Chọn một bộ Gaming Gear “đa nhiệm” từ Cooler Master: Thiết bị nào phù hợp? (phần I)

    Minh Dũng, Minh Dũng 

    Trong bài viết này, tôi (một gamer không chuyên) sẽ thử chọn một bộ Gaming Gear từ các sản phẩm của CM Storm sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của phần lớn người dùng yêu game nhưng không đủ thời gian để trở thành game thủ “hardcore” với các thiết bị đắt tiền với vô số nút ấn và đèn đóm đẹp mắt.

    Mặc dù chỉ mới “chân ướt chân ráo” bước chân vào phân khúc thị trường Gaming Gear với dòng sản phẩm CM Storm cùng những thiết bị như tai nghe CM Storm Sirus 5.1, bàn phím cơ QuickFire Rapid, QuickFire Pro hay Trigger nhưng Cooler Master đã gặt hái được ít nhiều thành công với những ý kiến phản hồi khá tốt từ phía game thủ. Sự xuất hiện liên tục của những thiết bị gắn mác “CM Storm - Arming the gaming revolution” (tạm dịch: CM Storm – Trang bị cho cuộc cách mạng chơi game”) cho thấy Cooler Master đang tham gia rất mạnh mẽ vào thị trường Gaming Gear, một mảnh đất màu mỡ mà trước đó hãng đã “nhân nhượng” cho Razer và SteelSeries.
     
    Trong bài viết này, tôi (một gamer không chuyên) sẽ thử chọn một bộ Gaming Gear từ các sản phẩm của CM Storm sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của phần lớn người dùng yêu game nhưng không đủ thời gian để trở thành game thủ “hardcore” với các thiết bị đắt tiền với vô số nút ấn và đèn đóm đẹp mắt.
     
    Tiêu chí lựa đồ của tôi hướng tới các sản phẩm “đa nhiệm”, tức là vừa có đủ chức năng dành cho đại đa số các tựa game đang có mặt trên thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu thường nhật của một người bình thường như lướt web, nghe nhạc, xem phim hay soạn thảo.
     
    Chuột CM Storm Xornet
     
    Sản phẩm đầu tiên lọt vào mắt tôi là chuột CM Storm Xornet. Thiết bị này được Cooler Master giới thiệu vào cuối năm 2011, với vẻ bề ngoài y hệt CM Storm Spawn. Điểm khác biệt lớn nhất khi so sánh giữa Spawn và Xornet có lẽ là màu sắc: Trong khi chuột CM Storm Spawn có tông màu đen – đỏ đan xen thì Xornet gây ấn tượng với vỏ ngoài hoàn toàn màu đen được sơn nhám nhìn khá sang trọng.
     
     
    CM Storm Xornet có kích thước 107 x 75 x 35mm, hơi nhỏ so với những mẫu chuột chơi game khác trên thị trường. Chuột chỉ dành riêng cho người dùng thuận tay phải, với thiết kế được gọi là “Ergonomic Claw” giúp cả năm ngón tay của người dùng đều có vị trí tiếp xúc rất thoải mái và khi cầm đúng cách sẽ tạo hình bàn tay của bạn như một bộ móng vuốt. Tuy nhiên do kích thước nhỏ nên CM Storm Xornet chỉ phù hợp với kiểu cầm Finger Tip, tức là việc di chuyển chuột của người dùng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các ngón tay.
     
     
     
     
     
    Hai bên thân của CM Storm được bọc cao su với hoa văn bề mặt là những lỗ nhỏ nhằm tăng tính bám tay cho người dùng. Trên thân chuột được trang bị bốn nút chức năng: Hai nút tùy biến ở cạnh bên trái và hai nút tăng giảm DPI nằm thẳng hàng với bánh xe cuộn. Mặc định, các cách tăng giảm DPI sẽ cho phép tùy chỉnh theo ba lựa chọn: 500 – 1000 – 2000 DPI và hai nút bên cạnh trái tương ứng với Back và Forward trong cửa sổ Windows hay trình duyệt.
     
