Những sai lầm ngớ ngẩn nhất mà Steve Jobs từng phạm phải (Phần 1)

    PV, Minh Lết 

    Steve Jobs là một thiên tài, không ai phủ nhận điều đó. Tầm nhìn, sức sáng tạo cùng với lối tư duy của Steve luôn đi trước thời đại nhiều năm. Nhưng CEO của Apple cũng từng mắc vô số lỗi lầm ngớ ngẩn. Sau đây là 1 trong số đó.

    1. Thuê John Sculley điều hành Apple.


    John Sculley (đứng giữa) có lẽ là sai lầm về nhân sự lớn nhất đời Jobs.

    Vào những năm 1983, khi Steve Jobs mới chỉ 28 tuổi, Steve nghĩ rằng mình cần 1 ai đó có nhiều kinh nghiệm hơn, 1 người nắm trách nhiệm cố vấn và hướng dẫn cho mình trong công việc điều hành Apple. Và cuối cùng, người mà Steve tìm được là John Sculley, giám đốc marketing của Pepsi, thậm chí vào thời điểm đó Steve đã phải dùng đến mẹo mực mới "thỉnh" được John Sculley về làm việc cho Apple .

    Câu nói nổi tiếng của Steve khi thuyết phục John Sculley đó là: "Ông muốn bán nước đường cả đời hay là theo tôi thay đổi thế giới?". Rõ ràng Steve là một thuyết khách rất giỏi khi đã "điệu" được John Sculley về với Apple. Mỉa mai thay, chỉ sau có 2 năm, vào năm 1985, Sculley đã chính là người đá Steve Jobs ra khỏi vị trí phụ trách mảng máy tính Macintosh, là mảng kinh doanh chính và hầu như là duy nhất của Apple thời đó.

    Đúng 10 năm sau sự kiện này, Steve than thở với báo chí: "Tôi có thể nói gì đây? Tôi đã thuê nhầm người. Hắn sổ toẹt hết những thứ mà tôi phải mất 10 năm mới gây dựng được, bắt đầu từ bản thân tôi".

    2. Bán sạch cổ phần của mình khi bị đá khỏi Apple.


    Nếu không dại dột bán đi cổ phần của mình khi bị đuổi khỏi Apple năm 85, có lẽ giờ Steve còn giàu hơn bây giờ hàng chục lần.

    Sai lầm nối tiếp sai lầm, sau khi bị John Sculley sa thải, Steve đã hậm hực bán sạch cổ phần của mình ở Apple để đi tìm "một khởi đầu mới".

    Nếu như khôn ngoan hơn và giữ lại số cổ phần đó (khoảng 22%) thì đến giờ, Steve Jobs đã có hàng sáu bảy mươi tỉ USD. Thế nhưng rất tiếc là quyết định của Steve ngày đó đã khiến hiện giờ ông này chỉ còn nắm gữ 0.6% cổ phần của Apple. Tất nhiên, Steve vẫn là 1 tỉ phú đô-la, nhưng rõ ràng là ông ta còn có thể giàu hơn thế nhiều lần.

    3. Để CEO của Google chiễm trệ trong ban lãnh đạo của Apple suốt 3 năm.


    Steve Jobs đã từng có thời tin tưởng hoàn toàn vào Eric Schmidt

    Sự thành công của Android đã và đang gây áp lực lên sự phát triển của iOS. Thế nhưng có phải tự nhiên mà Android của Google lại đột ngột "từ trên trời rơi xuống", thành một quả núi đè ngay giữa bước tiến của iOS? Câu trả lời là không. Sự thành công của Android và việc Android đang dần từng bước gia tăng sức ép của mình lên iOS có một nguyên nhân rất sâu xa, đồng thời cũng vô cùng ngớ ngẩn: CEO của Google (Eric Schmidt) có chân trong ban điều hành của Apple suốt 3 năm trời (2006-2009).


    Nếu Eric Schmidt không có được 1 vị trí nghe lén thuận lợi đến thế, chưa chắc Android đã thành công được như bây giờ.

    Còn gì tệ hơn việc ở nơi bàn việc quân cơ lại có 1 tướng giặc ngồi... lù lù, nghe hết mọi bí mật rồi đem những bí mật đó về để tìm phương án đối phó? Vấn đề là Steve để cho Eric Schmidt được yên ổn suốt 3 năm trời. ở vị trí đó mà không hề nhận ra "giặc chính sau lưng vua đó".

    Eric Schmidt được bầu vào ban lãnh đạo của Apple vào tháng 8 năm 2006 (ông này giữ chức CEO của Google từ năm 2001) thời kỳ đó, quan hệ giữa Google và Apple còn đang nồng ấm. 1 bên chuyên tâm cung cấp dịch vụ tìm kiếm và bán quảng cáo, 1 bên chỉ tập trung đẽo gọt iPod, Macbook làm kế sinh nhai. Nước sông không phạm vào nước giếng.

