3. Hướng dẫn ép xung chi tiết
Một số chuẩn bị trước khi tiến hành:
- Download & cài đặt bộ phần mềm GenK.vn đã giới thiệu.
- Tìm hiểu review từ các trang chuyên về phần cứng đáng tin cậy. Trong các review đó, họ luôn dành một mục nói về khả năng ép xung của card đồ họa.
- Tham khảo thông số của các phiên bản được ép xung sẵn. Việc tham khảo này sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian.
Kiểm tra độ ổn định của quá trình ép xung.
Gồm 2 bước:
Bước 1: Chạy Graphics Test 1//JANE NASH của 3DMark Vantage. Nếu cảm thấy sốt ruột, bạn có thể chỉ cần cho chạy một nửa test này là đủ.
Bước 2: Chạy FurMark trong khoảng 4 phút. Chú ý thiết lập Fan speed (tốc độ quạt) hợp lý, nếu nhiệt độ card đã vượt quá 85° C mà có xu hướng tăng nhanh thì tắt FurMark ngay lập tức. Bước này chỉ cần làm sau các nấc ép xung lớn hoặc sau mỗi lần tăng Core voltage. Ví dụ: bạn đã kiểm tra ở mức xung 800 thì đến mức xung 820 mới phải kiểm tra lần nữa.
Các dấu hiệu cho thấy ép xung không ổn định:
- Trong khi chạy Graphics Test 1//JANE NASH, nếu xuất hiện các chớp sáng lạ trên màn hình thì chứng tỏ card đồ họa đang bị thiếu điện, hãy tăng thêm Core voltage hoặc giảm Core clock.
- Nhiệt độ FurMark tăng quá 85° C và còn có xu hướng tiếp tục tăng. Thực tế thì FurMark vắt kiệt sức card đồ họa hơn chơi game rất nhiều nên nếu chỉ loanh quanh mức 85° C thì không có gì đáng ngại cả. Tuy nhiên, vào những ngày nóng nực bất thường thì có thể chiếc card của bạn sẽ gặp nguy hiểm. Hãy ghi nhớ điều này!
- Bị treo, báo lỗi “Display driver stopped responding and has recovered” trong lúc chạy FurMark có thể do nguyên nhân thiếu điện.
- Mất tín hiệu hình ảnh, màn hình tắt khi đang test là dấu hiệu của card đồ họa quá nóng.
- Xuất hiện rách hình, xé hình – có khả năng Memory clock quá sức chịu đựng của bộ nhớ GDDR. Hãy giảm chỉ số này xuống.
- Xung bị trả về mặc định trong quá trình test hoặc chơi game. Vì vậy, như đã nói ở trên, đưa thông số này vào danh sách theo dõi là việc nên làm.
Tiến hành ép xung
Làm tuần tự các bước sau:
- Giữ nguyên Core voltage, kéo Core clock tăng lên. Vào thời điểm đầu, bạn có thể mạnh dạn kéo mỗi lần 20MHz, nhưng càng về sau càng phải thận trọng, giảm dần xuống 10 rồi 5MHz mỗi lần kéo.
- Tiến hành kiểm tra độ ổn định. Nếu nhiệt độ tăng quá cao thì nên dừng.
- Nếu card đồ họa có biểu hiện thiếu điện thì tăng Core voltage lên một mức. Tùy vào mỗi chiếc card mà Core voltag có bước tăng khác nhau, có thể là 10 hay 15 mV mỗi bước.
- Lặp lại bước đầu tiên.
Thực ra, mò mẫm như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu làm theo trình tự xáo trộn một chút, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn. Độc giả hãy theo dõi hướng dẫn trực quan để rõ hơn.
4. Hướng dẫn trực quan: làm mẫu với card đồ họa Sparkle GTX 460 1GB
Dòng card đồ họa GTX 460 nói chung có khả năng ép xung cực ấn tượng, có thể tăng hiệu năng đến 20% một cách dễ dàng.
