Các game kinh dị “rùng rợn” nhất

    PV, Kiên Định 

    So với những bậc tiền bối năm xưa như Silent Hill hay Fatal Frame, những tựa game kinh dị ngày nay vẫn còn phải học hỏi rất nhiều.

    Tồn tại như một mảng độc lập ít khi thay đổi trong thế giới game, những trò chơi kinh dị được hưởng một đặc quyền so với các dòng game khác là nó không thể bị phán xét bởi bất cứ ai. Ngược lại, nếu như một game thủ không cảm thấy bị cuốn hút bởi một tác phẩm kinh dị thì điều đó là bạn tựa game đó không chọn bạn. Chính vì thế, những tín đồ của dòng game khiến cho mọi người phải hãi hùng vẫn sở hữu một gu “thẩm” game rất riêng.


    Ngày nay, vị trí dẫn đầu của những tác phẩm dạng này đang dần bị chiếm giữ bởi những tựa game hành động có kết hợp với yếu tố kinh dị "xôi thịt" như F.E.A.R. hay Dead Space... Tuy nhiên, trong quá khứ, ngai vàng của nó đã từng thuộc về những tác phẩm đề cao tính sâu sắc và tấn công mạnh vào những cơn ác mộng đáng sợ nhất của con người.

    May mắn khi được tồn tại ở chính thời hoàng kim đã mất đó, hệ máy PS2 đã sở hữu được rất nhiều dòng game kinh dị lừng danh. Trong đó, mỗi series như Silent Hill, Fatal Frame hay Resident Evil đều đóng góp tận vài phiên bản cho hệ máy này. Nếu còn sở hữu món đồ cổ PlayStation 2, mỗi game thủ nên ít nhất một lần thử qua những tác phẩm này bởi so với chúng, “đám hậu bối” ngày nay vẫn còn thua kém rất nhiều.

    Silent Hill


    Trong số 8 phiên bản của dòng game kinh dị lừng danh này thì có đến 4 cái tên xuất hiện trên hệ máy PS2. Ngoại trừ phiên bản đầu tiên, hệ máy này đã chứng kiến những thời khắc rực rỡ nhất trong lịch sử của dòng game Silent Hill với hai phiên bản thứ 2 và 3. Kể từ Silent Hill 4: The RoomSilent Hill: Origins, dòng game này bắt đầu có nhiều biểu hiện tụt dốc và không còn được sâu sắc như trước kia nữa.

    Thật khó có thể định nghĩa chính xác về dòng game được rất nhiều tín đồ kinh dị tôn sùng này bởi nó không chỉ là một trò chơi thuộc thể loại survival horror đơn thuần. Bên cạnh việc đem tới nỗi ám ảnh tột cùng của sự cô lập, của những nỗi sợ hãi đến từ sâu thẳm trong tiềm thức, được kích thích bởi những hiện tượng huyền hoặc xảy ra tại thị trấn Silent Hill.


    Có thể nói, mỗi phiên bản Silent Hill đều chứa đựng những bí mật được giấu kín. Nếu dành đủ thời gian và tâm huyết để xâu chuỗi tất cả những sự kiện trong cả dòng game, bạn sẽ “ngộ” ra được bí mật lớn nhất đằng sau những sự kiện thảm khốc từng xảy ra tại nơi này. Mặc dù vậy, chỉ riêng một phiên bản Silent Hill thôi cũng đã bao hàm rất nhiều bài học đầy triết lý sâu sắc.

    Một phần quan trọng trong thành công của Silent Hill không gì khác chính là những bản nhạc mang một phong cách không thể “đụng hàng” của nhạc sĩ Akira Yamaoka. Những sáng tác của ông không sử dụng yếu tố giao hưởng như phần lớn các  nhạc sĩ ngày nay. Thay vào đó, Akira mang tới một thứ âm nhạc đẹp, ám ảnh và cũng mờ ảo như chính màn sương mù tại thị trấn Silent Hill.


    Nỗi sợ trong Silent Hill là nỗi sợ không có lối thoát, những nạn nhân của thị trấn bị nguyền rủa này mãi mãi bị lạc trong những nỗi ám ảnh kinh hoàng, ẩn giấu sau lớp sương mù dày đặc. Trong đó, sự hành hạ về tâm lý được thao túng bởi một nhân vật đã từng chịu đựng những khổ hình đày đọa ghê gớm nhất tại nơi này trong quá khứ.

