- Nếu thành công, Trung Quốc có thể tự phát triển các dòng CPU của riêng mình nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu nội địa mà không phải phụ thuộc vào nước ngoài. - Kiến trúc này có thể dựa trên các kiến trúc CPU có sẵn trên thế giới.
- MIPS có thể là ứng cử viên hàng đầu cho mục tiêu này.
|
Đất nước có quốc kỳ với 5 ngôi sao này cho hay họ vừa xúc tiến một chương trình hồi tháng rồi, nhằm đưa ra một chuẩn kiến trúc xử lý quốc gia. Từ đây, Trung Quốc có thể tự phát triển các dòng CPU của riêng mình nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu nội địa mà không phải lo ngại vấn đề nguồn cung từ các nước phương Tây.
Một mẫu chip 40nm của Trung Quốc.
Ít nhất có 5 kiến trúc vi xử lý khác nhau được đặt ra "bàn cân". Tên của chúng không được tiết lộ nhưng chúng ta có thể đoán ra một số như Alpha, PowerPC, SPARC, MIPS, ARM. Do vấn đề chính sách của chính phủ Mỹ, kiến trúc x86 nhiều khả năng không có trong danh sách "ứng cử" trên.
Các quan chức từ Bộ Công nghiệp & Công nghệ Thông tin của Trung Quốc đã chủ trì một hội thảo hồi cuối tháng 3 về chủ đề này. Ít nhất đã có đại diện từ 20 tổ chức và tập đoàn đến tham dự, bao gồm các tập đoàn "tay to mặt lớn" như Huawei, ZTE...
Thẻ SIM TD-SCDMA của China Mobile.
Đây không phải nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc trong cố gắng tự chủ hoá mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực ICT. Đất nước này từng tạo ra các chuẩn CD / DVD riêng cho bản thân. Họ cũng đồng thời đặt các định nghĩa cho chuẩn mạng 3G với TD-SCDMA. Thế hệ chuẩn mạng 4G, TD-LTE cũng từng được kiểm định tại đất nước này.
Về phần mềm, các dự án Linux không có gì lạ lẫm với đất nước có hình dáng con gà. Bạn đọc công nghệ có thể từng nghe về các hệ thống tường lửa và chính sách "Vạn Lý Trường Thành" của họ. Nhiều vụ tấn công mạng quy mô quốc gia gần đây được cho có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc các nước "thân cận".
Một dự án dựa trên kiến trúc Alpha.
Về mảng bán dẫn, tuy quy mô không đứng đầu và công nghệ không luôn tiên tiến nhất, nhưng SMIC là một niềm tự hào lớn của Trung Quốc. Ít nhất đất nước này có thể tự làm ra những con chip cho bản thân mà không phải lệ thuộc như nhiều nước khác. Dự án chip Loongson (hoặc Godson) dựa trên kiến trúc MIPS của Học việc Công nghệ Thông tin Bắc Kinh từng gây được nhiều chú ý cho cộng đồng phần cứng. Sử dụng tiến trình 65nm nhưng Godson 3B có hiệu năng tương đương những con chip Core i7 32nm của Intel. Và Godson không phải dự án kiến trúc duy nhất của Trung Quốc, Alpha từ Shenwei, SPARC từ Fengtian, còn ARM thì vô thiên lủng các công ty có đăng ký bản quyền.
Do vậy, hội thảo lần này của Trung Quốc được cộng đồng công nghệ hết sức quan tâm. Vì là một dự án quốc gia, vấn đề lợi nhuận lỗ lãi không có ý nghĩa như các công ty tư nhân. Nhiều người cho rằng MIPS có thể là "người được chọn", do chi phí bản quyền thấp hơn hẳn ARM nhưng hiệu năng không hề kém. Ngoài ra MIPS hiện đang
"rao bán mình" và tiền bạc không là vấn đề với Bắc Kinh.
Tham khảo EE Times.