Các nhà khoa học vừa "đánh thức" giọng nói của một xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi

    zknight,  

    Người Ai Cập hy vọng sau khi chết, linh hồn của họ có thể nói chuyện được, để báo cáo với các vị thần rằng họ đã có một cuộc đời tốt đẹp.

    Vào khoảng năm 1.100 trước Công Nguyên, khi Nesyamun - một thầy tế Ai Cập sống dưới triều đại Pharaon Ramesses XI qua đời, người ta đã ướp xác ông ấy lại, đặt vào một cỗ quan tài và khắc lên đó di nguyện cuối cùng của ông:

    Nesyamun muốn giữ lại được tiếng nói của mình, ông muốn mọi người có thể nghe thấy giọng nói của mình từ thế giới bên kia.

    Hơn 3.000 năm sau, khi các nhà khoa học ở thế kỷ 21 khai quật được xác ướp của Nesyamun. Họ đã giải mã những dòng chữ trên quan tài và giúp ông thực hiện di nguyện ấy.

    Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Royal Holloway, Đại học London, Đại học York và Bảo tàng Leeds đã cùng nhau tái tạo lại giọng nói của Nesyamun bằng kỹ thuật in 3D thanh quản, dựa trên những gì mà thi thể ông ấy bảo quản được.

    Các nhà khoa học vừa đánh thức giọng nói của một xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi - Ảnh 1.

    Các nhà khoa học vừa "đánh thức" giọng nói của xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi

    Vậy là tiếng nói của một xác ướp đã được đánh thức dậy, và một vị thầy tế Ai Cập sẽ lại có thể trò chuyện được với các vị thần sau hơn 3.000 năm im lặng.

    "Đó rõ ràng là tâm nguyện của ông ấy", giáo sư khảo cổ học John Schofield đến từ Đại học York cho biết. "Theo một cách nào đó, chúng tôi đã làm mọi cách để biến điều ước đó thành hiện thực".

    Tiếng nói của một thầy tế

    Là một thầy tế đã thanh tẩy (waab priest), Nesyamun có thể đến gần bức tượng thần Amun bên trong thánh địa linh thiêng nhất của ngôi đền Karnak tại Thebes (Luxor ngày nay).

    Trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại, chỉ có các thầy tế mới được phép đi vào và đến gần các bức tượng linh thiêng bên trong những ngôi đền. Thần dân và ngay cả các Pharaon cũng chỉ được phép cầu nguyện phía bên ngoài.

    Vì vậy, tiếng nói của một thầy tế đóng vai trò rất quan trọng. Họ là những người duy nhất giao tiếp được với các vị thần.

    Các nhà khoa học vừa đánh thức giọng nói của một xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi - Ảnh 2.

    Tiếng nói của một thầy tế đóng vai trò rất quan trọng. Họ là những người duy nhất giao tiếp được với các vị thần.

    Công việc hàng ngày của Nesyamun được thực hiện tại đền Karnak, một khu phức hợp tâm linh lớn của Ai Cập cổ đại. Bên trong đền Karnak có bức tượng của thần Amun, vị thần mặt trời và không khí, một tay cầm trượng, một tay cầm khóa phục sinh.

    Mỗi sáng thức dậy, Nesyamun sẽ phải cạo sạch tóc trên đầu, tắm rửa bằng nước lạnh rồi khoác lên mình một bộ quần áo làm từ vải lanh hoặc các loài thực vật khác. Ông sẽ đi cùng với thầy chủ tế, đến mở phong ấn ở đền Karnak.

    Họ sẽ thắp một ngọn đuốc và đi bộ vào phía bên trong, đến gần những bức tượng. Các thầy tế sẽ nói lời cầu nguyện, thắp nhang, rửa tượng, đặt quần áo, đồ trang sức và thực phẩm thờ cúng gần đó.

    Sau đó, những bài thánh ca ca ngợi những vị thần sẽ được sướng lên. Cho đến cuối ngày, thầy tế sẽ lui khỏi ngôi đền, quét sạch mọi dấu chân của mình bên trong đó và phong ấn cửa lại một lần nữa.

    Để thực hiện mọi nghi lễ một cách tôn nghiêm nhất, Nesyamun cần một giọng nói mạnh mẽ. Nhưng các phân tích từ thi thể cho thấy, ông bị bệnh nướu răng và hàm răng của ông đã bị sâu nghiêm trọng.

    Các nhà khoa học vừa đánh thức giọng nói của một xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi - Ảnh 3.

    Nesyamun chết ở khoảng tuổi 50, với lưỡi thè ra khỏi miệng. Các nhà khoa học cho rằng đó là một biểu hiện của sốc phản vệ khi bị dị ứng.

    Nesyamun chết ở khoảng tuổi 50, với lưỡi thè ra khỏi miệng. Các nhà khoa học cho rằng đó là một biểu hiện của sốc phản vệ khi bị dị ứng, trong khi nhiều người đoán rằng ông ấy đã thắt cổ tự tử hoặc bị thắt cổ cho tới chết.