    Fatal Frame

    Đại diện cho trường phái kinh dị tâm linh của Nhật Bản, trong quá khứ, Fatal Frame có thể không được nhiều người biết tới như Silent Hill nhưng những trải nghiệm hãi hùng mà nó đem lại thì chẳng kém cạnh chút nào. Thậm chí, Fatal Frame còn mang những bản sắc rất riêng trong cách “hù dọa” người chơi.


    Fatal Frame không quá đề cao tính bí hiểm như Silent Hill. Ngược lại, nội dung của dòng game này không hề đánh đố óc suy luận của người chơi mà chỉ đơn thuần tồn tại như một câu chuyện kinh dị, ám ảnh, lạnh lùng xâm chiếm vào từng sợi dây thần kinh sợ hãi trong đầu của mỗi con người.

    Mỗi khi dõi theo những câu chuyện kinh hoàng, thảm khốc trong game, nỗi sợ hãi “dị hình” của Fatal Frame sẽ kéo căng tâm lý của người chơi như một sợi dây đàn, dồn họ vào những tình huống sợ hãi và yếu đuối nhất. Cảm giác đó giống như phải chạy trốn trong đêm tối trong khi bị bịt mắt.


    Mặc dù vậy, nếu đủ vững tâm để trụ được tới đoạn kết của mỗi phần, mọi người sẽ có thể thở phào nhẹ nhõm và dõi theo một trong những cái kết đẹp nhất trong các trò chơi điện tử cả xưa và nay. Đồng thời, những bản nhạc nền được thể hiện bởi nữ ca sĩ Tsukiko Amano cũng đẹp, thanh thản và đáng sợ chẳng kém gì những nốt trầm u ám trong game.

    Resident Evil

    Sẽ thật sự là một thiếu sót lớn nếu như bài viết không đề cập tới cái tên Resident Evil - ông tổ của dòng game survival horror và một trong những trò chơi đầu tiên đem nỗi sợ từ những thây ma “sống” đến với các game thủ. Trên PS2 có đến 6 phiên bản Resident Evil nhưng chỉ có 2 cái tên đáng chú ý nhất là Resident Evil 4Code Veronica


    Nếu như phần 4 được coi là bước ngoặt lớn, dấu son đưa dòng game này sang một trang sử mới “nặng mùi” hành động hơn thì Code Veronica là tác phẩm đúng chất Resident Evil nhất của hệ máy PS2. Những game thủ “sinh sau” đẻ muộn từ sau năm 90 có thể sẽ không nhận ra được giá trị thật sự của một tác phẩm survival horror nhưng đối với những con người của thế hệ 8x, những phiên bản đầu tiên của Resident Evil lại có một giá trị vô cùng lớn.

    Dòng game này nổi tiếng bởi trong quá khứ, nó đã từng là series game kinh dị hay nhất, tạo tiền đề cho rất nhiều dòng game lừng danh sau này như Alone in the Dark. Không chỉ vậy, nỗi sợ trong Resident Evil cũng rất “thật”. Nó không phải là những hiện tượng huyền hoặc “cân não” người chơi như Silent Hill hay nỗi ám ảnh tâm linh lạnh lẽo như Fatal Frame.


    Resident Evil mang tới nỗi sợ về một thế giới chết, một ngày tận thế có lẽ còn ghê rợn hơn cả Ngày Phán Xét trong Kinh Khải Huyền bởi bạn sẽ đóng vai những con người còn sống sót, những kẻ phải tiếp tục chịu đựng nỗi sợ về một thế giới bị hủy diệt bởi những thây ma khát máu. Không chỉ vậy, để tồn tại, bạn sẽ phải "xuống tay" với những kẻ từng là đồng loại của mình.

    Trong những năm gần đây, dòng game Resident Evil bắt đầu đi theo hướng thương mại hóa nhiều hơn. Thế nên so với những bậc tiền bối của những năm 90, Resident Evil 5 chỉ là một sản phẩm “ăn liền”, “nhạt toẹt” không hơn không kém. Nếu muốn trải nghiệm nỗi sợ đích thực của survival horror, bạn nên lục tìm những đứa con đầu tiên của series này.


    NỔI BẬT TRANG CHỦ