Con người đã sử dụng những bộ áo giáp từ hàng ngàn năm trước. Những thợ săn thời cổ đại mặc áo bằng da thú, những chiến binh thời xưa mặc áo giáp sắt khi lâm trận... Những bộ áo giáp đã phát triển đến mức những chiến binh thời ấy gần như là bất khả xâm phạm, tuy nhiên, súng đạn ra đời vào khoảng những năm 1500 đã thay đổi tất cả. Những phát đạn của thời kỳ ấy có thể xuyên qua những lớp kim loại mỏng của áo giáp, tuy có thể tạo ra các bộ giáp sắt dầy hơn, có thể chống được đạn, nhưng những bộ áo giáp như thế sẽ trở nên quá nặng nề, không thích hợp để sử dụng trong chiến đấu.
Ngày nay, áo chống đạn được chia thành 2 loại chính là những loại áo mềm làm bằng sợi tổng hợp và áo cứng có trang bị thêm những tấm ceramic hoặc kim loại. Thông thường thì cảnh sát, quân đội sử dụng những loại áo giáp mềm nhưng trong những tình huống có nguy cơ bị tấn công cao, họ lại sử dụng các loại áo giáp cứng. Bài viết sẽ giúp các bạn hiểu thêm về những loại áo bảo vệ này.
1. Những chiếc áo chống đạn bình thường
Làm cách nào những những miếng vải mỏng có thể chống lại được sức công phá của đạn? Đó là nhờ trong lõi của áo chống đạn có một chiếc lưới vững chắc được tạo nên bởi những sợi vật liệu đặc biệt.
Nguyên lý làm việc của chiếc áo chống đạn cũng như một chiếc lưới trong bóng đá. Quả bóng được sút đi sẽ có năng lượng, khi nó chạm vào lưới, những sợi dây kết thành tấm lưới nơi quả bóng bay vào sẽ bị kéo dãn ra, điều này làm cho lực sút phải dàn trải trên một diện tích lớn hơn. Hơn thế nữa, tất cả những sợi dây trong tấm lưới lại được kết nối với nhau, khi quả bóng bay vào một điểm bất kỳ trên tấm lưới, những sợi dây nơi quả bóng lao vào sẽ kéo những sợi dây bên cạnh nó, những sợi dây này lại kéo những sợi dây khác ở bên cạnh nó. Cứ như vậy, cho dù trái bóng có lao vào vị trí nào trên tấm lưới đi nữa thì cả tấm lưới cũng sẽ cùng làm giảm năng lượng của trái bóng.
Tuy nhiên, lực bắn của đạn mạnh hơn rất nhiều so với lực sút bóng, vì vậy, vật liệu làm áo giáp chống đạn cũng phải chắc chắn hơn nhiều. Vật liệu thường được sử dụng để làm áo chống đạn là sợi Kevlar, đây là loại sợi nhẹ, giống như các loại sợi vải thông thường. Tuy nhiên, những tấm lưới làm từ sợi Kevlar lại chắc chắn hơn 5 lần so với những miếng kim loại có cùng khối lượng, những tấm lưới này có thể chịu lực công phá rất lớn.
Những nhà nghiên cứu đang phát triển loại vật liệu mới chắc chắn hơn Kevlar. Vectran là loại vật liệu đã gần nghiên cứu thành công và đang sẵn sàng thay thế Kevlar. Ngoài ra còn có những loại vật liệu nữa đang được nghiên cứu như sợi thép, ống carbon hay thậm chí những vật liệu tưởng chừng rất đỗi bình thường như tơ nhện, lông gà cũng đang được nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất áo chống đạn nhẹ.
Do có cấu trúc lỗ tổ ong, lông gà có thể chống lực va đập tốt và đang được nghiên cứu làm vật liệu cho áo chống đạn.
2. Và khi những chiếc áo được gia cố thêm
Nhược điểm của các loại áo mềm làm bằng sợi tổng hợp cũng chính ở nguyên lý làm việc của nó. Như đã nói ở trên, tấm lưới trong chiếc áo giống như lưới gôn, tuy lực sẽ được dàn trải trên toàn bộ tấm lưới nhưng điểm nhận lực của quả bóng sẽ phải lùi vào rất sâu. Nếu điều này xảy ra ở những chiếc áo chống đạn, viên đạn sẽ không thể đi xuyên qua người mặc nhưng vẫn sẽ để lại những tổn thương bên trong cơ thể.