     Hai bên thân được bọc cao su nhằm tăng tính bám tay cho người dùng.
     
    Hai nút back/foward ở cạnh trái.
     
    Một điểm tôi rất ưng ở CM Storm Xornet đó là chuột sử dụng các micro switch của Omron, cho tuổi thọ lên tới 5 triệu lần nhấn. Bởi lẽ trải nghiệm khi sử dụng chuột với nút ấn sử dụng switch Omron sẽ khiến bất cứ gamer khó tính nào cũng phải “mềm lòng”: Hành trình phím khá ngắn giúp tốc độ click nhanh hơn và không quá cứng, cảm giác click chuột rất nhẹ và hạn chế tối đa cảm giác mỏi ngón tay khi phải nhấn chuột liên tục trong thời gian dài.
     
    CM Storm Xornet sử dụng các micro switch của Omron cho tuổi thọ lên tới 5 triệu lần nhấn.
     
    Dòng chữ “Omron Mirco Switches” in trên vỏ hộp cũng là một lý do chính khi tôi đã ngay lập tức chọn Xornet. Bởi lẽ tiếng click phát ra từ switch của Omron êm hơn chứ không đanh và có phần chói tai như các swicth thường (điều này có thể cảm nhận được nếu bạn thử nghiệm trong buổi đêm, khi bốn bề xung quanh trở nên yên ắng). Nếu bạn đọc đã từng thử qua chiếc SteelSeries Kana, bạn sẽ thấy rằng tiếng click của Kana khá lớn và cảm giác nhấn chuột hơi nặng, đôi khi sẽ gây khó chịu cho người dùng mặc dù Kana có giá gần gấp đôi chiếc CM Storm Xornet.
     
     
    Với chỉ số Polling Rate lên tới 1000Hz (tương đương với việc một giây sẽ có 1000 lần chuột gửi thông tin về máy tính), sản phẩm này hoàn toàn có thể đáp ứng những game cần phản ứng nhanh. Ngoài ra chuột còn tích hợp cảm biến điều khiển chống trượt, giúp những tình huống “lỡ tay” trong game trở nên an toàn hơn rất nhiều.
     
     
    Mouse Feet chuột sử dụng chất liệu teflon.
     
    Nhìn chung, xét tổng thể thì CM Storm khá phù hợp với những gamer nghiệp dư nhờ tính nhỏ gọn, màu sắc sang trọng, đầy đủ nút ấn với những tính năng vượt trội so với một chuột máy tính thông thường nhưng cũng không đến mức quá nhiều nút như Razer Naga hay DPI “khủng” như SteelSeries Sensei. Với những đặc tính kể trên, CM Storm Xornet xứng đáng là sự lựa chọn dành cho những ai có “nghề tay trái” là game thủ. Chuột đang được Cooler Master Việt Nam bán với giá 690.000 đồng.
     
    Tuy nhiên nếu bạn – Người đang đọc bài viết này là một game thủ đích thực, thì sự lựa chọn nào là dành cho bạn? Câu trả lời là chiếc CM Storm Inferno, tích hợp 9 nút có thể tùy chỉnh trên thân chuột và DPI lên tới 4000.
     
    CM Storm Inferno.
     
    Mousepad CM Storm CS-S Battle pad H2
     
    Tất nhiên, một khi đã chọn CM Storm Xornet thì tôi buộc phải lựa một mousepad sao cho phù hợp nhất với con chuột của mình. Bởi cặp đôi mouse – mousepad là hai thứ cần phải liên quan tới nhau nhất khi lựa chọn một bộ Gaming Gear.
     
    Vỏ hộp đựng mousepad có dán một miếng vải nhỏ hình chữ nhật bên ngoài để người mua "test" chất liệu. 
     
