Các nhà khoa học đã thử ném bom nguyên tử vào bia vào soda để xem chúng có còn uống được không

    Dink,  

    Họ thậm chí còn uống thử những thức uống này.

    Khi một quả bom nguyên tử phát nổ, những gì nó để lại phía sau chỉ còn tàn phá, mất mát và đau thương: nhà cửa sập xuống, bất kì thứ gì có thể cháy sẽ cháy, nhiều người tử vong ngay lập tức hay bị nhiễm phóng xạ về lâu dài.

    Tuy nhiên, không phải thứ gì cũng bị hủy hoại bởi bom nguyên tử.

    Thực tế mà nói, những người sống sót sau thảm họa nguyên tử có thể tìm thấy trong đống đổ nát những chai bia, những lon soda để giải khát mà không phải lo lắng (lắm). Đó là những kiến thức trong một bài đăng trên blog NPR, viết bởi Robert Krulwich.

    Từ năm 1945 cho tới cuối những năm 1960, chính phủ Mỹ đã cho thử nghiệm nhiều vụ nổ hạt nhân trên bề mặt sa mạc Nevada. Trong một chuỗi thử năm 1955 có tên Chiến dịch Teapot – Chiến dịch Ấm trà, họ đã cho nổ 14 quả bom nguyên tử để thử nghiệm những thiết kế và hiệu ứng mới. Tiện thể, họ cũng thử luôn xem bia và soda (cả trong chai và trong lon) có sống sót được không.

    Krulwich giải thích trong bài đăng của mình:

    “Năm 1956, Ủy ban Năng lượng Hạt nhân đã cho nổ 2 quả bom, một quả ‘có lượng năng lượng phóng ra tương đương 20 kiloton TNT’, quả còn lại là 30 kiloton, tại một khu thử nghiệm tại Nevada. Những chai và lon nước giải khát đã được đặt ở nhiều vị trí khác nhau từ nơi cho phát nổ quả bom.

    Chỗ nước để gần nhất chỉ cách nơi bom nổ chỉ ‘chưa đầy một phần tư dặm’, nhà sử học khoa học Alex Wellerstein nói, ‘chỉ 1.056 feet (322 mét)’. Một số thì được chôn dưới đất, một số vẫn được đặt nguyên theo lốc, một số thì được đặt cạnh nhau”.

    Đây là cảnh của một trong nhiều vụ nổ được thực hiện trong Chiến dịch Ấm trà:

    Mặc dù bia đặt gần vụ nổ nhất nhiễm xạ nhẹ, các nhà nghiên cứu vẫn xác định rằng chúng hoàn toàn uống được – ít nhất là trong trường hợp thiếu nước khẩn cấp và không có sự thay thế nào khác. Bia và soda đặt càng xa thì càng ít bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. Họ thậm chí còn uống thử những thức uống và đưa ra nhận định rằng vị chúng vẫn như bình thường (chỉ trừ bia và soda tại điểm gần vụ nổ nhất”.

    Nhưng hiển nhiên là việc tìm bia để uống không phải là thứ bạn nên làm đầu tiên khi một quả bom nguyên tử phát nổ, và đó cũng chẳng phải là mục đích chính của nghiên cứu này. Một vụ nổ hạt nhân tạo ra rất nhiều bụi phóng xạ (hiện tượng fallout), đó mới chính là phần hiệu ứng các nhà khoa học muốn nghiên cứu.

    Trên đây là hình ảnh từ Cơ quan Quản lý Khẩn Cấp Liên bang FEMA cho thấy kích cỡ của hiện tượng fallout với những sức nổ khác nhau từ bom nguyên tử. Một số tới từ những vật liệu tạo nên bom, nhưng những hạt đất, cát, đá và những mảnh vỡ khác bị hút vào vụ nổ cũng góp phần tạo nên hiện tượng này. Bay theo gió, những tạp chất phóng xạ này sẽ đi rất xa.

    Khi trường hợp bom nguyên tử phát nổ, ta sẽ phải tìm tới những hầm trú ẩn có vách ngăn dày (nhằm hạn chế tiếp xúc với những vật chất phóng xạ kia) nếu muốn có cơ hội sống sót. Sau đó hẵng nghĩ tới việc đi tìm bia giải khát.

    Tham khảo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