Đây là phiên bản GTX 460 1GB giá thành rẻ nhất tại Việt Nam hiện nay (200 USD), đồng thời cũng có tản nhiệt kém nhất. Mức xung Core/Memory mà nhà sản xuất Sparkle định sẵn là 700/900 – cao hơn một chút so với bản chuẩn 675/900 của Nvidia. Chiếc card có Core voltage mặc định 0,987V và Core voltage tối đa chương trình cho phép tăng là 1,087V.
Trước khi bắt tay tiến hành, người viết thực hiện tìm hiểu thông tin trước:
- Một trong những phiên bản ép xung sẵn cao nhất và nổi tiếng nhất là MSI GTX 460 Hawk Talon Attack có mức xung 810/975.
- Theo các review từ các nguồn nổi tiếng, GTX 460 đạt được mức Core clock ổn định tối đa vào khoảng 880MHz – dao động chút ít tùy theo phiên bản của từng hãng khác nhau.
Với một số thông tin như vậy, việc ép xung của chúng ta sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Sau đây là quá trình ép xung mà người viết thực hiện.
Hawk Talon Attack có tản nhiệt khủng hơn.
Core voltage có thể tăng 12-13mV mỗi bước. Biểu đồ Fan speed (tốc độ quạt) người viết lựa chọn:
Đầu tiên, test FurMark ngay với mức xung mặc định 700/900. Nhiệt độ đi vào ổn định trong khoảng 70-71° C. Fan speed 70% phát ra tiếng động nhỏ. Khá tốt và hứa hẹn khả năng ép xung đáng kể.
Kéo nhẹ lên 720/900. Hoàn toàn ổn định. Nhiệt độ tăng nhẹ lên 72° C.
Tiếp tục nâng lên 740/900. Vẫn chưa có biểu hiện bất thường xảy ra.
Tuy nhiên cứ làm thế này thì sẽ hết cả ngày mất! Với thông tin về các phiên bản ép xung sẵn trong tay, không cần mất thời gian mò mẫm, người viết mạnh dạn tăng lên mức xung 810/975 – mức của MSI GTX 460 Hawk Talon Attack ngay lần kéo tiếp theo. Chiếc card vượt qua test JANE NASH của 3DMark Vantage trơn tru, nhiệt độ FurMark ổn định 75-76° C. Fan speed 70%.
Giờ thì mức xung đã khá cao rồi, không thể tăng 20MHz mỗi bước như trước. Người viết chỉ kéo lên 825/975. Hiện tượng chớp sáng do thiếu điện bắt đầu xảy ra. Các chớp sáng này liên tục xuất hiện và biến mất. Lập tức giảm xuống mức xung 820/975, hiện tượng thiếu điện biến mất. Như vậy, muốn vượt qua mức Core clock 820, ta sẽ cần phải tăng thêm điện.
Hãy chú ý các vệt sáng lạ ở góc trái trên bức ảnh.
Như đã biết, với Core voltage 1,087V GTX 460 (có thể) đạt được mức Core clock ổn định tối đa là 880MHz. Người viết kéo thẳng lên Core voltage 1,087V và mức xung 880/1000. Test JANE NASH lại có biểu hiện thiếu điện! Giảm xuống 875/1000 hiện tượng thiếu điện biến mất. Như vậy, Sparkle GTX 460 1GB có khả năng ép xung tối đa là 875/1000. Cũng khá ấn tượng. Tuy nhiên, nhiệt độ FurMark thì hơi nóng: sau 4 phút, nhiệt độ tăng lên và duy trì ở 86 độ C. Lúc này quạt quay 100% hơi ồn ào.
Kết luận rằng: Sparkle GTX 460 hoàn toàn có thể chạy ổn định ở mức xung 875/1000, tuy nhiên phải xem xét lại khả năng dùng chạy hàng ngày.
