Tôn vinh 20 "ông tổ" ngành tìm kiếm trên Internet

    PV, Pyro 

    Hai mươi năm hình thành và phát triển của các công cụ tìm kiếm trên Internet đã đưa loài người đi một bước dài trong việc "tái chế" lượng kiến thức khổng lồ.

    Hai mươi năm về trước, một sinh viên tại Đại học McGill cùng các người bạn cho ra mắt Archie, công cụ tìm kiếm đầu tiên trên Internet. Archie hướng đến các trang sử dụng giao thức FTP trước khi khái niệm web trở nên phổ biến.
     
    Kể từ ngày đó, tìm kiếm đã trở thành một hoạt động lớn trên web. Người ta nảy sinh nhu cầu được biết những gì đang diễn ra xung quanh mình. Dưới đây là những ảnh chụp màn hình của các công cụ tìm kiếm phổ biến trong những ngày đầu mới ra mắt.
     
    Archie (10/9/1990)
     
     
    Alan Emtage, Bill Heelan, và J. Peter Deutsch bắt đầu viết Archie năm 1990 khi đang theo học Đại học McGill ở Montreal. Trong thời kì trước khi World Wide Web ra đời, Archie là công cụ tìm kiếm cho các site sử dụng giao thức FPT trên toàn cầu.
     
    Trong những ngày đầu, người sử dụng sẽ kết nối đến Archie qua Telnet như trong hình. Về sau, người ta có thể tìm Archie thông qua các cổng Gopher và Web. Tuy vậy, các công cụ tìm kiếm về sau với độ linh hoạt cao đã nhanh chóng vượt mặt "ông tổ".
     
    Veronica (1992)
     
     
    Trong một khoảng thời gian ngắn đầu những năm 1990, giao thức Gopher phổ biến rộng rãi trên mạng Internet. Gopher là một mạng lưới các menu phân cấp được liên kết với nhau trên thế giới ảo, cho phép người dùng duyệt qua các website, đọc tệp tin văn bản hay tải về file nhị phân một cách thuận tiện.
     
    Khi số lượng các trang Gopher bùng nổ, người dùng cần một phương tiện để tìm kiếm thông tin trong các trang đó. Veronica, ứng dụng lấy tên một nhân vật từ bộ truyện tranh có tên Archie – giống như tên người tiền nhiệm Archie của nó – sẽ tìm kiếm thông tin trên lượng trang Gopher khổng lồ như trong hình với trình duyệt web hỗ trợ giao thức.
     
    ALIWEB (1993)
     
     
    ALIWEB (viết tắt của Archie Like Indexing for WEB) là công cụ tìm kiếm đầu tiên dành cho World Wide Web. Công cụ này hoạt động dựa trên những người ghé thăm site và cung cấp các địa chỉ Web cho nó. Tuy nhiên, có rất ít người như thế và kết quả là ALIWEB nhanh chóng tàn lụi.
     
    EINet Galaxy (1994)
     
     
    Galaxy là một trong những Web catalog được xử lý trưc tiếp (thay vì tự động thu thập thông tin) với công cụ tìm kiếm riêng biệt. Trong hình là giao diện của Galaxy khi mà HTML còn chưa được hỗ trợ chế độ màu nền.
     
    Yahoo (YHOO) (1994)
     
     
     
    Yahoo khời nguồn là một catalog do người quản lý, bao gồm đường dẫn tới các trang trên mạng. Công cụ này nhanh chóng trở thành một thành phần không thể thiếu cho việc tìm kiếm các trang web cho tất cả mọi chủ đề. Kể cả khi Google phát triển và chiếm lĩnh thị phần tìm kiếm trên mạng trong thập kỉ sau đó, Yahoo vẫn là điểm đến cho những người dùng web muốn tìm kiếm nội dung cụ thể.
     
    WebCrawler (1994)
     
     
    WebCrawler là một trong những công cụ tìm kiếm đầu tiên tự động tìm và đổi sang các trang web mới bằng cách “bò” từ link này sang link khác. Hầu hết các công cụ tìm kiếm hiện đại đều dựa trên phương thức tìm kiếm này để giữ cho index của chúng luôn được cập nhật.
     
    Lycos (1994)
     
     
     
    Michael Loren Mauldin tạo ra Lycos khi làm dự án nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon năm 1994. Ngay sau đó, Lycos được tung ra với tư cách một trang web độc lập và nhanh chóng được biết đến với số người ủng hộ khá đông. Công cụ này nhanh chóng chuyển thành cổng thông tin điện tử, rồi sau đó là website nổi tiếng. Ngày nay, Lycos vẫn được nhắc đến như phương tiện truyền thông có ảnh hưởng lớn trên web.
     
    Infoseek (1995)
     
     
    Infoseek là một nỗ lực khác để xây dựng t thư mục tìm kiếm toàn diện trên web. Infoseek đã đạt được những thành công nhất định với 7,3 triệu lượt ghé thăm trong tháng 9/1997 – một con số rất ấn tượng trong thời điểm đó. Tuy nhiên, Infoseek đã bị lu mờ dần trước các đối thủ cạnh tranh như Yahoo, AltaVista, và sau này là Google.
     
    MetaCrawler (1995)
     
     
    Là một trong những website đầu tiên cho phép người sử dụng tìm kiếm nhiều đường dẫn cùng một lúc, MetaCrawler nhanh chóng lọt vào "mắt xanh" của người dùng. Ví dụ, bạn muốn tìm kiếm thông tin về “các loại cây” và nhận được kết quả tìm kiếm từ Yahoo, Lycos, thì với WebCrawler, tất cả các thông tin sẽ được hiện trên cùng một trang. Ngày nay, MetaCrawler vẫn tồn tại cho dù không còn lấy thông tin từ những trang cũ như trước nữa.
     
