Nhìn lại lịch sử dòng game Call of Duty (Phần 1)

    PV, Trần Quang - Theo IGN 

    Chúng ta hãy cùng xem, Activision cùng Infinity Ward và Treyarch đã thay đổi diện mạo của thể loại FPS lấy đề tài chiến tranh như thế nào với dòng game Call of Duty.

    Một sự thật khá khôi hài và thú vị khi chính đội ngũ của Infinity Ward đã góp phần tạo nên sự thành công của thương hiệu Medal of Honor để rồi những năm tiếp sau đó nỗ lực hết mình để vượt qua chính series game mà mình đã gây dựng nên.
     
    Trong giai đoạn 2000-2002, Electronic Arts (EA) tung ra con bài chiến lược Medal of Honor trên hệ PlayStation và nhanh chóng chiếm được một chỗ đứng quan trọng trên thị trường game bắn súng góc nhìn thứ nhất (thể loại FPS). Sang đến phiên bản thứ 3 của dòng game MoH, EA quyết định dành riêng cho game thủ trên hệ PC.
     
    Medal of Honor từng một thời độc tôn thể loại FPS lấy đề tài chiến tranh.
     
    Vốn chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển game cho hệ PC vào thời điểm hiện tại, EA đã đầu tư chiêu mộ đội ngũ của 2015 Inc. để phát triển phiên bản MoH thứ ba mang tên Allied Assault với nhiều tính năng vượt trội so với phiên bản console: không còn chế độ tự ngắm, không bị giới hạn bởi lượng RAM hạn chế của hệ PS2 cùng với phần chơi mạng hoàn toàn mới.
     
    Allied Assault cũng chính là bước khởi đầu cho thể loại game bắn súng lấy đề tài Đệ nhị Thế chiến về sau trên hệ PC. Tuy bị cạnh tranh bởi không ít tựa game cùng đề tài vào thời điểm bấy giờ như Return to Castle Wolfenstein, Deadly Dozen, Hidden & Dangerous và thậm chí là cả “người nhà” Battlefield 1942, MoH: Allied Assault vẫn giữ được vị trí độc tôn với điểm số review rất ấn tượng.
     
     Sự xuất hiện Call of Duty 1 chính thức đánh dấu sự suy tàn của Medal of Honor.
     
    Sau thành công vang dội của Allied Assault, đội ngũ của 2015 Inc. đã giải tán và không lâu sau đó, 22 người trong đội ngũ trên đã cùng nhau thành lập studio Infinity Ward với tham vọng tạo ra một dòng game mới đủ sức cạnh tranh với MoH của EA. Nhận được sự hậu thuẫn của Activision, vào mùa xuân năm 2003, Infinity Ward công bố phiên bản đầu tiên của dòng game Call of Duty.
     
    Phiên bản Call of Duty đầu tiên tuy có gameplay tương tự như Allied Assault nhưng vẫn để lại những dấu ấn sâu đậm riêng trong lòng game thủ. Cách mà Infinity Ward tái hiện lại những thời khắc đáng nhớ và khốc liệt nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ hai thực sự chinh phục những game thủ khó tính nhất.
     
     Tinh thần đồng đội...
     
    Từ những cuộc giằng co quyết liệt trên từng con phố, những trận đấu súng trên thuyền chiến cho đến những trận đấu tăng hoành tráng của Xô Viết….tất cả đều được Infinity Ward tái hiện lại hết sức chân thực, sống động và rất hùng hồn.
     
    Với cách dẫn truyện cuốn hút cùng nền đồ họa và âm thanh thuyết phục, phiên bản CoD đầu tiên được giới chuyên môn đánh giá cao và đạt được doanh số cao. Tự tin với thành công của phiên bản đầu, một năm sau đó, Activision tung ra phiên bản mở rộng đầu tiên mang tên United Offensive.
     
    ...và sự khốc liệt bạo tàn của chiến tranh là 2 nhân tố làm nên Call of Duty.
     
    Bản mở rộng này có phần chơi chiến dịch mới cùng một số tính năng mới trong gameplay như khả năng chạy nhanh trong thời gian ngắn hay giữ lựu đạn sau khi rút chốt… và 3 kiểu chơi nhiều người mới là Domination, Base Assault và Capture the Flag.
     
    Game thủ hệ console cũng sớm được đón nhận bản port mang tên CoD: Finest Hour dành cho hệ Xbox, PS2 và GameCube vào tháng 11/2004. Tuy nhiên, với việc bỏ đi tính năng quicksave cùng hệ thống checkpoint và không có nhiều cải tiến so với phiên bản trên PC, Finest Hour không được cộng đồng game thủ đánh giá cao.
     
     
    Trong bối cảnh phiên bản đầu tiên giành được thành công vang dội cùng với việc thế hệ console tiếp theo đang manh nha xuất hiện, Infinity Ward quyết định dành hẳn 2 năm để phát triển phiên bản sequel CoD 2.
     
    Khác với CoDMoH: Allied Assault vốn chỉ sử dụng engine Quake III lỗi thời, người kế nhiệm CoD 2 được trang bị engine độc quyền hoàn toàn mới, mang lại một diện mạo đồ họa vượt trội cho phiên bản sequel với những khung cảnh chiến trường rộng lớn hơn, chi tiết hơn và sống động với nhiều hiệu ứng môi trường hơn.
     
     
    Bên cạnh đó, AI của đồng đội máy cũng được cải thiện đáng kể khi đồng đội của bạn luôn có những phản ứng kịp thời đối với diễn biến của game và thường xuyên tương tác với người chơi thông qua việc thông báo vị trí của kẻ thù, thông báo khi có lựu đạn ném về phía người chơi và những nguy hiểm khác trên chiến trường.
     
    Hệ thống hồi phục máu bằng túi cứu thương của phiên bản trước cũng bị Infinity Ward mạnh dạn cắt bỏ, thay vào đó là cơ chế tự hồi máu tương tự như của Halo 2. Bên cạnh phiên bản CoD 2 dành cho hệ PC, Activision quyết định giao việc phát triển CoD 2: Big Red One dành cho hệ Xbox, PS2 và GameCube cho Gray Matter Studios – studio vốn được giao trọng trách thực hiện các phiên bản CoD cho hệ console.
     
     
    Về sau, Activision đã sát nhập Gray Matter Studios trở thành một công ty con của mình với tên gọi mới Treyarch. Thay vì giao nhiệm vụ cho cả Treyarch và Infinity Ward cùng lúc phát triển một phiên bản cho các nền máy khác nhau, Activision quyết định để Treyarch và Infinity Ward luân phiên phát triển các phiên bản về sau.
     
    Sang đến năm 2007, phiên bản CoD 3 do Treyarch thực hiện dành riêng cho hệ console và không hề được port sang hệ PC. Tuy nhiên, CoD 3 cũng tạo được tiếng vang nhất định với phần chơi đấu tăng hấp dẫn cùng tính năng hỗ trợ nhiều class nhân vật khác nhau trong phần chơi mạng – một tính năng được đánh giá rất cao của dòng game Battlefield.
     
    (Còn tiếp)
    Tags:

    NỔI BẬT TRANG CHỦ