    Thế nhưng sự ra đời của iOS và sau đó là Android cùng với việc cạnh tranh trong thị trường quảng cáo trên thiết bị di động mới manh nha đã khiến quan hệ của Apple với Google bắt đầu chuyển hướng: Từ hữu nghị thành thù địch. Và vẫn mất hơn 1 năm trời sau khi Android ra mắt để Steve cảm thấy "nóng mắt" trước sự hiện diện của Eric Schmidt, tháng 8 năm 2009, CEO của Google đã phải "cuốn gói" khỏi ban điều hành của Apple. Dù vậy, những thiệt hại của Apple do sự hiện diện của ông này trong ban lãnh đạo suốt 3 năm có lẽ khó đong đếm được hết. Tất cả là do sự "ngây thơ" của Steve Jobs.

    4. "Chọc tức" khách hàng và đối xử với họ như với những thằng ngốc.


    Khách hàng thể hiện thái độ châm biếm với phát biểu của Steve.

    Steve Jobs có thể là một trong những người có tầm nhìn tuyệt vời nhất và có đầu óc kinh doanh sáng láng nhất hành tinh. Nhưng như thế không có nghĩa là tất cả những người khác đều là những kẻ ngu dốt. Có điều, qua cách thể hiện của mình, dường như Steve Jobs nghĩ như thế thật. Khi 1 khách hàng email cho Steve Jobs hỏi về vụ scandal liên quan đến lỗi rớt sóng của iPhone 4 mỗi khi cầm vào phần dưới của chiếc smartphone , ông này trả lời tỉnh bơ: "Thế thì đừng cầm điện thoại như thế nữa".


    Hồi đáp thiếu trách nhiệm của Steve đã trở thành "giọt nước tràn ly" đối với vụ scandal này của Apple. Ngay sau đó, cộng đồng mạng đã đồng loạt đưa lên hàng loạt các bức ảnh châm biếm về lời phát biểu này của vị CEO tiếng tăm.


    Tổng thống Nga cũng không biết cách cầm iPhone.


    Mọi việc trở nên tồi tệ đến mức cuối cùng Apple phải "chữa cháy" bằng việc cấp miễn phí cho người dùng iPhone 4 những chiếc bao đựng để khắc phục tình trạng trên.

    5. Chưa bao giờ ủng hộ từ thiện 1 xu


    Bill Gate và vợ mình là Melinda Gate dùng phần lớn tài sản của mình để thành lập một quĩ hỗ trợ việc đấu tranh chống HIV/AIDS ở các nước đang phát triển. Tỉ phú Rupert Murdoch cũng làm từ thiện rất nhiều. Đối với những siêu tỉ phú như Bill Gate và Rupert Murdoch, làm từ thiện là 1 cách để trả lại xã hội 1 phần những gì mà họ từng được nhận.

    Nhưng Steve Jobs thì không. Chưa từng có 1 trường hợp nào ghi nhận việc Steve bỏ ra 1 xu cho các tổ chức từ thiện.hoặc các quĩ tế bần. Tài sản của Steve lên đến hàng tỉ USD nhưng dường như ông này vẫn không muốn phung phí một đồng nào cho người khác.

    Tất nhiên cũng có khả năng rằng Steve đang bí mật làm từ thiện mà không nêu danh tính cũng như không tiết lộ chuyện này với báo chí. Tuy nhiên khả năng này là rất nhỏ vì đến 99% những tỉ phú làm từ thiện thường đi kèm với những chiến dịch quảng cáo rất rầm rộ. Chủ yếu là vì 2 lý do.

    Thứ nhất là họ muốn "đánh bóng" cho tên tuổi của mình, còn gì đáng phục hơn 1 người đã bỏ ra hàng chục tỉ USD để giúp đỡ những người bất hạnh mà mình không quen biết?

    Thứ 2 là có thể họ muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng về vấn đề mà mình đang tham gia. Việc 1 tỉ phú ủng hộ hàng tỉ USD vào 1 tổ chức từ thiện sẽ khiến cộng đồng chú ý đến tổ chức từ thiện đó nhiều hơn, và kết quả là giúp cải thiện ý thức của cộng đồng về vấn đề mà tổ chức đó muốn khắc phục như nghèo đói, dịch bệnh...

    Rõ ràng việc Steve nhất quyết không chịu ủng hộ từ thiện (hoặc không chịu công bố rằng ông ta ủng hộ từ thiện) đã khiến hình ảnh về 1 CEO độc đoán, tham lam do các Anti-fan dựng lên đã càng trở nên có căn cứ. Rất hi vọng rằng 1 ngày nào đó hóa đơn ủng hộ từ thiện của Steve sẽ bị "lộ hàng" và chứng minh rằng tất cả chúng ta đều sai.

    (Tổng hợp, Còn tiếp)
    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