     
    Tôi đã quyết định chọn bàn di chuột CM Storm CS-S Battle Pad H2, mặc dù nhìn tổng thể toàn bộ số mousepad của Cooler Master thì CS-S Battle Pad H2 trông có vẻ ít “pro” nhất. Tuy nhiên, chiếc pad này chắc chắn là sự lựa chọn hợp lý dành cho những “fan cuồng” game nhưng lại bị giới hạn bởi ví tiền, học tập, công việc.
     
    CS-S Battle Pad H2 có kích cỡ 260 x 210 x 2mm, thuộc dòng pad mỏng và nhỏ. Mặc dù rất ấn tượng với hình khẩu M4 trên chiếc pad CM Storm CSM Weapon of Choice M4 DM, hay hoa văn “đơn giản nhưng đẹp” của HSM Battle Pad SSK, nhưng do một chiếc có độ dài tới 405mm, chiếc còn lại là pad cứng nên tôi buộc lòng loại chúng ra khỏi đầu.
     
    Mousepad có độ dày 2mm.
     
    Đối với những người thường xuyên phải di chuyển, để có thể đem mousepad đi trải nghiệm game ở văn phòng hay quán cafe, tôi khuyên bạn hãy chọn bàn di chuột được làm từ vải mềm, không to quá 300mm và dày từ 5mm đổ xuống. Tôi chọn CS-S Battle Pad H2 chỉ đơn giản vì bàn di chuột này hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí đó.
     
    Một điểm thú vị nữa tới từ chiếc CS-S Battle Pad H2: Bề mặt di chuột được làm từ chất liệu vải có tên là H2Glide, một vật liệu sẽ khiến chiếc mousepad này “ở giữa” khái niệm Control và Speed. Tôi sẽ lấy ví dụ một chiếc mouspad “huyền thoại” được các gamer Việt ưa chuộng: Nếu bạn thấy bề mặt của chiếc Goliathus Speed trơn láng, các sợi vải được may rất khít nhau, còn Goliathus Control lại hơi “rỗ” và “lì” với cấu trúc thưa thì bạn có thể tưởng tượng rằng, vật liệu H2Glide khiến bề mặt của chiếc CS-S Battle Pad H2 trông nhám hơn Goliathus Speed nhưng vẫn mịn hơn Goliathus mặt Control.
     
    Phần dưới được làm từ 100% cao su tự nhiên.
     
    Mặt dưới của CS-S Battle Pad H2 được làm từ 100% cao su thiên nhiên, nên về cơ bản bàn di chuột này chống trượt rất tốt. Nhìn chung, với những đặc tính nêu trên thì CS-S Battle Pad H2 tất nhiên không thể bằng được so với những chiếc bàn di dành cho gamer chuyên nghiệp. Nhưng với mức giá chỉ khoảng 160.000 đồng, nhỏ gọn và dễ mang theo, CS-S Battle Pad H2 sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho những gamer nghiệp dư.
     
    Cũng với thắc mắc như trên, nếu là game thủ chuyên nghiệp thì bạn nên chọn mousepad nào? Câu trả lời là hãy thử tìm hiểu chiếc CM Storm CSM Weapon of Choice AK DM hoặc HSM Battle Pad SSK nếu bạn muốn pad cứng.
     
     
    Có thể nói, dòng sản phẩm CM Storm của Cooler Master chưa thực sự đa dạng và thu hút game thủ, nhưng vốn đã nổi tiếng với các sản phẩm chất lượng cao và được chăm chút tỉ mỉ, hứa hẹn trong tương lai Cooler Master sẽ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía các gamer.
     
    Trong phần II của bài viết, tôi sẽ tiếp tục lựa chọn Gaming Keyboard và Gaming Headset – Hai sản phẩm cuối cùng tạo nên một bộ Gaming Gear. Mời độc giả đón đọc bài đăng Chọn một bộ Gaming Gear “đa nhiệm” từ Cooler Master: Thiết bị nào phù hợp? (phần II)” vào lúc 8 giờ ngày 11/5/2012, tại chuyên mục Đồ chơi số, GenK.vn.
     
    (Ảnh: Minh Dũng)
     (Còn tiếp)