Các doanh nghiệp 'tuyệt vọng' trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu: Mù quáng tìm nguồn cung, hàng loạt bị mắc bẫy mua phải hàng nhái

    Lục Lam, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Những con chip hàng nhái có nhiều loại từ bản sao được thiết kế tinh vi cho đến các bộ phận cũ được "tân trang" lại để trông như mới.

    Các doanh nghiệp cần sử dụng chip đang chấp nhận những rủi ro về chuỗi cung ứng mà trước đây họ chưa từng tính đến và thấy rằng điều này thực sự không hiệu quả. Tận dụng nhu cầu tăng cao, nhiều nhà bán đã chạy quảng cáo để thu hút người mua. Khi chip giả tràn lan trên thị trường, doanh số bán máy chụp X-quang nhằm phát hiện đồ giả cũng tăng bùng nổ.

    Theo Wall Street Journal, đây là một cuộc khủng hoảng về kiểm soát chất lượng, được hình thành bởi tình trạng cạnh tranh để có được chất bán dẫn của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Nếu không có những bộ phận thiết yếu đó, các nhà sản xuất những sản phẩm như đồ gia dụng và xe tải sẽ bị mắc kẹt khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục.

    Các doanh nghiệp tuyệt vọng trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu: Mù quáng tìm nguồn cung, hàng loạt bị mắc bẫy mua phải hàng nhái - Ảnh 1.

    Mùa xuân năm nay, BotFactory – nhà máy sản xuất máy in 3D sản xuất các linh kiện điện tử, không thể tìm được nguồn vi mạch tại bất kỳ nhà cung cấp nào của mình trong nhiều tuần. Cuối cùng, họ phải tìm đến một bên bán hàng trên AliExpress dù chưa nắm được rõ thông tin về sản phẩm. Họ đã gặp rắc rối: các đơn đặt hàng được đóng gói trong bọc nhựa, thay vì túi chống tĩnh điện thông thường.

    Andrew Ippoliti – trưởng nhóm kỹ sư phần mềm của BotFactory, chia sẻ: "Tất nhiều, nhiều trong số đó không thể hoạt động." Ông nghi ngờ rằng, những bộ phận bị lỗi đó là hàng giả.

    Trước khi mua hàng, bên bán hàng đảm bảo rằng toàn bộ là hàng thật, song họ lại im lặng khi nhận được phản hồi về việc sản phẩm không hoạt động. Sau đó, BotFactory đã kiện AliExpress và được hoàn lại toàn bộ số tiền. Cuối cùng, công ty đã mua được khoảng 200 vi mạch nhờ đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất.

    Tại ERAI – công ty lưu trữ hồ sơ về các hành vi sai phạm trong chuỗi cung ứng thiết bị điện tử, những khiếu nại mới được gửi đến gần như mỗi ngày. Kristal Snider – phó chủ tịch cơ quan giám sát, cho biết, người mua từ hơn 40 quốc gia đã gửi hồ sơ về tình trạng lừa đảo qua đường dây viễn thông (wire fraud).

    Thông thường, những kẻ lừa đảo thường dụ dỗ "con mồi" thông qua những nội dung quảng cáo có mục tiêu trên các công cụ tìm kiếm. Sau đó, người mua được đưa đến những trang web có hình thức hào nhoáng và cuối cùng kẻ lừa đảo biến mất sau khi được thanh toán. ERAI đã đánh dấu hàng chục trang web nhưng vậy, nhiều trong số đó có trụ sở ở Hồng Kông.

    Một trong những công ty được gắn mác lừa đảo là Blueschip Co. Họ tự gọi mình là một trong những nhà phân phối linh kiện lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. ERAI cho biết, trang web của công ty có những điểm tương đồng với những trường hợp lừa đảo trước đó, bao gồm cả cách hành văn.

    Các doanh nghiệp tuyệt vọng trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu: Mù quáng tìm nguồn cung, hàng loạt bị mắc bẫy mua phải hàng nhái - Ảnh 2.

    Song, theo một số chuyên gia trong ngành, không phải trường hợp lừa đảo nào trong lĩnh vực này cũng được báo cáo bởi nạn nhân không muốn thừa nhận rằng họ đã mắc bẫy. Ngoài ra, việc tìm kiếm những tên tội phạm cũng không hề dễ dàng, đặc biệt là những trường hợp xuyên biên giới.

    Thực ra, chip giả đã xuất hiện từ trước khi tình trạng khan hiếm như hiện tại diễn ra. Hàng nhái có nhiều loại từ bản sao được thiết kế tinh vi cho đến các bộ phận cũ được "tân trang" lại để trông như mới. Các chuyên gia ngành chip cho biết, nhiều người mua đã phải tăng cường hoạt động kiểm tra, giảm tỷ lệ các bộ phận giả được đưa vào thành phẩm.

    Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip vẫn đang diễn ra, một số công ty đang thắt chặt biện pháp chống gian lận. Tại nhà phân phối Princeps Electronics Ltd., các yêu cầu về thử nghiệm điện tử phức tạp và đắt đỏ nhất đã tăng gấp 4 lần trong năm nay. Quy trình này đòi hỏi những kỹ sư chuyên ngành và một số trường hợp khách hàng phải trả hàng chục nghìn USD để xác thực một con chip 3 USD.

    Trong khi đó, tại Creative Electron Inc., doanh số bán máy X-quang phát hiện chip giả - có giá lên tới 90.000 USD, tăng gấp đôi trong năm qua.

    Nhà phân phối linh kiện điện tử Astute Electronics cho biết họ đang lên kế hoạch mua chiếc máy X-quang thứ 5 để tự kiểm định chất lượng của chip. Dane Reynolds – phó chủ tịch hoạt động cho biết, khi yêu cầu của khách hàng tăng lên, họ đang thực hiện phân tích nhiều sản phẩm hơn và phát hiện ra nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

    Tham khảo Wall Street Journal


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