Để đảm bảo chống đạn hiệu quả, những chiếc áo chống đạn phải dàn trải lực tác động lên toàn bộ tấm áo sao cho không có điểm nào trên áo phải chịu lực lớn hơn những điểm khác. Những sợi dây tạo nên tấm lưới trong áo sẽ được vặn xoắn lại để tăng độ cứng cũng như độ dầy ở mỗi điểm trên áo, thậm chí chiếc lưới này còn được phủ nhựa và kẹp vào giữa 2 tấm phim nhựa. Tuy nhiên, những chiếc áo có 1 lớp lưới vẫn khó có thể bảo đảm an toàn cho người mặc, vì vậy, người ta thường đặt nhiều lớp lưới vào trong một chiếc áo. Khi đạn bắn qua những lớp lưới này, mỗi lớp lưới lại làm giảm một phần lực của viên đạn. Thậm chí, trên những chiếc áo chống đạn còn có những chiếc túi được may ở cả trong và ngoài áo, những chiếc túi này sẽ được cho những tấm ceramic (gốm) hoặc những miếng kim loại vào. Nếu như chiếc áo chống đạn thật sự tốt, người mặc vẫn sẽ cảm thấy lực tác động của viên đạn nhưng là lực dàn trải trên toàn bộ tấm áo chứ không phải ở một điểm duy nhất. Tuy nhiên, vì chiếc áo được làm với nhiều lớp, lại được độ thêm những tấm ceramic vào nên chúng khá cồng kềnh, nặng nề.
Không có loại áo chống đạn nào có thể bảo vệ cơ thể một cách hoàn hảo cả. Tại Mỹ, Viện Tư pháp quốc gia là nơi kiểm duyệt và cấp phép cho những chiếc áo chống đạn. Áo chống đạn được chia thành các cấp độ I, II-A, II, III-A, III, IV. Cấp độ I là cấp độ thấp nhất, áo loại I chỉ có thể chống đạn bắn ra từ những loại súng có cỡ nòng nhỏ còn những áo chống đạn cấp độ IV có thể chống cả đạn của súng trường. Tuy nhiên mỗi loại áo lại có ưu-nhược điểm mà kỹ thuật ngày nay vẫn chưa thể khắc phục được, vấn đề là làm sao chọn loại áo phù hợp.
3. Lựa chọn áo chống đạn
Bạn có nghĩ rằng sẽ lựa chọn những chiếc áo chống đạn cấp độ I chứ không phải IV? Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như chống bạo động, cảnh sát và quân đội thường sử dụng áo chống đạn cấp độ thấp. Rõ ràng là bạn không thể đuổi theo những tên tội phạm nếu khoác trên mình những tấm áo nặng nề, cồng kềnh, trong trường hợp này, sự nhỏ gọn của những chiếc áo chống đạn cấp thấp thể hiện rõ ưu điểm gọn nhẹ của chúng. Những chiếc áo cấp IV nhìn có vẻ an toàn, chắc chắn, nhưng như đã nói ở trên, không có loại áo nào là bất khả xâm phạm cả, những kẻ tấn công có thể nhắm vào những vị trí không được bảo vệ, và vì sự cồng kềnh của chiếc áo, người mặc sẽ rất khó để phản ứng lại những đòn tấn công bất ngờ.
Sự thoải mái khi sử dụng cũng như khả năng của những chiếc áo chống đạn chắc chắn sẽ thúc đẩy những nhà nghiên cứu tìm ra các loại vật liệu bền chắc hơn, nhẹ hơn trong tương lai. Ngày nay, đã xuất hiện những chiếc áo chống đạn được thiết kế giống như trang phục hành ngày và với sự lan tràn bạo lực hiện nay, chắc chắn là rất nhiều người muốn sở hữu những chiếc áo này để bảo vệ cho bản thân và gia đình.
Áo chống đạn được thiết kế giống áo vest thường.