DPI/CPI
DPI (dots-per-inch) hay CPI (count-per-inch) quyết định quãng đường mà con trỏ chuột của bạn đi được trên màn hình tương ứng với mỗi inch mà con chuột di chuyển ngoài thực tế. Thông thường mỗi dot sẽ tương ứng với 1 pixel trên màn hình. Với cùng một quãng đường di chuột, DPI càng cao thì con trỏ chuột sẽ đi được 1 đoạn càng xa hơn.
Vậy game nào thì cần DPI cao? Câu trả lời là chẳng game nào cả, bởi DPI từ 400 đến 800 là đã quá đủ dùng trừ khi bạn thích xoay 3 vòng chỉ với một cú lắc chuột trong các tựa FPS.
FPS
Một thuật ngữ vốn rất quen thuộc để chỉ số khung hình/giây nhưng đối với chuột thì frame ở đây là số lượng “ảnh” mà bộ cảm biến chụp lại trong một giây. Nguyên tắc làm việc của các loại cảm biến quang học là dựa vào ánh sáng phản xạ để lưu giữ các hình ảnh của bề mặt bàn di, và dựa vào các hình ảnh đó để tính toán ra vị trí, hướng di chuyển của con trỏ chuột. FPS càng cao thì số lượng hình ảnh này càng nhiều và cũng đồng nghĩa với việc thao tác của người chơi sẽ càng chính xác.
FPS đặc biệt cần thiết đối với các tựa game bắn súng bởi người chơi sẽ thường xuyên có những cú vẩy chuột với tốc độ cao, và với một con chuột có chỉ số FPS thấp sẽ xảy ra hiện tượng loss – tức là mặc dù đã di chuyển chuột nhưng con trỏ thì vẫn giữ nguyên tại vị trí cũ. Đối với các tựa game non-FPS thì điều này có thể ít xảy ra hơn song không phải là không có nếu như vẫn có những pha xử lý đòi hỏi di chuyển chuột thật nhanh.
Lift Distance
Khá dễ hiểu so với 2 thông số trên, Lift Distance cho biết độ cao tối đa khi nhấc chuột khỏi mặt phẳng mà ở độ cao đó bộ cảm biến vẫn tiếp tục hoạt động, ví dụ một con chuột có Lift Distance 5mm chẳng hạn, khi bạn nhấc nó cách mặt bàn hoặc pad một khoảng < 5mm và rê chuột sang hai bên thì con trỏ chuột trên màn hình vẫn làm việc.
Tại sao lại phải quan tâm đến Lift Distance? Nếu bạn đã từng trực tiếp xem các pro gamer FPS thi đấu, bạn có thể thấy rằng đa số họ đều sử dụng chuột với mức sensitivity khá thấp (tất nhiên vẫn có những trường hợp đặc biệt, nhưng không nhiều), và chuột phải di chuyển trên một phạm vi khá rộng. Điều này dẫn đến thao tác nhấc chuột (để đưa con chuột về vị trí ban đầu) được thực hiện khá thường xuyên, và với một con chuột có Lift Distance cao thì bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy sự khó chịu khi mà hồng tâm thường xuyên bị lệch mỗi lần nhấc chuột lên. Vì vậy mà đối với những game thủ FPS thì việc chọn một con chuột có Lift Distance cao là điều tối kỵ.
Refresh Rate/ Polling Rate
Tên gọi khác nhau có thể tùy vào từng hãng sản xuất và loại chuột, nhưng nhìn chung Polling Rate cho biết tần số mà sensor lấy mẫu trong một đơn vị thời gian, cụ thể là 1 giây. Ví dụ rate 500Hz tức là trong 1 giây sẽ có 500 lần chuột gửi thông tin về cho máy tính.