    Excite (1995)
     
     
    Excite là thư mục web và cổng thông tin khá đồ sộ với một quãng thời gian ngự trị tương đối dài, được hỗ trợ bởi nhiều nguồn vốn liên doanh lớn. Tuy nhiên, thật đáng tiếc cho trang web khi chưa bao giờ đứng ở vị trí đầu trong thế giới ảo. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào. Excite cũng qua tay nhiều chủ. Ngày nay, công cụ này tồn tại như một biểu tượng sống của những năm 1990.
     
    AltaVista (1995)
     
     
    AltaVista được khởi đầu với tư cách dự án tìm kiếm Web của Tổng công ty Thiết bị Kĩ thuật số. AltaVista đã trở thành công cụ tìm kiếm thông tin phổ biến nhất trong khoảng giữa và cuối những năm 1990, giữ vững vị trí cho đến khi Google tiếm ngôi sau này.
     
    Năm 1996, Yahoo bắt đầu sử dụng AltaVista để tăng cường kết quả tìm kiếm trên web. Từng được công nhận với giao diện hợp lý, công cú lại nhanh chóng mất thị phần vào năm 1999 sau khi thay đổi sang dạng cổng thông tin điện tử một cách hỗn tạp.
     
    Yahoo (1996)
     
     
    Một phiên bản hồi sinh của Yahoo với nhiều màu sắc và ứng dụng, điểm nhấn quan trọng là dấu (!). Năm 1996, Yahoo đã đặt một bước chân khá ấn tượng trên Internet và phát triển lớn dần. Sau đó, hãng bắt đầu giới thiệu thêm những dịch vụ khác như mail, game, và tin tức, biến web thành một điểm đến trên Web chứ không chỉ là một công cụ tìm kiếm thông thường.
     
    HotBot (1996)
     
     
    Là dịch vụ tìm kiếm của Wired Digital, Hotbot đi kèm với các lựa chọn khác của hãng. Về sau, Lycos có được HotBot. Mặc dù vẫn tồn tại cho đến ngày nay nhưng HotBot như đang báo trước kết thúc cho những công cụ tìm kiếm khác.
     
    Ask Jeeves (1996)
     
     
    Ask Jeeves khuyến khích người dùng tìm kiếm web qua các truy vấn bằng ngôn ngữ tự nhiên, chẳng hạn như "có bao nhiêu độc giả PC World?". Jeeves, một nhân vật hư cấu với hình ảnh người hầu, sẽ có câu trả lời trong khả năng của mình.
     
    Năm 2006, Ask Jeeves bỏ phần "Jeeves" trong tên mình đi và trở thành Ask.com.
     
    Northern Light (1997)
     
     
    Xuất hiện năn 1997 với một phong cách thiết kế độc đáo so với các trang như AltaVista, Northern Light cũng nhận được khá nhiều lời khen cho số lượng các chỉ mục của mình. Ấy thế mà Northern Light đã phải đóng cửa khi công ty mẹ của trang web này đổi chủ năm 2002.
     
    Google tại Stanford (1997)
     
     
    Năm 1996, Larry Page và Sergey Brin bắt đầu một dự án nghiên cứu một công cụ tìm kiếm với tên “Backrub” tại Đại học Stanford. Công cụ tìm kiếm này sử dụng phương pháp phân tích các backlink của nhiều site khác nhau để xác định sự liên quan trong tìm kiếm – một phương pháp hoàn toàn mới vào thời điểm đó. “Backrub” về sau đổi tên thành “Google”, tuy nhiên vẫn được host bởi Standford dưới tên miền google.stanford.edu cho đến hết năm 1997.
     
    Yahooligans! (1998)
     
     
    Yahooligans! là một trang phụ đầy màu sắc vui tươi của Yahoo với một môi trường tìm kiếm thân thiện với trẻ em. Yahooligans! về sau trở thành Yahoo Kids.
     
    Google.com (1998)
     
     
    Google bỏ lại sự kết hợp với Standford và ra mắt website độc lập vào năm 1998 tại địa chỉ google.com. Trang web đã giành được sự chú ý từ những “con mọt” web nhờ cái tên khác lạ và kết quả tìm kiếm tuyệt vời. Miệng truyền miệng, chỉ trong một vài năm, Google đã trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất.
     
    MSN Search (1998)
     
     
    Microsoft giới thiệu kế hoạch chinh phục thị phần tìm kiếm trên web với công cụ MSN search năm 1998. Công cụ này giữ được mức phổ biến chủ yếu nhờ vào việc được tích hợp sẵn trên trang chủ mặc định của Internet Explorer, một trình duyệt web “tình cờ” là mặc định của hệ điều hành phổ biến nhất thế giới Microsoft Windows. MSN Search đổi tên thành “Windows Live Search” năm 2006, “Live Search” năm 2007, và “Bing” năm 2009.
     
    Những công cụ tìm kiếm hiện nay
     
    Mặc dù Google đang chiếm lĩnh thị phần tìm kiếm một cách tuyệt đối (đến mức “google” đã trở thành một động từ quen thuộc) thì các trang web tìm kiếm khác cũng đang có những dấu hiệu đi lên khả quan, đặc biệt là Bing của Microsoft. Ngoài ra, từ một góc nhìn khác, Facebook trong thời gian gần đây đã cũng vượt qua Google về số lượng người ghé thăm hàng ngày rồi địa chỉ được nhiều người ghé thăm nhất. 
     
    Liệu Google có thể giữ vững được ngôi vị tìm kiếm số một như hiện nay hay không? Câu trả lời có lẽ là có, nhưng sẽ đi kèm với rất nhiều các nỗ lực cần phải bỏ vào.