Các nhà khoa học quốc tế phải tìm tới tận nhà thợ săn Việt Nam, để xin hài cốt chứa DNA loài "kỳ lân Châu Á": Câu chuyện về hành trình 3 thập kỷ - tái tạo bộ gen loài thú quý hiếm cuối cùng được đặt tên trên Trái Đất
Làm thế nào mà dãy Trường Sơn ở Việt Nam lại có thể che giấu sự tồn tại của loài sinh vật này trong suốt hàng triệu năm?
- Nhà khoa học Trung Quốc dùng thơ của vua Càn Long để nghiên cứu loài cá heo hiếm có
- Loài động vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, tuyệt chủng cách đây 70 triệu năm bất ngờ tái xuất ở nơi rất gần Việt Nam
- Các nhà khoa học phân tích 'tiếng nói' của loài tinh tinh lùn và phát hiện ra rằng cú pháp của nó rất giống tiếng nói của con người
- Việt Nam phát hiện loài động vật cực kỳ quý hiếm, có một đặc trưng được ví là "họ hàng" của ma cà rồng
- Gần 1.200 bẫy ảnh ở 21 khu rừng không phát hiện hổ, báo gấm, sao la
Những cuộc đi săn kỳ lân tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết Phương Tây, bây giờ lại đang được tổ chức trong những cánh rừng nhiệt đới ở vùng Đông Dương của Châu Á: Việt Nam.
Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Cell, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Đan Mạch, Na Uy, Hoa Kỳ và Trung Quốc cho biết họ đang phối hợp với các nhà nghiên cứu Việt Nam để tìm kiếm sự tồn tại và phục hồi bộ gen của loài vật được mệnh danh là "kỳ lân Châu Á", loài động vật có vú trên cạn khó nắm bắt thế giới.
Được cho là đã tồn tại trên Trái Đất từ hàng triệu năm trước, nhưng mãi cho đến tận năm 1993, các nhà khoa học thế giới mới biết đến sự có mặt của loài sinh vật này. Lý do là bởi trong suốt 20.000 năm tính từ Kỷ Băng hà gần nhất cho tới nay, quần thể của loài "kỳ lân Châu Á" này chưa bao giờ sinh sản vượt ngưỡng 5.000 cá thể.

Với thân hình giống hươu nhưng có 2 chiếc sừng nhọn, loài sinh vật này đã ẩn mình trong dãy Trường Sơn của Việt Nam như những con kỳ lân trong truyền thuyết. Lần gần nhất người ta bắt gặp nó là vào năm 2013, không phải trực tiếp mà chỉ qua ảnh thu được từ một camera bẫy nhiệt.
Đúng vậy, chúng ta đang nói về cuộc đi săn loài "kỳ lân Châu Á", loài thú trên cạn cuối cùng được các nhà khoa học thế giới biết đến và đặt tên:
Pseudoryx nghệ-tĩnh-ensis
Câu chuyện về loài sinh vật này bắt đầu vào năm 1992, Bộ Lâm nghiệp Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) kết hợp với Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cử một đoàn khảo sát tới Vườn quốc gia Vũ Quang – khi đó mới được thành lập ở Hà Tĩnh - để khảo sát mức độ đa dạng sinh học.
Trong chuyến khảo sát, đoàn chuyên gia có ghé vào nhà của một thợ săn địa phương thì bất ngờ thấy trên tường có treo một hộp sọ động vật với cặp sừng dài, thon và nhọn chưa từng thấy. Nhận định rằng hài cốt này thuộc về một loài sinh vật chưa từng được biết tới, họ đã mua lại nó.