Do nhiệt độ quá cao thế này, để đi tìm mức xung có nhiệt độ chấp nhận được, người viết quyết định giảm hẳn xuống mức 850/975. Thử giảm Core voltage xuống 1,062V. Chiếc card hoạt động hoàn toàn ổn định. Nhiệt độ ổn định tại mức 83-84 độ C. Fan speed 80%, có thể nghe thấy tiếng gió nhưng hoàn toàn không gây phiền toái khi chơi game.
Vẫn giữ mức xung, thử giảm điện tiếp xuống 1,050V. Vẫn chưa có biểu hiện thiếu điện. Nhiệt độ FurMark dao động 82 - 83°C. Fan speed 80%.
Tiếp tục giảm điện xuống 1,037V. Lúc này các chớp sáng lại xuất hiện. Như vậy có thể kết luận rằng Sparkle GTX 460 chạy ổn định tại mức xung 850/975 và Core voltage 1,050V. Theo nhiệt độ FurMark cung cấp, đây là mức nên dùng để chạy hàng ngày. Còn thực tế ra sao sẽ được trình bày ngay sau đây.
Trong trường hợp này, người viết tạo 4 profile tại 4 mức xung 700/900, 810/975, 850/975 và 875/1000 để tiện chuyển đổi qua lại mỗi khi có nhu cầu.
Lưu ý: Nếu không tìm thấy các thông tin có sẵn, bắt buộc phải làm theo đúng trình tự đã trình bày phía trên. Nôn nóng đốt cháy giai đoạn có thể gây tổn hại đến card đồ họa của bạn.
5. Hiệu năng trước và sau ép xung
Cấu hình thử nghiệm:
Bo mạch chủ: MSI P55-CD53
Bộ xử lý: Intel Core i5 760 @3.6GHz
Bộ nhớ trong: 2x2GB G.Skill RIPJAWS 1600MHz
Card đồ họa: Sparkle GTX 460
Ổ cứng: WD Caviar Black 500GB
Nguồn: Seasonic S12II 620 Bronze
Chúng ta sẽ tiến hành thử nghiệm ở 5 mức xung: 675/900 (mặc định của Nvidia), 700/900, 810/975, 850/975 và 875/1000. Hãy xem kết quả thu được có khả quan hay không:
Rõ ràng hiệu năng tăng lên cực kì đáng kể.
Biểu đồ so sánh tổng quan, lấy mức xung 675/900 làm mốc 100%:
Như vậy, sau ép xung chiếc card của chúng ta tăng đến 22% sức mạnh. Quá tuyệt vời!
Rõ ràng nhiệt độ chơi game thực tế nhẹ nhàng hơn FurMark rất nhiều. Trong quá trình chơi Crysis – game khá sát card đồ họa, nhiệt độ tối đa chỉ chạm 78 độ C. Hệ thống làm việc hoàn toàn ổn định. Như vậy chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng mức xung 875/1000 để chơi game, tận hưởng thêm 22% hiệu năng mà số tiền bỏ ra mang lại.
Lưu ý: Như đã đề cập ở trên, mỗi card đồ họa có khả năng ép xung khác nhau. Không phải sản phẩm nào cũng cho kết quả tốt như chúng ta vừa thực hiện.
Lời kết
Trên đây là những hướng dẫn cơ bản nhất về ép xung card đồ họa. Trong quá trình chu du và học hỏi trong thế giới ép xung, có thể bạn sẽ còn gặp nhiều tình huống phát sinh khác nữa. Nhưng người viết tin rằng, việc chinh phục các rào cản đó cùng với kiến thức thu được sau mỗi lần va vấp sẽ càng khiến bạn không thể rút chân ra khỏi đam mê công nghệ.
Cộng đồng ép xung chính là nơi sản sinh ra nhiều tay chơi “thay linh kiện như thay áo” – không phải lãng phí mà bởi chính khát khao tìm tòi và trải nghiệm không bao giờ cạn thôi thúc. Hãy luôn nhớ rằng, ép xung là công việc đòi hỏi thận trọng và hiểu biết nói chung về các bộ phận trong thùng máy. Chúc bạn thành công!