maxwell trước đây. NVIDIA đã chi ra hàng tỷ USD để đạt được những thành công về mặt công nghệ như ngày hôm nay.
Trở lại cuộc đua song mã giữa NVIDIA và AMD trong lĩnh vực công nghệ xử lý đồ họa, khi NVIDIA thắng lớn cùng GTX 1080, AMD giờ đang ở đâu?
1. Hiệu năng
Trước đây, các sản phẩm VGA của NVIDIA được đầu tư rất nhiều để phục vụ đối tượng là game thủ, đặc biệt là sau khi hãng này đưa vào sử dụng kiến trúc Maxwell thay cho Kepler, lượng nhân CUDA (kiến trúc tính toán hợp nhất) tăng lên rất nhiều, mang lại hiệu năng sử dụng thực tế vô cùng ấn tượng, cả việc chơi game lẫn xử lý các tác vụ đồ họa và giải trí khác.
Sang tới kiến trúc Pascal, hiệu năng của các GPU đã thực sự được nâng lên một tầm cao mới, nó mạnh hơn cực cực nhiều so với trước đó. NVIDIA sẵn sàng tuyên bố GTX 1080 đã mạnh hơn cả khi chạy 2 card GTX 980 cùng lúc (SLI) và mạnh hơn cả GTX 980Ti. Dùng phép bắc cầu, GTX 980Ti vốn đã khá vượt trội so với R9 390X của AMD về hiệu năng trong các bài test thực tế khi chơi game (hơn khoảng 38% theo số liệu từ userbenchmark), vậy thì có lý do gì để NVIDIA phải e ngại đối thủ của họ tại thời điểm này. Đó là còn chưa nói tới tiềm năng ép xung lên tới 1,6GHz của GTX 1080.
Rõ ràng, trong những năm qua AMD gần như giậm chân tại chỗ khi các sản phẩm của họ chỉ được nâng cấp chủ yếu là ... tên gọi. Các mã VGA như HD 7990 rồi tới R9 290X và sau đó là R9 390X không có quá nhiều nâng cấp về mặt hiệu năng. Và như vậy, tính về hiệu năng, trong những năm qua AMD đã bị bỏ lại quá xa, còn sau khi GTX 1080 ra mắt, chúng ta không còn biết AMD đang ở đâu trong cuộc đua này.
2. Công nghệ
Đã nói tới rất nhiều trong phần trên của bài viết, chính là các kiến trúc như Maxwell hay Pascal. Pascal được sản xuất trên tiến trình 16nm FinFET, trong khi đó Maxwell sử dụng tiến trình 28nm vốn đã "hơi nhiều tuổi", cũng giống như vậy, các dòng VGA của AMD hiện nay đang dùng kiến trúc GCN 1.2 trên tiến trình 28nm.
Cho tới hiện tại, về mặt công nghệ, AMD đang tạm bị bỏ lại phía sau. Nhưng không lâu nữa, cho tới tháng 6 năm nay nếu như các thông tin trước đây trở thành sự thực, AMD sẽ áp dụng "Polaris" lên các dòng VGA của họ tiến trình 14nm, như một lời đáp trả lại Pascal của NVIDIA. Nhưng dù sao, người chiến thắng là người về đích trước.
Chưa hết, NVIDIA cũng đồng thời ra mắt card đồ họa sử dụng chuẩn RAM GDDR5X mới nhất, nhân đôi tốc độ truyền tải tối đa so với chuẩn GDDR5 trước đây. Tốc độ này trên GTX 1080 đã lên tới 10Gbps (chưa đạt tối đa) so với 7Gbps của GTX 980Ti hay Titan X.
Một số công nghệ liên quan khác. có vẻ như NVIDIA đang nhìn xa hơn AMD, khi họ nhắm thẳng vào nhu cầu giải trí trong tương lai, khi hỗ trợ mạnh mẽ cho các trải nghiệm game thực tế ảo (VR) và độ phân giải cao như 4K. Bao gồm "Simultaneous Multi-Projection" và "Ansel", người dùng sẽ được trải nghiệm các tính năng chưa một VGA nào có thể làm được trước đây, chắc chắn là bao gồm các sản phẩm của AMD rồi.
Simultaneous Multi-Projection(SMP) là công nghệ hỗ trợ trực tiếp cho VR. Các thiết bị VR hiện tại đều có 2 màn hình dành cho 2 mắt, ngoài việc yêu cầu hiệu năng đủ để đáp ứng cho các tác vụ tốn nhiều tài nguyên phần cứng, trải nghiệm VR vẫn đang vướng phải một số nhược điểm cố hữu khó có thể giải quyết. Tôi đang nhắc tới sự méo hình trong quá trình xử lý đồ họa, các VGA trước đây không thể đồng bộ chính xác hình ảnh cho 2 màn hình. Nhưng NVIDIA đã làm được nó với công nghệ nói trên.