Polling Rate càng cao đồng nghĩa với việc máy tính sẽ thường xuyên nhận và xử lý những thông tin về con trỏ chuột một cách thường xuyên hơn, khiến cho con trỏ chuột di chuyển mượt hơn và hạn chế được hiện tượng loss khi di chuyển chuột nhanh (hạn chế chứ không gia tăng giới hạn loss của cảm biến). Tốc độ di chuyển chuột của các game thủ FPS là vào khoảng từ 0,5m/s đến 2m/s, vì vậy mà khả năng giảm loss của Polling Rate chỉ có ý nghĩa đối với những loại chuột có giới hạn loss của cảm biến nằm trong khoảng này. Bởi nó sẽ gia tăng ngưỡng mà loss bắt đầu xuất hiện, từ đó hạn chế được loss. Còn đối với những cảm biến có giới hạn loss vượt qua mức 2m/s thì tăng Polling Rate chỉ có tác dụng làm cho con trỏ chuột di mượt hơn mà thôi.
Auto Correction
Auto Correction là chức năng tự động khiến con trỏ chuột di chuyển theo một đường thẳng khi bạn di chuột theo một đường nằm nghiêng 1 góc nhỏ so với phương ngang hoặc dọc. Bạn có thể vào Mouse Option của Windows sau đó bật tính năng Enhanced Pointer Precision sẽ có thể lập tức thấy được điều này.
Correction càng cao thì góc này sẽ càng lớn và càng làm ảnh hưởng đến khả năng di chuyển chuột một chính xác, một yếu tố rất cần thiết trong bất cứ một tựa game nào. Thử tưởng tượng bạn đang cần kéo con trỏ chuột hơi chếch một chút để ghìm súng khi spray hoặc mic những unit đứng gần sát nhau mà con trỏ chuột cứ đi ngang như cua thì sẽ tai hại thế nào.
Rất may là các nhà sản xuất chuột hiện nay đều đã tích hợp tùy chọn loại bỏ tính năng này và người dùng chỉ cần update lên firmware thích hợp là không còn lo lắng gì về vấn đề này nữa.
Mouse Acceleration
Gia tốc chuột là tính năng làm cho quãng đường dịch chuyển của con trỏ chuột tăng tỉ lệ thuận với tốc độ di chuột, tức là với cùng một khoảng cách rê chuột là 10cm chẳng hạn, nếu bạn rê nhanh thì con trỏ chuột sẽ đi được xa hơn so với rê từ từ và gia tốc chuột càng lớn thì chênh lệch này sẽ càng nhiều.
Hầu hết các game thủ đều tắt bỏ tính năng này bởi trong khi thi đấu có những tình huống đòi hỏi phản xạ di chuột rất nhanh, và nếu có sự can thiệp của gia tốc chuột thì khi đó con trỏ sẽ bị đưa đến vị trí không như mong muốn. Hầu hết các loại chuột gaming đều cho phép tắt bỏ tính năng này trong driver, tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ bởi trong Windows cũng tồn tại tính năng này. Để tắt một cách triệt để bạn cần phải can thiệp vào registry hoặc chèn thêm một số dòng lệnh vào launch icon của game.
Mouse Feet
Lật mặt dưới của bất kì một con chuột nào lên bạn cũng sẽ thấy ở các góc của con chuột có gắn những miếng nhựa mỏng gọi là feet. Tác dụng của những miếng này giúp cho việc di chuyển chuột được trơn tru và thường được làm bằng teflon (1 loại nhựa có đặc tính trơn). Khác biệt giữa feet của gaming mouse với mouse thường đó là kích thước của feet thường lớn hơn rất nhiều và số lượng cũng nhiều hơn, đồng thời chất lượng của các miếng teflon cũng tốt hơn rất nhiều so với những loại thông thường.
Vấn đề về feet chỉ phát sinh khi bạn sử dụng chuột sau một thời gian dài, vì liên tục bị cọ sát với bề mặt pad nên không chóng thì chày feet cũng sẽ bị bào mòn, đặc biệt là đối với những loại pad cứng thì tốc độ bào mòn feet là rất nhanh, chỉ sau khoảng 2 đến 3 tháng là bạn có thể đã phải thay feet mới, còn pad vải nếu là loại tốt thì không cần lo lắng nhiều về vấn đề này.