Tình cờ, ngay trong chuyến khảo sát tiếp theo vào ngày hôm sau, nhóm chuyên gia đi sâu vào phía đông bắc khu bảo tồn Vũ Quang thuộc dãy Trường Sơn thì lại phát hiện một cặp sừng tương tự. Các nhà khoa học đã chụp ảnh cặp sừng này và báo cáo về sự tồn tại của nó trên tạp chí Nature số tháng 2 năm 1993.
Bài báo với tựa đề "Một loài bò hoàn toàn mới vẫn đang còn sống ở Việt Nam" đã làm chấn động cộng đồng bảo tồn thế giới cuối thế kỷ 20. Bởi đó là khoảng thời gian mà các nhà khoa học tự tin họ đã lùng sục tất cả các ngóc ngách trên Trái Đất, ít nhất là trên toàn bộ diện tích đất liền, để tìm và đặt tên tất cả các loài thú lớn đang tồn tại.
Trong vòng 100 năm, chỉ có thêm 5 loài động vật trên cạn lớn mới được phát hiện. Loài bò cuối cùng được tìm thấy vào năm 1937, cũng tại bán đảo Đông Dương là Bos sauveli. Làm thế nào mà dãy Trường Sơn ở Việt Nam còn có thể che giấu sự tồn tại của thêm một loài bò nữa, suốt 56 năm kể từ đó?


Bài báo trên tạp chí Nature ngay lập tức tạo ra hiệu ứng dây chuyền. Và thế là cuộc đi săn bắt đầu. Các nhà khoa học Việt Nam đã đặt tên loài động vật chưa biết này là "Sao la" bởi nó có cặp sừng thuôn, nhọn và thẳng giống với cái "sao la" của người dân tộc Thái dùng để se sợi dệt vải.
Danh pháp khoa học của Sao la để đồng bộ với cộng đồng khoa học quốc tế thì được đặt là Pseudoryx nghetinhensis, với "Pseudo" nghĩa là "giả", "oryx" nghĩa là "dê" còn "nghetinhensis" chỉ đến vùng sinh sống của Sao la ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của Việt Nam.
Dịch ra, nó có nghĩa là loài động vật "giả dê" ở vùng Nghệ Tĩnh, bởi trên thực tế, Sao la được xác định là một loài thuộc họ bò. Chúng chỉ có ngoại hình thanh mảnh như một con dê, nhưng cặp sừng lớn trên đầu nói rằng nó phải có nguồn gốc từ một chi bò.
Sự kỳ lạ của Sao la chưa dừng lại ở đó, bởi các loài bò thì thường có sừng cong, Sao la thì lại có sừng thẳng và nhọn, giống với một con linh dương. Cộng với độ quý hiếm của nó, các nhà khoa học Phương Tây đã đặt cho Sao la một biệt danh mới. Họ gọi nó là "kỳ lân Châu Á".
Và thế là cuộc đi săn loài "kỳ lân" bí ẩn nhất thế kỷ bắt đầu

Trong vòng 5 năm từ năm 1992-1997, Vườn quốc gia Vũ Quang đã chứng kiến sự đổ bộ của hàng chục đoàn khảo sát khoa học lớn nhỏ. Họ không chỉ đến từ Việt Nam mà còn từ Pháp, từ Đan Mạch, từ Hà Lan… Mục tiêu chung là lật tung hơn 58.000 hecta rừng ở huyện miền núi Hương Khê và Hương Sơn để tìm kiếm loài Sao la còn sống.
Những đoàn khách quốc tế ban đầu ghé thăm những ngôi nhà nhỏ của những người thợ săn Việt Nam, để thu thập mẫu vật và nghe kể về những lần gặp gỡ Sao la của họ. Một trong số những người thợ săn đó là ông Lê Ngọc Thanh, trú tại thị trấn Vũ Quang.
Ông Thanh nhớ lại, vào khoảng những năm 1976 – 1980, ông và nhiều người khác thường rủ nhau vào rừng đặt bẫy, săn bắt thú rừng và đã bắt được nhiều con "dê sừng dài".
"Trước đây, khu vực xã Hương Quang rất hoang vu, cây cối rậm rạp, chỉ có khoảng 12 hộ dân sinh sống. Loài vật này trước tập trung nhiều ở suối Chi Lời, từ chỗ chúng tôi sinh sống đi bộ đường rừng lên mất khoảng một tiếng đồng hồ", ông Thanh nói.
"Loài Sao la này chúng tôi gọi là dê sừng dài, vì chúng có cặp sừng dài, thẳng vút rất đẹp. Thời điểm đó, chúng tôi săn về để làm thức ăn, chứ không biết là nó quý hiếm như thế nào đâu. Một vài ngày người dân lại bắt được loài vật này. Mãi đến khi được các cơ quan chức năng thông tin là loài động vật quý hiếm, lần đầu tiên được tìm thấy, chúng tôi mới biết".