Ngoài ra, SMP cũng có thể đáp ứng tốt và làm tốt hơn nhiệm vụ đồng bộ nhiều màn hình máy tính cùng lúc giúp tăng hiệu năng khi chơi game.
Còn với Ansel, lần đầu tiên bạn sẽ được phép chụp ảnh lại toàn bộ thế giới game của mình từ bất cứ góc độ nào. Dễ hiểu hơn, khi ở trong game, công nghệ mới trên GTX 1080 sẽ thu thập các dữ liệu đồ họa và tái dựng lại nó cho phép người chơi thay đổi góc nhìn và xuất ra hình ảnh độ phân giải cực cao 61.440 x 34.560 pixel. Hình ảnh này hoàn toàn có thể sử dụng ngược lại cho trải nghiệm thực tế ảo, qua bất kỳ thiết bị VR nào.
Về khía cạnh này, có lẽ AMD chỉ đang hướng tới nâng cao sức mạnh giúp đáp ứng trải nghiệm VR, mà chưa có bất cứ động thái hay thông tin vào về việc hãng có thể tung ra những tính năng hấp dẫn người dùng tương tự. Cụ thể là sản phẩm mới nhất do AMD phát triển là Radeon Pro Duo, một chiếc VGA có 2 GPU hứa hẹn mang tới hiệu năng tuyệt đỉnh cho game thực tế ảo trong tương lai.
3. Khả năng tiết kiệm điện năng
Một câu mời chào hấp dẫn nữa, đã được chúng tôi nhắc tới trong nhiều bài viết trước đây, quả thực tăng hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như tiết kiệm điện đã trở thành trào lưu sống còn cho các thiết bị công nghệ hiện tại, bao gồm cả VGA.
Con số ấn tượng, công suất tiêu thụ tối đa 180W của GTX 1080 khiến người ta phải bất ngờ khi hiệu năng của nó là cực mạnh. Nó đã chiến thắng hoàn toàn khi so sánh với những người đàn anh, còn với AMD, chênh lệch là quá lớn. Vốn R9 390X, VGA phổ thông mạnh mẽ nhất của AMD có công suất tới 275W, tất nhiên là yếu hơn GTX 1080. Nhìn xa hơn nữa, ngay cả các dòng card tầm trung của AMD như R9 270X hay R9 280X cũng tốn khoảng 200-250W. Nói như vậy, có thể thấy được AMD đang tụt lùi chừng nào trong cuộc đua này, xét tới khía cạnh tiết kiệm điện năng.
Mạnh mẽ, nhưng tốn ít điện, thể hiện rõ khả năng sử dụng điện năng hiệu quả trên GTX 1080 và các dòng VGA GTX 10 khác. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới nhiệt năng tỏa ra từ VGA, NVIDIA tự tin cho biết quạt tản nhiệt khí trên phiên bản ref của GTX 1080 cũng đủ để giữ nhiệt độ "an toàn", ngay cả khi ép xung. Riêng về vấn đề nhiệt độ, chắc ai từng dùng qua các sản phẩm có GPU do AMD phát triển, đều biết được nó nóng kinh hoàng tới mức nào. Lại một câu hỏi cũ, AMD đang ở đâu trong cuộc đua này?
4. Giá thành
VGA của AMD trước đây chưa hề cạnh tranh được với các sản phẩm của NVIDIA về giá, chúng rẻ hơn 1 chút, nhưng chưa đủ để hấp dẫn những người dùng "khó tính" yêu cầu các công nghệ cao cấp trong chiếc card đồ họa mà họ sử dụng. GTX 1080 có mức còn rẻ hơn so với R9 390X khi ra mắt, thấp hơn 1 triệu đồng.
GTX 1080 sẽ có giá là 599 USD, tương đương 13 triệu đồng, cao hơn so với GTX 980 và thấp hơn GTX 980Ti. Hiệu năng và những công nghệ nó mang lại chắc chắn làm những ai vừa chi tiền cho các thế hệ card đồ họa cũ hơn phải tiếc nuối. Con quái vật này sẽ lên kệ vào ngày 10/6 tới đây, và nhiều khả năng là trước khi AMD kịp đưa ra câu trả lời của họ. Như vậy, một lần nữa AMD thể hiện họ có đủ các yếu tố để trở thành kẻ thua cuộc.
Cú đấm Knock Out từ NVIDIA?
Sau tất cả, lại phải trở về với câu hỏi ban đầu, NVIDIA đang bỏ xa AMD tới mức nào? Chẳng ai biết được tới bao giờ thì AMD sẽ đuổi kịp được NVIDIA, có thể là 1 tháng (tới sự kiện sắp tới của AMD), có thể là cần thêm 1 năm để phát triển một dòng GPU đối trọng, nhưng cũng không loại trừ khả năng GTX 1080 sẽ là dấu chấm hết cho cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua giữa "Đội Đỏ" và "Đội Xanh", người chiến thắng thì bạn biết được là ai rồi đó!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?