Các anti-fan có thể nhìn vào cấu hình để chê bai Galaxy Note 10 quá đắt, nhưng đắt như vậy là có lý do
Samsung chắc chắn phải biết rằng cấu hình của Note 10 chỉ ngang ngửa (hơn kém không đáng kể) với OPPO Reno hay Xiaomi Mi9. Vậy thì lý do gì khiến Samsung đặt giá cho mẫu đầu bảng cuối năm cao bằng 2 chiếc điện thoại này... cộng lại?
Chắc chắn nếu phải chọn ra yếu tố gây tranh cãi nhất về Galaxy Note 10 thì đó sẽ là mức giá. Trong lúc các đối thủ Trung Quốc liên tục tung ra những con bài "đầu bảng hạng hai" giá rẻ, Samsung lại bán Galaxy Note 10 bản "thường" (8GB RAM, 128GB bộ nhớ trong) ở khung giá lên đến gần 23 triệu VNĐ. Bản Note10 thậm chí còn khởi điểm ở giá 27 triệu VNĐ.
Chỉ 1 tuần trước khi ra mắt Note10, Samsung còn than phiền tốc độ bán Galaxy S10 không cao như mong đợi. Đặt giá Note10 ở khung nghìn đô thoạt nhìn có thể coi là "tự sát" về doanh số. Vậy tại sao Samsung lại chọn khung giá này?
Giá trị của dòng Note
Việc Samsung bị các đối thủ cạnh tranh bằng cấu hình và giá bán không phải là năm nay mới xảy ra.
Trước hết, cần phải chỉ ra rằng thứ duy nhất các đối thủ có thể bắt kịp Samsung là cấu hình. Hiện tượng này không có gì mới mẻ, thậm chí là đã kéo dài hơn nửa thập kỷ kể từ khi Xiaomi và OnePlus xuất hiện trên bản đồ toàn cầu.
Thứ khiến cho dòng Note trở nên nổi bật và khác biệt là những tính năng hay "phẩm chất" nằm ngoài cấu hình. Ví dụ, Note9 năm ngoái được DisplayMate xếp vào hàng top về chất lượng màn hình, cạnh tranh ngang ngửa với iPhone XS – vốn có tấm màn cũng do chính Samsung sản xuất. Galaxy S10 5G đầu năm nay đạt điểm cao nhất của DxOMark về chất lượng ảnh chụp và sau đó còn đánh bại dứt điểm kẻ cạnh tranh P30 Pro trong một bài thử nghiệm khách quan (bầu chọn chất lượng ảnh không nói tên máy).
Quan trọng nhất, tính năng của cây bút S Pen cho đến giờ vẫn không một sản phẩm "Note" nào khác có thể bì kịp. Khả năng "biến hình" thành máy tính cũng vẫn là của riêng Samsung. Smartphone phá giá cấu hình của Trung Quốc hiện cũng chưa có nền tảng thanh toán ngang tầm Samsung Pay. Bởi thế, gã khổng lồ Hàn Quốc chắc chắn đã biết rõ người mua Note không chỉ nhắm đến cấu hình.
Samsung biết dòng Note mang trong mình những giá trị mà đối thủ cạnh tranh không thể có.
Samsung đơn giản là có thể
Năm nay không phải là năm đầu tiên Samsung đặt giá dòng Note cao đến vậy. Những năm trước, doanh số của dòng Note vẫn luôn đạt mức đáng mơ ước: năm ngoái, Note9 mất khoảng 1 quý để đạt doanh số gần 10 triệu máy (số liệu Counterpoint). 10 triệu người dùng này nhìn ra được giá trị của dòng Note – giá trị nằm ngoài cấu hình.
Đến năm nay, Samsung vẫn sẽ nhắm vào cùng một nhóm người tiêu dùng này. Samsung không bán Note (hay S) cho người mang tâm lý cấu hình/giá bán.