Cá nhân ông Thanh đã bẫy bắt được 6 con Sao la, giữ lại 3 cặp sừng làm kỷ niệm. Sau khi biết Sao la là loài sinh vật quý hiếm, ông đã bàn giao lại những cặp sừng cho cán bộ kiểm lâm huyện để lưu giữ.
Dựa trên lời kể của các thợ săn như ông Thanh, các nhà khoa học đã vẽ lại được chân dung loài "kỳ lân Châu Á" mà họ đang tìm kiếm. Những con vật trông giống như dê, cao khoảng 0,9 m, dài 1,2 m - 1,5 m, nặng từ 80-100 kg.
Loài Sao la này trông rất mã đẹp, lông màu nâu sẫm mượt như nhung lụa, sừng nhọn hoắt dài 50-70 cm. Dấu chân chúng như dấu chân bò, chúng khá nhút nhát, thường đi ăn vào buổi tối, nếu nghe tiếng động hoặc ngửi thấy hơi người thì lập tức bỏ chạy vào rừng sâu.
Để có thể tìm thấy chúng, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã phối hợp đặt nhiều bẫy ảnh – những camera chạy bằng pin có khả năng tự động quay video và chụp ảnh như phát hiện chuyển động của sinh vật bằng hồng ngoại – trên dãy Trường Sơn.

Các camera được đặt sau mỗi 1 km, ở các bụi cây có lộc non, được cho là thức ăn của Sao la. Cứ 2-3 ngày khi hết pin, chúng lại được thu về để sạc và kiểm tra ảnh chụp.
Trong quá trình đặt bẫy ảnh, các nhà khoa học cũng tìm kiếm mọi dấu chân mà họ thấy bên dưới nền rừng. Hễ có một dấu móng guốc được tìm thấy, họ sẽ đổ thạch cao, chờ khô rồi mang về phân tích.
Những cuộc đi săn được thực hiện ròng rã suốt 4 năm ở Vũ Quang, nhưng dấu vết Sao la vẫn bặt tăm. Thứ duy nhất mà các nhà khoa học của cả Việt Nam và quốc tế phát hiện được thêm là một vài hộp sọ và sừng của những con Sao la đã chết.
Những cá thể Sao la hiếm hoi còn sống được tìm thấy
Khi hàng loạt nỗ lực của các nhà khoa học quốc tế ở Vũ Quang đã thất bại, khi những người da trắng quen sống ở vĩ độ ôn đới bị khí hậu khắc nghiệt của vùng núi Hương Sơn, với gió phơn oi bức mùa hè và cái rét cắt da cắt thịt mùa đông đẩy trở về quốc gia của mình, thì vào năm 1996, một thợ săn ở Hà Tĩnh bất ngờ bẫy được một con Sao la bằng da bằng thịt còn sống.
Con Sao la này sau đó được người dân giao nộp và chuyển về Viện Điều tra quy hoạch rừng ở Hà Nội để nuôi nhốt và nghiên cứu. Thật trớ trêu thay, Sao la dường như chỉ thích nghi được với khí hậu của vùng núi đại ngàn Hà Tĩnh, sau 6 tháng ở Hà Nội, cá thể Sao la quý hiếm này đã chết.

