Trong một lần hiếm hoi bảo vệ các hoạt động làm nhái khét tiếng của các nhà sản xuất Trung Quốc, một quan chức cao cấp Trung Quốc nói “các yếu tố sáng tạo” của hàng nhái nên được bảo vệ và khuyến khích thay vì bị đè bẹp mà không xem xét đến giá trị tài sản trí tuệ của nó.
Ông Yang Xueshan, thứ trưởng Bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc (MIIT) đã không định nghĩa cái gọi là “các yếu tố sáng tạo” tồn tại trong các sản phẩm hàng nhái của Trung Quốc nhưng nhấn mạnh rằng hàng nhái thuộc về cuộc tranh luận về quyền sở hữu trí tuệ.
Cả quyền lợi của những chủ sở hữu trí tuệ và người dùng cuối những sản phẩm này nên cần được xem xét đến khi nói đến sở hữu trí tuệ vì cả bảo vệ và sử dụng sở hữu trí tuệ đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội.
Ông Yang nói thêm rằng thật không công bằng khi gán nhãn cho một sản phẩm hàng nhái là đang ký sinh trên tài sản trí tuệ mà không có sự đánh giá cẩn thận. Ông nói các nhà sản xuất hàng nhái nên trả tiền cho việc sử dụng tài sản trí tuệ do người khác tạo ra để tránh bất kỳ vi phạm nào. Song, họ cũng nên được khuyến khích vì họ đang sáng tạo.
Tuy nhiên, sự ủng hộ này của ông đã bị giảm nhẹ đi bởi cam kết rằng chính phủ sẽ tiến hành trấn áp bất kỳ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nào một cách thích hợp.
Ông đưa ra những phát biểu này trong bối cảnh của cái gọi là hiện tượng hàng nhái đang quét qua khắp Trung Quốc. Từ các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3 cho đến thiết kế Web – các sản phẩm “trông na ná giống” đang lấy được lực kéo trên toàn Trung Quốc.
Mặc dù có lẽ có nhiều điểm tương tự lớn về nhãn hiệu và hình thức nhưng hầu hết các sản phẩm này có giá rẻ và chất lượng nghèo nàn.
Kể từ khi Apple tung ra chiếc di động cảm ứng iPhone 4, các mẫu hàng nhái đã xuất hiện rộng rãi khắp các chợ đen ở Trung Quốc. Mẫu hàng nhái iPhone 4 rẻ nhất được bán với giá khoảng 550 nhân dân tệ (83 USD).
Adivon Sporting Goods Company, một nhãn hiệu hàng nhái giá rẻ ở Quanzhou (tỉnh Fujian), hiện nổi tiếng trên Internet về sự giống hệt với nhãn hiệu thể thao nổi tiếng thế giới Adidas cả về sản phẩm và nhãn hiệu. Giày chơi bóng rổ của Adivon được bán với giá từ 100 nhân dân tệ (15 USD) đến 250 nhân dân tệ một đôi trên trang thương mại điện tử taobao.com. Trong khi đó, hàng Adidas xịn có giá bán lẻ trên 500 nhân dân tệ.
Một website khác, shanzhaiji.com, chuyên độc quyền về tiếp thị các sản phẩm nhái, từ điện thoại di động cho đến tivi độ nét cao – tất cả có giá bán rất rẻ.
Ngoài các sản phẩm như nói ở trên, nhiều website Trung Quốc được thiết kế như bê nguyên các trang nổi tiếng như Goojie (giống Google), Baigou (giống Baidu) và Baihugu (giống Yahoo!).
Zheng Jianmin, một giáo sư kinh doanh của trường ĐH Kinh doanh quốc tế nói rằng trong bối cảnh ở Trung Quốc, các sản phẩm nhái là một bước đầu tiến đến sáng tạo do có một khoảng cách công nghệ lớn vẫn còn tồn tại giữa Trung Quốc và các quốc gia phát triển.
"Hàng nhái – thường được địa phương hóa tốt hơn – chỉ phục vụ cho nhu cầu của những người đặc biệt có thu nhập thấp cho nên vẫn có dư địa cho chúng tồn tại và phát triển”, ông nói.
Song ,một số chuyên gia nói thậm chí khái niệm hàng nhái cũng đem lại những vi phạm nguy hiểm đối với quyền sở hữu trí tuệ.
Một nhân viên ở Adivon khăng khăng rằng các sản phẩm của họ không phải là nhái của Adidas mà tất cả được thiết kế một cách độc lập.
Trong một email trả lời phỏng vấn phóng viên báo Global Times, nhà sản xuất máy tính Lenovo khẳng định mẫu smartphone LePhone của mình là một sản phẩm sáng tạo được tạo ra bằng việc sử dụng các công nghệ độc lập do Lenovo phát triển. Một số người tiêu dùng nhận xét LePhone mang dáng dấp và nhiều tính năng y như iPhone,
Một nguồn tin gần với Microsoft đề nghị không nêu tên nói rằng, dù là nạn nhân của sao chép bất hợp pháp nhưng Microsoft nhận thức được rằng tác động của nó là không lớn vì công nghệ tiên tiến và lõi của Microsoft khó mà làm giống được.
"Sao chép thông thường xảy ra với phần cứng hơn là phần mềm”, nguồn tin này nói, “Và trong các lĩnh vực mà cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, sao chép là phổ biến”.
Wang Jian, giáo sư ĐH Kinh doanh quốc tế nói các sản phẩm hàng nhái chỉ là những mánh lới quảng cáo và tiếp thị công khai. Nhiều sản phẩm chỉ có dáng vẻ bề ngoài tương tự như sản phẩm gốc nhưng không vi phạm sở hữu trí tuệ xét về cả phần cứng hay phần mềm. Còn giáo sư Wang Qian, trường Sở hữu trí tuệ thuộc ĐH Luật và khoa học chính trị Đông Trung Quốc, nói “hàng nhái” là một thuật ngữ xuất phát từ nguồn gốc “bắt chước”, hành động có thể có ý nghĩa pháp lý, phụ thuộc vào các tình huống cụ thể.
"Liệu những sản phẩm sao chép này có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không phụ thuộc vào thiết kế hoặc công nghệ lõi của sản phẩm bị sao chép là đối tượng của bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nếu tài sản trí tuệ của sản phẩm hết hạn bảo hộ, bắt chước và nâng cấp nó nên được khuyến khích để thúc đẩy sự phát triển của ngành”, ông nói.
Feng Jun, CEO kiêm nhà sáng lập nhãn hiệu điện tử tiêu dùng lớn của Trung Quốc nói hàng nhái là vấn đề gây tranh cãi vì nó không được định nghĩa rõ ràng.
"Hành động ăn cắp và trộm cắp từ các nhãn hiệu khác là không thể dung thứ trên toàn cầu. Phát triển các nhãn hiệu tự sáng tạo là cách duy nhất làm các thương hiệu Trung Quốc được tôn trọng trên thế giới”, ông nói.
Nhưng ông lưu ý rằng các công ty nước ngoài cũng tấn công không công bằng chống lại các nhãn hiệu sáng tạo của Trung Quốc, gọi đó là sao chép. Các doanh nghiệp Trung Quốc nên sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một vũ khí để bảo vệ chính mình chống lại các nhãn hiệu nước ngoài nổi tiếng đang mất dần sự phổ biến do thiếu sáng tạo, ông Feng nói thêm.
Trong năm 2009, các tòa án khắp Trung Quốc đã xử tổng số 36 nghìn vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ, tăng 29,7% so với năm trước.