Halo - Huyền thoại ra đời từ gian khó (Phần I)

    PV, Kiên Định 

    Đằng sau ánh hào quang của dòng game này là biết bao khó khăn, cực nhọc mà đội ngũ làm game đã phải trải qua.

    Vào ngày 14 tháng 4 sắp tới đây, Microsoft sẽ chính thức ngừng cung cấp dịch vụ Xbox Live cho thế hệ Xbox đầu tiên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các game thủ sẽ không được tiếp tục thỏa sức vui đùa cùng bạn bè trong những trận đấu Halo 2 qua mạng. Đối với nhiều người, sự việc này chỉ đơn thuần là một động thái cỏn con của nhà sản xuất khi hình thức kinh doanh của họ không tiếp tục sinh lãi.

     
    Tuy nhiên, với rất nhiều game thủ khác, sự mất mát này sẽ khiến cho hình ảnh đẹp của Halo 2 trong tâm trí họ bị mai một. Chắc hẳn đã không ít lần bạn được đọc các bài viết ca tụng sự thành công của dòng game Halo và những bước đột phá mà nó đã đạt được trong sự nghiệp gần 10 năm của mình. Tuy nhiên, hiếm ai được biết rằng tượng đài của họ đã từng có một thời gian lận đận và nhọc nhằn đủ điều để vượt lên gian khổ.

    Đảo ngược dòng lịch sử, trở về thời điểm hơn 10 năm trước đây, bạn sẽ thấy ngành công nghiệp game rất khác so với hiện tại. Khi đó, hệ máy Xbox vẫn chưa được phát hành và Halo vẫn chưa trở thành một tượng đài lẫy lừng, được nhiều người tán thưởng. Vào thời điểm đó, Bungie, đội ngũ phát triển của Halo: Combat Evolved đang phải trải qua những tháng ngày lận đận nhất trong sự nghiệp của mình.

     
    Trái với trường hợp của nhiều tựa game “bom tấn” được đầu tư hàng núi tiền để phát triển, Halo được thực hiện bởi một đội ngũ vô danh. Những con người ở Bungie khi đó vẫn đang dốc toàn lực để chứng tỏ giá trị của bản thân trong ngành công nghiệp nghiệt ngã này. Không chỉ vậy, sức ép mà họ phải chịu đựng cũng không hề nhỏ.

    Bên cạnh sự thất vọng trước khung hình không ổn định của bản chạy thử, họ còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo của việc thay đổi hệ máy trong quá trình làm game. Chưa dừng lại ở đó, tất cả mọi người đều hoài nghi về việc một tựa game FPS có thể thành công trên console.

     
    Thậm chí, các nhân viên marketing của Microsoft đã còn kháo rằng họ nên để dành tiền quảng bá cho những dự án game khác và chấm dứt hỗ trợ sản phẩm của Bungie. Và cuối cùng, lịch sử đã đổi khác từ sau tháng 11 của năm 2001. Sự xuất hiện của Halo đã thực sự tạo ra một cơn chấn động lớn.

    Thành công của sản phẩm này không chỉ được chứng tỏ bằng giá trị về mặt kinh tế mà còn đến từ rất nhiều bài đánh giá khen ngợi của giới chuyên môn. Thậm chí, ngày nay, trang web Eurogamer vẫn còn bị “dè bỉu” bởi đã khắc nghiệt đến mức chỉ cho huyền thoại Halo điểm số 8/10.

     
    Liên tiếp trong nhiều tháng kể từ ngày phát hành của Halo, mỗi chiếc máy Xbox được bán ra đều đi kèm với một phiên bản của trò chơi ăn khách này. Trước tháng 4 năm 2002, Halo: Combat Evolved đã bán được một triệu bản - một con số hoàn toàn ấn tượng và thời điểm bất giờ, đặc biệt là với một hệ console còn non trẻ như Xbox.

    Có thể nói, nếu không có Halo, chiếc hộp đen Xbox của Microsoft đã không có được một nền móng vững chắc để tồn tại tới ngày hôm nay. Mặc dù vậy, hào quang chói lọi của Halo cũng không thể xóa nhòa kí ức cay đắng rằng nó đã từng bị coi là một sản phẩm không hề có tiềm năng. Trước khi trở thành thiên nga, đứa con của Bungie là một chú vịt con xấu xí bị mọi người ghẻ lạnh.

     
    Những câu chuyện bất ngờ về Halo vẫn chưa dừng lại ở đó. Có lẽ là không có nhiều game thủ ngày ngày vẫn chơi Halo 3 biết được rằng Bungie chưa từng có ý định đưa series này trở thành một tựa game ba phần. Trước đó, họ chỉ muốn thực hiện một phiên bản tiếp theo của Halo để thực hiện nốt những ý tưởng chưa thể đưa vào phần một.

    Ngay cả khi đã được cả thế giới công nhận, những tháng ngày nhọc nhằn của Bungie vẫn chưa hề kết thúc. Ban đầu, toàn bộ nhân sự của họ vẫn rất hăng say làm việc. Vì niềm tự hào của Halo, họ sẵn sàng vượt qua những thử thách cam go nhất để nâng cao bản thân. Thành quả của Bungie sau đó đã khiến cho công chúng phải sửng sốt tại E3 2003.

     
    Giống như trường hợp sự xuất hiện choáng ngợp của Metal Gear Solid 2 từ trước khi PS2 được phát hành, bản demo của Halo 2 đã khiến cho mọi người phải hồi hộp và phấn khích khi chiêm ngưỡng những hình ảnh ấn tượng của nó. Tuy nhiên, sau khi hạ màn, đội ngũ của Bungie lại phải đối mặt với một cơn ác mộng kinh hoàng.

    Họ không thể khiến một tựa game ở mức độ chi tiết đến như vậy chạy được trên phần cứng của chiếc console Xbox. “Dục tốc bất đạt” chính là bài học cay đắng mà Bungie đã học được sau 18 tháng miệt mài theo đuổi tham vọng của mình một cách mù quáng.
     
    (Còn tiếp)