Đến năm 1998, một thợ săn khác ở Thừa Thiên Huế đã bắt gặp một cặp Sao la mẹ con. Người đàn ông này đã bắn chết con Sao la mẹ và bắt sống con Sao la con chỉ mới hơn một tháng tuổi. Cả xác Sao la mẹ và Sao la con đã được giao nộp. Người ta đưa con Sao la mồ côi về nuôi ở Vườn quốc gia Bạch Mã. Nhưng một lần nữa, con Sao la này lại chết.
Cùng năm đó, các nỗ lực đặt bẫy ảnh được thực hiện tại Vườn quốc gia Pù Mát ở Nghệ An đã lần đầu tiên chụp được ảnh Sao la sinh sống ngoài môi trường tự nhiên ở Việt Nam, mà không bị con người săn bắt.
Thế nhưng, càng ngày, người ta càng thấy Sao la ít xuất hiện hơn.
Suốt 15 năm sau, không còn có người dân hay thợ săn nào ở Việt Nam còn nhìn thấy Sao la nữa. Phải cho tới tận năm 2013, một bẫy ảnh của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cùng Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) mới chụp lại được một con Sao la nữa còn sống.

Ngày đó, đây là một phát hiện gây chấn động, bởi hầu hết các nhà khoa học đã cho rằng Sao la đã tuyệt chủng. Các nhóm nghiên cứu nước ngoài lần lượt rời Việt Nam trong khi các lán trại và trung tâm tìm kiếm Sao la bị giải thể.
"Đây là một khám phá nghẹt thở, một số người tin rằng sao la đã biến mất vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Ghi nhận này làm sống lại hy vọng về sự phục hồi quần thể của loài này", tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam khi đó chia sẻ.
Thế nhưng, cá thể Sao la năm 2013 lại một lần nữa trở thành sự xuất hiện cuối cùng của loài động vật này. Bây giờ, đã 12 năm nữa trôi qua, các nhà bảo tồn của WWF và Việt Nam vẫn kiên trì đi đặt bẫy ảnh trong các khu rừng của Trường Sơn, nhưng Sao la lại một lần nữa bặt vô âm tín.
Giải trình tự bộ gen Sao la mở ra hướng bảo tồn mới
Trong nghiên cứu mới trên tạp chí Cell, một nhóm các nhà khoa học quốc tế nhận định nếu Sao la đã tuyệt chủng, thì việc giữ lại bộ gen của loài "kỳ lân Châu Á" này là một nhiệm vụ cấp thiết và vô cùng quan trọng.
Với dữ liệu về bộ gen, họ hi vọng một ngày nào đó có thể sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen để nhân giống hoặc làm hồi sinh loài Sao la quý hiếm này, tương tự các nỗ lực nhân giống bồ câu hồng ở đảo Mauritius hay việc hồi sinh sói hung dữ, voi ma mút đang được thực hiện.
Thế nhưng, làm thế nào để có được DNA của Sao la, khi ngay cả việc chụp ảnh chúng bây giờ cũng trở thành một mục tiêu bất khả?