Bao năm qua, chiến lược này đã bao giờ sai lầm? Apple và Samsung đã liên tục tham gia vào một cuộc đua đẩy giá đến mức điên khùng trong những năm qua, và thực tế là cả 2 đều đã chứng minh giá bán sẽ KHÔNG thể khiến các dòng sản phẩm cao cấp phải gục ngã. Thị trường được bao nhiêu dòng sản phẩm bán ra 10 triệu máy trong 1 quý như Galaxy Note9?
Nghìn đô vẫn bán hàng chục triệu máy, vậy thì hạ giá để làm gì?
Tạo món hời kiểu riêng
Cứu cánh duy nhất của Samsung dành cho nhóm người dùng quan tâm đến giá cả nằm ở bộ quà tặng "khủng". Tại Việt Nam, trước cả khi công ty Hàn Quốc công bố giá bán, các chuỗi bán lẻ đã lên tiếng quảng bá quà tặng lên tới 6 triệu đồng khi mua máy. Phần lớn trong số này là các sản phẩm khác của Samsung như tai nghe Galaxy Buds hoặc loa Harman Onyx (Harman là công ty con của Samsung).
Một lần nữa, đây cũng lại là chiến lược đã được Samsung áp dụng rất nhiều năm qua. Một mặt, Samsung phải giữ hình ảnh đẳng cấp cho Note (và S). Mặt khác, Samsung cũng phải tạo tâm lý món hời vốn đã luôn là "đặc sản" của smartphone Android. Với 2 vũ khí này, dòng Note và S đã luôn bán được hàng triệu chiếc – điều mà không một hãng smartphone Android nào khác có thể làm được. Và nếu đã luôn thành công như vậy, tại sao Samsung lại phải thay đổi cùng Note10?
Thời gian ra mắt
Đừng quên Note là dòng sản phẩm nhắm vào KHUNG THỜI GIAN màu mỡ nhất năm.
Một điểm đặc biệt khác về dòng Note là thời gian ra mắt: nếu Galaxy S là cho nửa đầu thì Galaxy Note là dành cho nửa sau của năm. Galaxy Note sẽ đối đầu với iPhone trong mùa nghỉ lễ tại các thị trường màu mỡ nhất, quan trọng nhất: Trung Thu (Hàn Quốc), Giáng Sinh (Mỹ, Tây Âu) và năm mới (Nhật Bản). Phần lớn người mua tại các thị trường này mua theo hợp đồng dài hạn với nhà mạng, và vì thế mức giá tưởng quá cao lại sẽ được chia thành nhiều khoản chi trả nhỏ, hoàn toàn trong tầm tay của người dùng.
Giữ mặt cho Samsung (và cả làng Android)
Đây có lẽ là lý do quan trọng nhất. Cần nhớ rằng smartphone Android chỉ thực sự được xếp chung vào cùng một đẳng cấp với iPhone khi Samsung đạt được thành công vang dội cùng Galaxy S3 và Galaxy Note2 năm 2012. Phải đến tận 4 năm sau ngày ra đời, Android mới có hai sản phẩm chứng minh có đẳng cấp sánh ngang với iPhone.
Biểu tượng của Android cao cấp KHÔNG thể bị hạ giá xuống dưới tầm iPhone.
Mà khái niệm "đẳng cấp" thì luôn đi kèm với giá bán. Apple và Samsung nâng giá cũng có nghĩa rằng nhóm người dùng smartphone cao cấp của 2 hãng này đi kèm với một quan niệm nhất định về thu nhập và chi tiêu. Nếu bây giờ Samsung hạ giá cho dòng Note quá thấp so với iPhone, Samsung sẽ không có sản phẩm nào cạnh tranh trực diện với iPhone cả. Chắc chắn sẽ có nhóm người dùng mang tâm lý "Không đủ tiền mua iPhone XS thì mua Note". Nếu còn muốn cạnh tranh lâu dài với Apple trên phân khúc cao cấp, Samsung không thể chấp nhận điều này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4