Các doanh nghiệp Việt cần thúc đẩy nội địa hóa an ninh mạng

    Quang Vũ,  

    An toàn thông tin (ATTT) tại nước ta đã có những bước chuyển mình tích cực về mặt pháp lý. Song song, các doanh nghiệp trong nước có những bước chuyển mình để đáp ứng với sự chuyển dịch lớn này.

    Mới đây, Giám đốc Chiến lược của VCS - ông Nguyễn Xuân Nam đã có những chia sẻ với Ken Research về các vấn đề xung quanh việc phát triển Hệ sinh thái an ninh mạng trong nước, vai trò của Chính phủ và vị trí của Công ty An ninh mạng Viettel tại thị trường Việt Nam.

    Các doanh nghiệp Việt cần thúc đẩy nội địa hóa an ninh mạng - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Xuân Nam – Giám đốc Chiến lược Công ty An ninh mạng Viettel

    Chuyên gia: Ông nhận định như thế nào về các tác động của luật đối với lĩnh vực ATTT tại Việt Nam?

    Ông Nguyễn Xuân Nam: Chính phủ đang chú trọng vào lĩnh vực an ninh quốc gia. Theo khuyến nghị, các tổ chức nên dành tối thiểu 10% ngân sách đầu tư CNTT mỗi năm cho dịch vụ bảo mật. Các giải pháp, dịch vụ bảo mật nên được cung cấp từ các công ty trong nước như Viettel, CMC, Bkav, …. Chính phủ đang tập trung vào sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước và trong thời gian tới, các doanh nghiệp quốc tế có thể sẽ phải cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.

    Chuyên gia: Theo ông những công nghệ như IoT, Blockchain, 5G, điện toán đám mây sẽ tác động như thế nào đến môi trường an ninh mạng tại Việt Nam?

    Ông Nguyễn Xuân Nam: Dễ thấy nhất là sự phát triển về công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ CNTT do các dự án mới như E-gov, Thành phố thông minh, kéo theo đó là nhu cầu về các dịch vụ an ninh mạng. Các công nghệ trên cần tích hợp với các giải pháp công nghệ tiên tiến trong việc bảo mật thông tin mạng, giảm thiểu các rủi ro mất an toàn, an ninh thông tin.

    Chuyên gia: Theo ông, các công ty an ninh mạng phục vụ chủ yếu cho những ngành công nghiệp nào? Những điểm khó khăn mà người sử dụng phải đối mặt là gì?

    Ông Nguyễn Xuân Nam: Hiện nay, Tài chính ngân hàng là ngành có mối quan tâm lớn nhất đối với bảo mật, ATTT. Công ty An ninh mạng Viettel đã cung cấp các giải pháp bảo mật đầu cuối cho doanh nghiệp trong ngành, như SOAR, SIEM, EDR và Threat Intelligence và các dịch vụ Threat Hunting, Pentest.

    Ngoài ra, theo tôi là việc người dùng không được trang bị đầy đủ kiến ​​thức về bảo mật để ứng phó với sự cố, đa phần vẫn sử dụng các sản phẩm truyền thống để chống virus như tường lửa, bảo mật thư điện tử.

    Các doanh nghiệp Việt cần thúc đẩy nội địa hóa an ninh mạng - Ảnh 2.

    Lễ ra mắt sản phẩm Viettel Threat Intelligence

    Chuyên gia: Năm 2020 là một năm khó quên bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo ông vấn đề này có ảnh hưởng tới thị trường ngành an ninh mạng trong nước không?

    Ông Nguyễn Xuân Nam: Chúng ta có thể nhận thấy tác động lớn nhất là ngân sách của khách hàng giảm xuống và sự cạnh tranh với các công ty nước ngoài cũng tăng lên.

    Để một công ty nước ngoài tham gia vào thị trường nước ta thì phải tìm được ít nhất một nhà phân phối nội địa để kết nối với khách hàng và đưa ra những sản phẩm/giải pháp phù hợp. Đối với các công ty trong nước, thách thức đó là phải có được giấy phép từ Chính phủ để bán sản phẩm và dịch vụ của họ.

    Chuyên gia: Ông có thể cho biết đôi nét về Viettel Cyber Security? Điều gì khiến cho công ty phát triển trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong nước?

    Ông Nguyễn Xuân Nam: Viettel Cyber Security trở thành một công ty độc lập từ năm 2019. Trước đó, công ty hoạt động như một trung tâm an ninh nội bộ trực thuộc Tập đoàn Viettel. Chúng tôi hiện cung cấp 3 dịch vụ chính: dịch vụ quản lý bảo mật, các sản phẩm độc lập và các dịch vụ chuyên nghiệp với ba nhà phân phối là Nam Trường Sơn (NTS), IDC Group và Innet. Các khách hàng lớn của Công ty là Vietcombank, MBBank, VPBank, Vietnam Airlines, EVN và một số cơ quan, ban, ngành khác.

    Trong tổng thị phần ATTT khoảng 66-67 triệu USD, VCS chiếm thị phần khoảng 15%, cao nhất so với các công ty ATTT trong nước.

    Chuyên gia: Được biết VCS đã thay đổi chiến lược trong mô hình kinh doanh, lý do đằng sau sự chuyển đổi mô hình kinh doanh là gì?

    Ông Nguyễn Xuân Nam: Trước đây, VCS triển khai mô hình kinh doanh bán hàng trực tiếp, nhưng hiện tại chúng tôi đã chuyển sang mô hình nhà cung cấp. Theo đó, sản phẩm được bán cho Nhà phân phối để chuyển xuống các Đại lý sau đó mới đến tay khách hàng. Sự thay đổi này giúp mở rộng thị trường và sản phẩm/dịch vụ của VCS đến với khách hàng dễ dàng hơn.

    Chuyên gia: Theo ông xu hướng công nghệ nào sẽ làm chủ trong thời gian tới?

    Ông Nguyễn Xuân Nam: Xu hướng thay đổi trong thời gian tới có thể kể đến việc chuyển dịch sang mô hình điện toán đám mây. Ngoài ra, quyền riêng tư dữ liệu và IoT dự kiến ​​sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tất cả điều này tạo ra một phạm vi mới đối với các dịch vụ ATTT.

    Ken Research là công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới đến từ Ấn Độ. Hàng năm, Ken Research xuất bản các báo cáo uy tín về các ngành nghề tại các thị trường khác nhau, bao gồm Nhận định về Tiềm năng thị trường An toàn thông tin tại Việt Nam.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