Một số ý tưởng đã được đưa ra, ví dụ sàng lọc DNA tại các con suối trong khu vực Sao la sinh sống, tìm kiếm mẫu máu của chúng trong các sinh vật hút máu ký sinh như đỉa. Thế nhưng, các kỹ thuật tìm kiếm DNA sống này đều đã thất bại.
Để có thể tái tạo lại bộ gen Sao la, các nhà khoa học buộc phải quay trở lại với các mẫu vật chết. Họ đã sử dụng các mẫu da, lông, xương và mô thu được từ các mẫu vật được cung cấp trước đây bởi các thợ săn Việt Nam, để trích xuất những mảnh DNA còn lại trong đó.
Các mảnh gen trong 26 mẫu vật của 26 cá thể Sao la đã chết sau đó được ghép nối lại với nhau thành một bộ gen tham chiếu hoàn chỉnh. Trong quá trình này, các nhà khoa học đã phát hiện ra một tin tốt và một tin xấu.
Tin xấu là dữ liệu DNA của Sao la chỉ ra sự đa dạng di truyền của loài sinh vật này đã bị suy giảm nghiêm trọng từ sau Kỷ băng hà cuối cùng cách đây 20.000 năm. Nhóm nghiên cứu ước tính trong 10.000 năm gần đây, quần thể Sao la chưa bao giờ sinh sản quá 5.000 cá thể.
Tuy nhiên, có một tin tốt rằng Sao la có vẻ như đã chia tách thành 2 quần thể riêng biệt về mặt di truyền. Một quần thể sống ở phía bắc, một quần thể sống ở phía nam. Điều này có thể được hiểu như Sao la đã phát triển thành 2 dòng họ.
Nếu vậy, ý tưởng là bạn có thể cho một con Sao la phương bắc giao phối với Sao la phương nam để tránh chúng bị hiện tượng cận huyết.

"Chúng tôi khá ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Sao la được chia thành hai quần thể có sự khác biệt đáng kể về mặt di truyền. Sự chia tách này diễn ra trong khoảng từ 5.000 đến 20.000 năm trước", Genís Garcia Erill , nhà sinh vật học tại Đại học Copenhagen ở Đan Mạch, cho biết.
"Biến thể di truyền bị mất đi trong mỗi quần thể sẽ bổ sung cho quần thể kia. Vì vậy, nếu bạn trộn chúng lại với nhau, chúng có thể bù đắp cho những gì quần thể kia còn thiếu".
Việc phát hiện ra sự tồn tại của quần thể Sao la kép làm dấy lên hy vọng rằng giải pháp này có thể thành công, và các mô phỏng về nhiều kịch bản bảo tồn khác nhau được tiến hành trong nghiên cứu cho thấy đây có thể là lựa chọn tốt nhất của họ.
"Nếu chúng ta có thể tập hợp ít nhất một chục con sao la - lý tưởng nhất là sự kết hợp từ cả hai quần thể - để tạo thành nền tảng cho một quần thể tương lai, thì các mô hình của chúng tôi cho thấy loài này sẽ có cơ hội sống sót lâu dài", nhà sinh vật học Rasmus Heller tại Đại học Copenhagen nói.

Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc chúng ta có thể tìm thấy đủ 10 con Sao la còn sống hay không, trong bối cảnh 12 năm qua, loài động vật này vẫn bặt vô âm tín. Nhiều nhà khoa học thậm chí cho rằng Sao la đã hoàn toàn tuyệt chủng, và chỉ còn chờ đợi ngày công bố chính thức.
Thế nhưng trong kịch bản tồi tệ nhất ấy, việc xây dựng được bộ gen hoàn chỉnh của Sao la bây giờ vẫn có thể mở ra một cơ hội mới: Rằng trong tương lai không xa, chúng ta có thể hồi sinh Sao la, loài "kỳ lân Châu Á", một biểu tượng của núi rừng Trường Sơn bằng các kỹ thuật di truyền.
Cuộc đi săn "kỳ lân" này sẽ chuyển từ núi rừng Việt Nam, vào bên trong những ống nghiệm. Để rồi khi những con Sao la thụ tinh ống nghiệm ra đời, chúng có thể được tái thả vào núi rừng Nghệ Tĩnh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Điện thoại cho người “cai" điện thoại
Minimal Phone MP01 không dành cho tất cả mọi người, nhưng với những ai đang cảm thấy mệt mỏi vì quá phụ thuộc vào điện thoại, đây là một lựa chọn đáng cân nhắc.
Cận cảnh hệ điều hành của Huawei trên PC nhằm thay thế Windows: Giao diện học hỏi cả Windows và macOS, nhiều tính năng AI, nhưng không thể chạy file .exe