"Quả táo cắn dở" luôn được coi là biểu tượng dẫn đầu trong làng công nghệ với những cái tên mà người ta chẳng cần suy nghĩ cũng kể ra được như iPod, iPhone hay iMac. Thành công đạt được suốt hơn 30 năm qua có rất đáng ngưỡng mộ, nhưng bên cạnh đó cũng phải kể đến một số cái tên đã bị lãng quên theo thời gian do không được thị trường đón nhận. Và đây là 5 trong số chúng:
Macintosh TV
Không phải lúc nào "quả táo" cũng xuất xưởng những model màu trắng nho nhỏ xinh xinh trong ngôi nhà của bạn. Bởi lẽ vào thập niên 90, Macintosh TV chào hàng với bề ngoài khá đặc biệt. Thực tế công nghệ TV là của Sony (TV Sony Triniton) nhưng Apple đã kết hợp màn hình CRT của model này với Mac năm 1993 để tạo ra hệ thống đa năng lai giữa TV và máy tính cá nhân.
Đáng buồn thay, nó chẳng phải một chiếc TV tốt hay dàn máy tính tuyệt vời như mong đợi, nên chỉ bán được 10.000 sản phẩm và kết thúc vòng đời chỉ sau 1 năm.
Keith Ketterer, một trong 10.000 khách hàng đã mua Macintosh cho biết: "đây là một trong những chiếc TV đầu tiên kết hợp với máy tính, và nó giúp Apple nhận biết được phải làm thế nào để kết hợp tốt hơn 2 sản phẩm này. Bạn không thể xem TV và dùng máy tính trong cùng thời điểm và cũng chẳng thể thu lại chương trình giải trí ưa thích. Một trong những sản phẩm thất bại của Apple".
Máy ảnh QuickTake
Apple tiếp cận thị trường máy ảnh kĩ thuật số từ rất sớm với máy ảnh QuickTake được đưa ra năm 1994. Đây cũng là dòng thiết bị Steve Jobs cho dừng sản xuất khi quay lại nắm quyền nhằm mục tiêu cơ cấu lại danh mục đầu tư của hãng.
Rất khó tin, nhưng trong kỷ nguyên mở đầu của QuickTake, sản phẩm camera kĩ thuật số không có film là một điều rất kì lạ. Điều đó cũng được nhắc đến trong lời giải thích của Scott Boyarsky, độc giả của tờ Mashable: "Trong năm 1994, khi từ trường về nhà tôi nhận được cuộc gọi của anh bạn thân rằng qua nhà gấp để xem một chiếc máy ảnh mới – thứ mà không có film và có thể copy ảnh sang máy tính để chỉnh sửa photoshop. Đó chính là QuickTake 100. Chúng tôi đã cảm thấy rất tuyệt vời và sử dụng nó hầu như mọi lúc có thể. Tôi đã cho rằng đó là một sản phẩm cách mạng, nhưng chỉ không lâu sau Sony đã giới thiệu chiếc camera tương tự".
Một độc giả khác, Tia Martinson, làm nhiếp ảnh gia tâm sự: "Tôi có QuickTake 100, đó là cỗ máy nhỏ rất thú vị bởi tôi là một nhiếp ảnh gia và thiết bị giống như đồ chơi cho trẻ nhỏ khi tôi có thể truyền ảnh ra đĩa và trình chiếu chúng. Model hạn chế ở chỗ dung lượng lưu trữ ảnh quá bé và không có chế độ xem lại. Do vậy bạn chẳng thể nào xóa bỏ những bức ảnh không ưng ý. Tuy vậy, tôi cho rằng đây là một sản phẩm nhảy vọt tạo tiền đề cho những chiếc máy ảnh kĩ thuật số tiên tiến ngày nay."
Adjustable Keyboard
Adjustablee Keyboard chào đời trong hoàn cảnh các nhà sản xuất bàn phím đang tìm cách giải quyết vấn đề liên quan tới hội chứng "Repetitive Strain Injury" - tổn hại do căng thẳng thường xuyên - một căn bệnh nghề nghiệp với giới văn phòng. Đây chính là ý tưởng của công ty Cupertino chuyên nghiên cứu về phương pháp giúp con người thoải mái hơn khi làm việc và chính lý thuyết này đã đưa ra kiểu bàn phím tốt hơn dạng QWERTY truyền thống.
Một sản phẩm lớn, màu be và thanh Space kích cỡ khổng lồ – một cấu trúc không thuộc loại siêu nhẹ thường thấy của "quả táo". Nhưng liệu nó có thoải mái hơn hay không vẫn là một dấu hỏi. Chỉ biết rằng Apple đã ngừng sản xuất Adjustablee Keyboard khá lâu về trước.
eWorld
Trước khi Apple gán kí tự "i" cho các mặt hàng của mình, hãng đã từng dùng cả chữ "e" để đặt tên cho nhóm sản phẩm có liên quan tới internet, và eWorld là một trong số đó.
Đây là dịch vụ online trong những năm giữa thập kỉ 90 của Apple, giới thiệu cho người dùng Mac công cụ email, tin tức và trung tâm cộng đồng. Theo lời của Andrea Grell, một fan của Apple cho biết: "dịch vụ này tạo cảm giác như ở nhà, rất ấm cúng và dễ chịu". Còn về phía dịch vụ do Apple cung cấp, nó đã ngừng hoạt động vào 12 giờ ngày 31/3/1996. Quả táo đã quyết định dừng lại khi đối thủ AOL chiếm lĩnh thị trường trên.
Apple Bandai Pippin
Bạn có biết rằng Apple đã từng thất bại trong thị trường máy chơi game? Đó là khi Sony tung ra dòng máy PlayStation và Nintendo 64 xuất xưởng (được biết tới như thế hệ máy chơi game thứ 5).
Apple nhanh nhẹn tham gia thị trường với nền tảng chơi game của riêng mình. Phần cứng được sản xuất bởi Bandai của Nhật Bản, nhưng nó lại được bán ở thị trường phương Tây với tên gọi Apple Bandai Pippin (Pippin là tên của một loại táo).
Chiếc máy này sử dụng đĩa CD và được cắm vào màn hình TV để chơi. Tuy nhiên với cái giá 600$ và danh mục game hạn chế đã khiến model không thể cạnh tranh được với các dòng máy khác như kì vọng của Apple. Và Pippin đã được liệt vào danh sách những sản phẩm tồi tệ nhất của hãng.