    Ước nguyện được giữ lại giọng nói

    Bất kể nguyên nhân cái chết là gì, Nesyamun là xác ướp duy nhất có niên đại từ thời Pharaon Ramesses XI và hiện được bảo quản tại Bảo tàng Thành phố Leeds (Vương quốc Anh). Trước năm 1941, có tới 3 xác ướp được bảo quản tại đây, tuy nhiên sau một vụ đánh bom vào thành phố Leeds trong thế chiến thứ II, 2 xác ướp còn lại đã bị phá hủy hoàn toàn.

    Điều này khiến các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu Nesyamun một cách hết sức cẩn thận. Một nhóm nghiên cứu đa ngành đã được tập hợp lại từ năm 1973. Trong khi một số nhà khoa học tập trung vào việc kiểm tra tình trạng của xác ướp, chẩn đoán cái chết và điều kiện sống của Nesyamun, một số đã giải mã những dòng chữ tượng hình bên ngoài quan tài và đọc được ước muốn của ông ấy.

    Các nhà khoa học vừa đánh thức giọng nói của một xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi - Ảnh 4.
    Các nhà khoa học vừa đánh thức giọng nói của một xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi - Ảnh 5.

    Các nhà khoa học đưa xác ướp của Nesyamun đến Bệnh viện đa khoa thành phố Leeds để chụp cắt lớp CT.

    Nesyamun muốn giữ lại giọng nói của mình sau khi chết. "Người Ai Cập hy vọng sau khi chết, linh hồn của họ có thể nói chuyện được, để báo cáo với các vị thần rằng họ đã có một cuộc đời tốt đẹp. Chỉ khi các vị thần đồng ý, linh hồn người quá cố mới đi vào cõi vĩnh hằng. Ngược lại, họ sẽ chết lần thứ hai và cái chết đó là cái chết vĩnh cửu", giáo sư khảo cổ học Prof Joann Fletcher, đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ.

    Cùng với giáo sư Schofield, Fletcher và các đồng nghiệp tại Đại học Royal Holloway, Đại học London, Đại học York và Bảo tàng Leeds đã khởi động một chương trình nghiên cứu mới, giúp tái tạo giọng nói của Nesyamun bằng dây thanh âm nhân tạo.

    Đối với con người, chúng ta sử dụng đường hô hấp để tạo ra, truyền và lọc âm thanh. Âm thanh được tạo ra trực tiếp ở thanh quản - cơ quan thường được gọi là hộp giọng nói - nhưng chúng ta chỉ nghe thấy nó một khi sóng âm đã đi qua và thoát được khỏi đường hô hấp.

    Vì vậy, để tái tạo được giọng nói của Nesyamun, các nhà khoa học đã phải đưa xác ướp của ông đến Bệnh viện đa khoa thành phố Leeds để chụp cắt lớp CT. Từ ảnh quét các mô mềm ở cổ họng cũng như đường hô hấp, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật in 3D để tạo ra một bản sao đường hô hấp của Nesyamun bằng nhựa.

    Các nhà khoa học vừa đánh thức giọng nói của một xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi - Ảnh 6.
    Các nhà khoa học vừa đánh thức giọng nói của một xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi - Ảnh 7.

    Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật in 3D để tạo ra một bản sao đường hô hấp của Nesyamun bằng nhựa.

    Tiếp đến, bản sao đường hô hấp của Nesyamun được kết nối với thanh quản nhân tạo và một chiếc loa chuyên dùng để tạo ra giọng nói điện tử. Nếu đúng theo lý thuyết, giọng nói thu được của Nesyamun trước khi chết sẽ mô phỏng âm "ao" hoặc "argh".

    Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ thu được một tiếng giống như tiếng "eh" của một con cừu. Họ giải thích rằng đó là âm thanh mô phỏng ở tư thế Nesyamun nằm trong quan tài và sau khi cái xác đã được ướp chứ không phải giọng nói thực tế khi ông còn sống.

    Và theo thời gian, bởi lưỡi xác ướp đã bị teo lại và vòm miệng mềm đã mất, giọng nói của Nesyamun cũng có độ sai lệch nhất định. Nhưng dựa vào kích thước thanh quản và đường hô hấp, các nhà khoa học xác nhận vị thầy tế này có tông giọng cao hơn so với đàn ông trung bình hiện nay.

    Đánh thức giọng nói của xác ướp 3.000 năm tuổi

    Các nhà khoa học cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên tái tạo thành công giọng nói của một người đã chết thông qua kỹ thuật in 3D và các phương tiện nhân tạo. Nesyamun "đã cho chúng tôi cơ hội duy nhất để nghe được tiếng nói của một người đã chết từ lâu", giáo sư Fletcher nói.

    Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng thêm các mô hình máy tính "để tạo ra các từ và xâu chuỗi các từ đó lại với nhau thành câu", giáo sư Schofield nói. "Chúng tôi hy vọng có thể tạo ra một phiên tế gồm những gì ông ấy đã nói trong ngôi đền Karnak". Nếu được làm vậy, tiếng nói của Nesyamun sẽ được đánh thức hoàn toàn.

    Nghiên cứu mới của giáo sư Schofield và đồng nghiệp đã được công bố trên tạp chí Science Reports.

    Tham khảo BBC, Science Reports.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